Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:07 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 15:33, 18/04/2024

Quế hữu cơ rộng đường xuất khẩu

Huyện có 11 nghìn ha quế hữu cơ

YÊN BÁI_ Huyện Văn Yên hiện có trên 11.000ha quế đạt chứng nhận hữu cơ và đang tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới để hướng tới các thị trường xuất khẩu cao cấp.
Hiện nay, huyện Văn Yên có gần 11.000ha quế được cấp chứng chỉ hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, huyện Văn Yên có gần 11.000ha quế được cấp chứng chỉ hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá trị quế tăng 10 - 15% nhờ sản xuất hữu cơ

Huyện Văn Yên được coi là thủ phủ cây quế của tỉnh Yên Bái với tổng diện tích hơn 57.000ha, chiếm hơn 60% diện tích quế toàn tỉnh. Thời gian qua, hàng nghìn hộ dân ở các địa phương trong huyện đã ký kết với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ để vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm, vừa gia tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.

Bài liên quan

Gia đình ông Trần Văn Tráng ở xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên) có gần 10ha đất đồi rừng, toàn bộ diện tích được trồng quế. Trước đây, gia đình ông Tráng và các hộ dân trong xã thường trồng và chăm sóc quế theo phương thức truyền thống, lựa chọn hạt giống và tự gieo ươm cây non để mở rộng diện tích.

Đất đai ở Viễn Sơn màu mỡ, phù hợp với cây quế. Tuy nhiên khi trồng, trước đây người dân vẫn thường bón lót bằng phân hóa học. Trong quá trình chăm sóc, bà con chủ yếu sử dụng thuốc diệt cỏ để giảm công lao động. Cách làm này vừa ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trồng quế, vừa hủy hoại môi trường sinh thái và khi xuất bán sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí những doanh nghiệp xuất khẩu tới các thị trường cao cấp không thu mua sản phẩm, sản phẩm thường xuyên bị tư thương ép giá.

Năm 2016, gia đình ông Tráng cùng một số hộ dân trong thôn được cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của công ty Olam Việt Nam tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng quế hữu cơ. Thay vì sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, khi áp dụng canh tác hữu cơ người dân được hỗ trợ, hướng dẫn lựa chọn cây giống có nguồn gen đảm bảo chất lượng. Quá trình canh tác chủ yếu thuận theo tự nhiên, bón phân hữu cơ hoặc để cây quế tự phát triển, người dân chỉ xử lí cỏ dại bằng phương pháp thủ công hoặc máy phát cỏ.

Các hộ dân áp dụng các biện pháp thủ công để quản lý cỏ dại cho các diện tích quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hộ dân áp dụng các biện pháp thủ công để quản lý cỏ dại cho các diện tích quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Theo ông Tráng, canh tác theo phương pháp hữu cơ bên cạnh góp phần bảo vệ môi trường đất, nguồn nước, bảo vệ sức khỏe người dân, còn tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, đồng thời giảm được các chi phí mua phân bón, thuốc trừ cỏ, sản phẩm quế được các công ty bao tiêu với giá cao hơn từ 10 - 15% so với các hộ không có chứng nhận hữu cơ.

Viễn Sơn là xã vùng cao, nơi đây được coi là vùng đất tổ của cây quế Văn Yên. Hiện cả xã có trên 900 hộ dân, trong đó người Dao chiếm 75%. Cây quế đã gắn bó nhiều đời, là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho bà con. Hiện toàn xã có gần 2.500ha quế, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 600 tấn quế vỏ, hơn 4.000m3 gỗ quế và hàng trăm tấn tinh dầu, đem về thu nhập gần 100 tỷ đồng. Từ năm 2010, vùng quế Viễn Sơn và các xã lân cận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng chỉ dẫn địa lý.

Bài liên quan

Ông Bàn Phúc Hín – Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết, quế được coi là cây “vàng xanh” trên núi của đồng bào. Những năm gần đây, chính quyền xã phối hợp với ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đã vận động, hưởng dẫn bà con phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Hiện toàn xã đã có trên 1.300ha quế đã được cấp chứng nhận hữu cơ, chiếm hơn 50% tổng diện tích. Ngoài ra, địa phương luôn chú trọng việc bảo tồn những cây quế trội, đồi quế lâu năm để xây dựng vườn giống, cung cấp nguồn hạt giống đảm bảo chất lượng, quản lý tốt việc thu hái, gieo ươm quế trên địa bàn để cung cấp cho nhân dân sản xuất.

Văn Yên là vựa quế lớn nhất nước, phát triển giữa vùng đất khí trời thuần khiết, trong lành, lại được hưởng những điều kiện thổ nhưỡng đặc thù nên quế Văn Yên được coi là “đệ nhất cao sơn ngọc quế”. Từ lâu, quế đã trở thành cây trồng quen thuộc, mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.

Cây quế mang lại cuộc sông sung túc cho hàng ngàn hộ dân của huyện Văn Yên - nơi được coi là thủ phủ quế Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây quế mang lại cuộc sông sung túc cho hàng ngàn hộ dân của huyện Văn Yên - nơi được coi là thủ phủ quế Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, tổng diện tích quế toàn huyện Văn Yên hơn 57.000ha. Những năm gần đây, chính quyền huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực vận động, hỗ trợ người dân trồng quế theo vùng tập trung và sản xuất theo hướng hữu cơ. Huyện phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị như Công ty NEDSPICE Bình Dương, Công ty Hương gia vị Sơn Hà, Công ty Olam Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam), Trung tâm Khuyến nông tỉnh… đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân kỹ thuật sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ để tạo vùng nguyên liệu chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Yên, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất quế từ khâu chọn rừng giống, ươm cây giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm; vận động người dân sản xuất quế theo hướng hữu cơ, bền vững.

Huyện Văn Yên đã quy hoạch vùng trồng quế tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích trên 35.000ha. Đến nay, diện tích quế được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ gần 11.000ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 4 chuỗi giá trị quế, trong chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp làm cầu nối giữa HTX và thị trường xuất khẩu. Huyện cũng đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, HTX để thúc đẩy liên kết với các hộ nông dân, tạo vùng nguyên liệu và sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Những vườn ươm lựa chọn nguồn hạt giống quế từ những cây trội bản địa đảm bảo chất lương cho bà con trồng đại trà. Ảnh: Thanh Tiến.

Những vườn ươm lựa chọn nguồn hạt giống quế từ những cây trội bản địa đảm bảo chất lương cho bà con trồng đại trà. Ảnh: Thanh Tiến.

Bình quân mỗi năm, toàn huyện Văn Yên cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.000m3 gỗ quế, hơn 300 tấn tinh dầu… Tổng doanh thu thu sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hướng tới cấp chứng nhận hữu cơ tập thể

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, mục tiêu của huyện sẽ tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm từ quế. Từng bước hướng tới các thị trường khó tính để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Theo ông Kiên, để mở rộng vùng nguyên liệu quế hữu cơ không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà là cả quá trình lâu dài từ khâu lựa chọn giống, thâm canh, chăm sóc, sơ chế... Hộ dân, vùng sản xuất được cấp chứng chỉ hữu cơ phải trải qua quy trình lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm vùng đệm, đất, nước, vỏ, lá quế… một cách nghiêm ngặt. Một đơn vị độc lập sẽ kiểm nghiệm để cấp chứng nhận, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 100% kinh phí thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã và đang ký kết với người dân tự xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ để xuất khẩu.

Để gia tăng sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, Yên Bái đã có kế hoạch lâu dài và bài bản để xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Để gia tăng sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, Yên Bái đã có kế hoạch lâu dài và bài bản để xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Sự thay đổi về phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp tăng mạnh về năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm quế mà còn giúp địa phương giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Giai đoạn tới, chính quyền huyện Văn Yên sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây quế, trọng tâm là các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý, chú trọng tới sản xuất quế hữu cơ và các sản phẩm quế đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Hiện nay, chứng nhận hữu cơ được cấp trực tiếp cho hộ dân, tuy nhiên đến năm 2025, quế hữu cơ vào thị trường Mỹ và EU phải được cấp chứng nhận tập thể. Chính vì vậy, yêu cầu về vùng nguyên liệu sẽ đòi hỏi cao hơn, phải có sự phối hợp chung của tất cả các hộ dân trong một vùng sản xuất chứ không thể thực hiện đơn lẻ từng hộ dân.

Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất quế đạt chứng chỉ hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng vùng quế đạt tiêu chuẩn quốc tế với diện tích trên 15.000ha.

Thanh Tiến

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm