Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:57 GMT +7
Trước đây, năng suất cây lúa tại huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) rất thấp và gần như không thể cạnh tranh với các vùng khác trong tỉnh bởi nông dân còn hạn chế về kỹ thuật canh tác.
Thêm vào đó, mối liên kết giữa người trồng lúa và doanh nghiệp cũng chưa chặt chẽ. Nông dân muốn tham gia sản xuất hữu cơ không biết bắt đầu từ đâu và khi muốn bán sản phẩm, họ cũng không biết làm thế nào để kết nối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ khi tỉnh Trà Vinh triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, thông qua các lớp đào tạo về kỹ thuật canh tác, xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp, đến nay đã mang lại những kết quả tích cực, trong đó có những mô hình nổi bật như nuôi tôm - lúa gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại cù lao Long Hòa (xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành).
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 102ha, với hơn 100 thành viên tham gia. Nông dân chuyển từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang chế phẩm sinh học để kiểm soát sâu bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt. Năng suất vụ vừa rồi đạt 5,5 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cho người trồng lúa khá cao.
Là người hưởng ứng mô hình ngay lúc đầu triển khai, lão nông Nguyễn Văn Huệ ở ấp Xẻo Rảnh (xã Long Hòa) chia sẻ: Canh tác theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi người trồng lúa phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trước tiên, ở khâu xử lý giống, ông dùng nước sạch ngâm và ủ hạt lúa giống để loại bỏ chất hóa học. Trong quá trình canh tác, ông không sử dụng thuốc trừ cỏ mà áp dụng biện pháp bơm nước vào ruộng để diệt cỏ. Trong trường hợp còn cỏ sót, ông thường tự nhổ bằng tay.
Ở khâu bón phân, ông Huệ chỉ sử dụng phân hữu cơ sinh học, tuân thủ theo quy định của đơn vị thu mua.
Ngày nay, nhiều nông dân tại xã đảo Long Hòa đã rất thành thạo và quen với việc canh tác nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, vấn đề bà con quan tâm nhất là đầu ra cho sản phẩm hiện cũng không còn đáng lo ngại.
Ông Diệp Phúc Hậu (Tổ hợp tác Lúa hữu cơ Long Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, Tổ hợp tác hiện đang liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoảng 75ha lúa hữu cơ với giống lúa chất lượng cao ST24. Lúa hữu cơ của Tổ hợp tác hiện được doanh nghiệp liên kết thu mua để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ...
"Đầu vụ tôi tổ chức họp các thành viên để thông báo giá. Tùy thuộc vào thời điểm, ví dụ như giá gạo hiện nay là 10.000 đồng/kg, chúng tôi mua vào với giá 17.000 đồng/kg, thường cao hơn thị trường khoảng 1,7 lần”, ông Hậu nói.
Theo UBND xã Long Hòa, mặc dù năng suất lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ bằng hoặc thấp hơn so với phương pháp truyền thống trong cùng điều kiện sinh thái nhưng giá bán lại cao hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gần gấp đôi so với sản xuất truyền thống.
Cụ thể, năng suất lúa đạt mức khá cao, từ 5,3 - 5,5 tấn/ha. Lúa được doanh nghiệp liên kết thu mua, mang lại lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha cho mỗi vụ sản xuất.
Phương pháp sản xuất lúa hữu cơ không chỉ cho lợi nhuận cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Sau mỗi vụ lúa, môi trường đồng ruộng được cải thiện giúp nuôi tôm giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thanh Cần, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết: Trước đây, bà con chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế từ con tôm thì nay cây lúa đã mang lại tiềm năng và lợi thế mới với những hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu.
Hiện thương hiệu gạo hữu cơ Long Hòa đã được chứng nhận và được công ty thu mua xuất khẩu sang nhiều nước. Thời gian tới, xã sẽ mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ khoảng 300ha.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.