Chủ nhật, 24/11/2024 | 12:08 GMT +7
Những năm qua, người dân tỉnh Lạng Sơn chủ yếu áp dụng trồng, chăm sóc hồi theo phương thức truyền thống, không đầu tư chăm sóc bón phân, dẫn đến cây suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, năng suất, sản lượng thấp.
Trước thực trạng đó, UBND các huyện trong vùng trồng hồi đã triển khai giải pháp hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Điển hình như huyện Bình Gia, người dân đã được hướng dẫn sản xuất hồi theo hướng hữu cơ. Năm 2019, từ nguồn vốn thuộc chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng NN-PTNT huyện Bình Gia đã xây dựng mô hình thí điểm sản xuất hồi theo hướng hữu cơ tại thị trấn Bình Gia.
Đến nay, mô hình tiếp tục được mở rộng tại các xã Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Thiện Hòa, Hồng Phong. Theo đó, Phòng NN-PTNT hỗ trợ người dân phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây hồi. Qua đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức, chú trọng chăm sóc, bón phân, cắt tỉa theo kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện toàn huyện Bình Gia có khoảng 8.700ha hồi, trong đó có 150ha hồi hữu cơ, sản lượng hồi khô năm 2023 đạt hơn 2.500 tấn. Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Gia cho biết: "Thời gian tới, để phát triển hồi bền vững, Phòng tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây hồi. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động phát triển hồi hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng".
Là một trong những hộ tham gia mô hình canh tác hồi theo hướng hữu cơ, ông Vy Văn Tài ở khối Yên Bình (thị trấn Bình Gia) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi trồng hồi theo cách truyền thống, cây hồi kém phát triển, năng suất không cao, thu nhập từ cây hồi thấp. Từ năm 2019, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi trồng và chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ với tổng số 1.000 cây. Nhờ đó, năng suất hồi tăng và ổn định hơn, mang lại thu nhập cho gia đình tôi trên 200 triệu đồng/năm".
Không chỉ ở các huyện, từ năm 2019 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và triển khai 4 mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có khoảng 720ha hồi được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, tập trung chủ yếu ở huyện Chi Lăng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn. Qua mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, từng bước lan tỏa rộng rãi, hình thành nên các vùng sản xuất hồi hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Hiện nay, người dân đã thay đổi tư duy, chú trọng hơn đến việc chăm sóc, bón phân cho cây hồi, nắm được quy trình sản xuất, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, giảm tỷ lệ sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng hồi. Đồng thời, tạo tiền đề để nhân rộng vùng nguyên liệu hồi hữu cơ, hướng tới đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó tăng giá trị sản phẩm hồi".
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 43.300ha hồi, trong đó trên 28.000ha hồi đang cho thu hoạch ổn định, sản lượng hoa hồi khô đạt từ 8.000 đến 16.000 tấn/năm, giá trị ước đạt khoảng 1.700 tỷ đồng/năm. Có thể nói, tiềm năng và giá trị kinh tế mà cây hồi mang lại là rất lớn.
Với việc quan tâm nâng cao chất lượng cây hồi của cơ quan chuyên môn tỉnh và các huyện, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển hồi bền vững. Hiện nay, chỉ dẫn địa lý "Hoa hồi Lạng Sơn" đã được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châu Âu, thị trường tiêu thụ rộng mở ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.