Thứ ba, 03/12/2024 | 18:48 GMT +7
Từ năm 2019, HTX Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) tiên phong xông pha vào lĩnh vực sản xuất lúa hữu cơ. Thời điểm đó, chuyện làm lúa hữu cơ còn rất lạ lẫm với nông dân Bình Định. Mô hình làm lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp Ân Tín bắt đầu từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Xã Ân Tín là đơn vị đầu tiên của huyện Hoài Ân về đích nông thôn mới nâng cao. Là xã nông thôn mới nâng cao mà không có sản phẩm OCOP là lỗ hổng lớn. Nhưng ở Ân Tín chỉ có lúa, vậy là chúng tôi quyết định làm lúa hữu cơ để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Được sự ủng hộ hết mình của chính quyền địa phương, thêm sự hỗ trợ của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trung tâm Ứng dụng thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định, chúng tôi tập tễnh bước chân vào lĩnh vực sản xuất lúa hữu cơ”, ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín nhớ lại.
May mắn là trên địa bàn xã Ân Tín còn 2,75ha diện tích ruộng thuộc đất 5% do xã quản lý, diện tích đất này lại nằm đầu nguồn hồ chứa nước Vạn Hội, nước vào ruộng không phải qua tuyến kênh mương nào nên không lo ô nhiễm từ nguồn nước tưới chung, lại nằm tách biệt với vùng ruộng canh tác truyền thống nên không lo nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, đây là những điều kiện tiên quyết để sản xuất lúa hữu cơ.
“Giống để làm lúa hữu cơ phải là giống chất lượng cao, giống không biến đổi gen, quy trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm cẩn theo quy chuẩn quốc gia. Làm lúa hữu cơ phải “nói không” với phân bón, thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh và phân hữu cơ vi sinh. Trong quá trình sản xuất nếu ruộng phát sinh cỏ thì chỉ nhổ thủ công chứ không phun thuốc trừ cỏ. Kể cả nếu ruộng có ốc bươu vàng cũng phải bắt từng con chứ không được bơm thuốc”, ông Bùi Long Xuân chia sẻ.
Theo tâm tư của ông Xuân, lúc mới chuyển từ sản xuất lúa theo kiểu truyền thống qua làm lúa hữu cơ ông “run hết biết” bởi năng suất lúa giảm mạnh. Canh tác theo kiểu cũ năng suất lúa đạt tới 350kg/sào (500m2)/vụ, nhưng khi làm lúa hữu cơ năng suất giảm chỉ còn 200 - 220kg/sào. Nguyên nhân theo ông Xuân giải thích, trong quá trình sinh trưởng cây lúa rất cần đạm, nhưng khi chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, không còn bón phân hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh mà loại phân này hàm lượng đạm rất thấp nên không thể tiếp sức cho vây lúa đẻ nhánh nên năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ thấp hơn so với sản xuất truyền thống.
Cũng theo ông Xuân, nếu canh tác lúa theo kiểu truyền thống thì nông dân phải bón 25kg phân hóa học, sử dụng khoảng 50ml thuốc trừ cỏ, 50ml thuốc trừ ốc bươu vàng và từ 100 - 150ml thuốc BVTV phòng trừ các loại sâu bệnh cho 1 sào lúa trong 1 vụ sản xuất. Khi chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, chuyện sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học nói trên trở thành chuyện “dĩ vãng”. Để hạn chế sâu bệnh cho cây lúa, mỗi năm nông dân chỉ bón vào đất 25kg vôi/sào.
“Thời gian đầu mới chuyển sang làm lúa hữu cơ thì 1 - 2 vụ đầu cây lúa còn phát sinh sâu bệnh, còn cần phải dùng thuốc BVTV sinh học để phòng trừ, nhưng từ vụ thứ 4 đến nay là vụ thứ 9 không còn thấy sâu bệnh phát sinh gây hại nên diện tích sản xuất lúa hữu cơ không còn sử dụng thuốc BVTV sinh học”, ông Bùi Long Xuân chia sẻ.
Đến nay, sau 4 năm sản xuất lúa hữu cơ, HTX Nông nghiệp Ân Tín đã “bớt run” khi giá gạo hữu cơ ngày càng “ấm” lên, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các loại nông sản sạch, trong đó có lúa hữu cơ.
“Xu hướng người tiêu dùng sẽ chọn những sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó có lúa hữu cơ. Thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng gạo hữu cơ sẽ còn tăng cao. Minh chứng là sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Ân Tín tăng giá qua từng vụ sản xuất. Giai đoạn 2019 - 2020, gạo hữu cơ Ân Tín mới chỉ bán được 13.000đ/kg, đến năm 2021 tăng lên được 15.000 - 17.000đ/kg, bước sang đầu năm 2022 tiếp tục tăng lên 20.000đ/kg, giữa năm 2022 tăng lên 22.000đ/kg, qua đầu năm 2023 tăng lên 25.000đ, đến giờ này gạo hữu cơ Ân Tín đang đứng giá 27.000đ/kg”, ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín phấn khởi cho hay.
Đó chính là động lực khiến HTX Nông nghiệp Ân Tín mạnh dạn đeo đuổi ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ trên cây lúa suốt 4 năm nay. Hiện 2,75ha lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp Ân Tín đã được chứng nhận hữu cơ của Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC, sản lượng bình quân 12,5 tấn gạo hữu cơ/năm.
Sản phẩm “Gạo hữu cơ Ân Tín” đã được ngành chức năng đánh giá, phân hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, được Sở Công thương Bình Định cấp mã vạch, mã QR. Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Ân Tín đã giới thiệu sản phẩm, trưng bày tại nhiều hội thảo, hội nghị và bán tại một số cửa hàng chuyên doanh sản phẩm hữu cơ và qua mạng intenet.
“Bước đầu, người tiêu dùng có phản ứng tích cực, chấp nhận sản phẩm, mức giá bán ra đảm bảo được chi phí sản xuất, có lợi nhuận. HTX đã ứng dụng công nghệ số trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất lao động, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm như sử dụng phần mềm kế toán, đăng ký bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn, Sanocop.vn. Càng ngày, người tiêu dùng càng chấp nhận sản phẩm, mức giá bán ra đảm bảo được chi phí sản xuất, người sản xuất có lợi nhuận”, ông Bùi Long Xuân phấn khởi.
Ngoài hiệu quả kinh tế, sản xuất lúa hữu cơ còn bảo vệ môi trường, giảm phát thải thông qua việc giảm sử dụng hóa chất, thuốc BVTV và phân bón vô cơ cũng như điều tiết nước hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường, mang đến lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 (tiêu chí tổ chức sản xuất) trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang là hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị sản xuất cao cho người dân. Mô hình này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xây dựng nền nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa gắn liền với phát triển sinh thái bền vững, tạo các mô hình điểm về sản xuất gạo chất lượng cao, an toàn. Ngoài ra, sản xuất lúa hữu cơ còn tạo đà thành công cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng mô hình nông thôn mới bền vững trên địa bàn.
Từ thành công của HTX Nông nghiệp Ân Tín, hiện nay huyện Hoài Ân đã rộ lên phong trào sản xuất lúa hữu cơ. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, hiện trên địa bàn huyện đã có 6 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gồm Ân Tín, Ân Tường 1, Ân Tường 2, Ân Nghĩa, Ân Hữu và Ân Mỹ với tổng diện tích 15,5ha.
“Hiện nay, lúa hữu cơ sản xuất ở huyện Hoài Ân đã được các HTX chế biến gạo hữu cơ để bán cho người tiêu dùng trong huyện, trong tỉnh và gửi đi tiêu thụ tại TP.HCM. Với diện tích 15,5ha lúa sản xuất theo hưỡng hữu cơ, mỗi vụ huyện Hoài Ân cung ứng ra thị trường khoảng 90 tấn gạo và được tiêu thụ rất mạnh.
Nhận thấy sản xuất lúa hữu cơ vừa giảm được chi phí đầu vào, sức khỏe người trực tiếp sản xuất được bảo vệ do không sử dụng thuốc BVTV hóa học, năng suất đạt khá, giá bán cao hơn lúa sản xuất theo phương thức truyền thống nên diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ngày càng được bà con nhân rộng”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân chia sẻ.
QUẢNG NINH Anh Đại nghĩ, các cụ hồi xưa chỉ sử dụng phân chuồng mà cây vẫn tươi tốt, cho năng suất cao, đất đai màu mỡ... nên quết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ.
ĐẮK NÔNG 'Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ'.
YÊN BÁI Khi sử dụng vật tư đầu vào sinh học, giun trong đất tăng lên, độ tơi xốp được cải thiện, cây trồng sinh trưởng tốt, giảm được nhiều chi phí.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.