Chủ nhật, 13/04/2025 | 20:09 GMT +7
Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Nam Định, tôi có dịp thăm cơ sở sản xuất rau an toàn của HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy). Ông Đinh Xuân Mộc, Giám đốc HTX không ngần ngại chia sẻ những cách làm sáng tạo mà HTX đang áp dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Ông Đinh Xuân Mộc trong khu ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất rau của HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc. Ảnh: Trung Quân.
Theo ông Mộc, trong bối cảnh giá các loại vật tư đầu vào, dịch vụ nông nghiệp không ngừng tăng lên, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, việc phát triển sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ là "tem bảo hành'' để sản phẩm đứng vững trên thị trường.
Tuy nhiên, sản xuất an toàn là hành trình dài đầy khó khăn, vất vả, nhất là ở giai đoạn đầu tiếp cận, chuyển đổi. Bởi lẽ, thói quen canh tác dựa trên kinh nghiệm, phụ thuộc hoàn toàn vào vật tư đầu vào hóa học (phân bón, thuốc BVTV) đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của nhiều nông dân. Hễ thấy màu lá rau không đẹp là bà con lập tức bón phân, thấy cây có sâu bệnh là phun thuốc mà không quan tâm nhiều đến thời điểm phun hiệu quả, liều lượng cần thiết…
Khi mọi khâu trong quá trình sản xuất không được kiểm soát dẫn tới chi phí tăng lên, đất trồng không được bổ sung dinh dưỡng, hệ vi sinh vật nghèo nàn, trở nên chai cứng; sản phẩm bị bão hòa, khó tiêu thụ, lợi nhuận thu được không cao. Trước thực tế đó, Ban lãnh đạo và các thành viên HTX đã thống nhất, dù khó khăn thế nào vẫn kiên trì sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ để tạo sự khác biệt, nâng sức cạnh tranh.
Năm 2022, khi HTX tham gia Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) triển khai thì quyết tâm, niềm tin đó lại càng được củng cố.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản, cán bộ khuyến nông, HTX tận dụng tất cả các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi như rơm rạ, rau hỏng, cỏ, phân bò, dê… ủ thành phân bón hữu cơ để bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, nuôi trùn quế để tạo nguồn dinh dưỡng, phối trộn với các loại phân bón hữu cơ khác; sử dụng phân bón hữu cơ công nghiệp, thuốc BTV sinh học để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
Thành viên HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc phối trộn phụ phẩm, ép thành phân bón viên sử dụng cho cây trồng. Ảnh: Trung Quân.
HTX cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở việc ghi chép nhật ký sản xuất, tổ chức giám sát chéo để nâng cao ý thức các thành viên; giúp họ kiên trì thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang áp dụng các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, tổ chức cho các hộ tham quan những mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và cũng cố niềm tin…
Với những bước đi bài bản, hiện tại, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 5ha, sản lượng hàng năm hơn 190 tấn, với đa dạng các loại rau củ như cải ngọt, cải chip, bắp cải, rau dền, cà tím, dưa chuột…
“Để sản xuất rau theo các tiêu chuẩn an toàn, điều quan trọng nhất là người dân phải tự mình nhận thức được giá trị và chủ động thay đổi tư duy. Một hộ làm hiệu ứng không cao, nhưng hàng trăm hộ làm thì câu chuyện sẽ khác. Khi tất cả cùng đồng lòng phát triển thì tự khắc sẽ tạo được thị trường dành riêng cho dòng sản phẩm này”, ông Mộc đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nam Định chia sẻ, Nam Định là một trong những địa phương có phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hàng đầu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn, bản thân cán bộ khuyến nông, HTX và hộ sản xuất vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được khỏa lấp, nhất là vấn đề nắm bắt tín hiệu thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp.
Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam đã giúp HTX Đình Mộc gỡ những nút thắt trong chuỗi sản xuất rau an toàn. Ảnh: Trung Quân.
Từ khi Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam được triển khai trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu lớn nhất là tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông, HTX, người sản xuất, những khoảng trống trong nhận thức, hành động dần được thu hẹp.
"Minh chứng rõ nhất là sự chuyển biến cung cách tổ chức sản xuất của các HTX. Trước đây hoạt động sản xuất thường tập trung vào tận dụng lợi thế, kinh nghiệm sẵn có để nâng cao năng suất nhưng ít quan tâm đến nhu cầu thị trường, dẫn tới nhiều thời điểm sản phẩm khó tiêu thụ. Hiện tại, các thành viên của HTX đã cùng nhau phát triển sản xuất đồng bộ, theo chuỗi liên kết; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, thân thiện với môi trường", ông Thông đánh giá.
KIÊN GIANG Câu lạc bộ Organic Kiên Giang đã tư vấn quy trình sản xuất, hỗ trợ kết nối cung cầu, cung ứng vật tư nhằm lan tỏa mô hình sản xuất hữu cơ, sinh học.
THANH HÓA Sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học, áp dụng các giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững giúp anh Hải thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dưa vàng.
HẬU GIANG Một nông dân Hậu Giang trồng khóm hữu cơ, nuôi ốc lát Thái, sự kiên trì, sáng tạo giúp ông nâng cao thu nhập, tạo hướng đi bền vững cho bà con trong vùng.
THÁI NGUYÊN Để chè trung du đạt chuẩn hữu cơ mang đậm đà hương vị 'tiền chát hậu ngọt' đòi hỏi phải cung cấp dinh dưỡng dồi dào và được cây chè hấp thụ hiệu quả.
THANH HÓA Sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Trang Farm đã trở thành điểm đến của đông đảo khách tham quan.
Các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ với nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hướng tới lối sống xanh.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.