Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:46 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 11:30, 17/04/2024

Quế hữu cơ rộng đường xuất khẩu

Doanh nghiệp 'bắt chặt tay' cùng nông dân sản xuất quế hữu cơ

YÊN BÁI Doanh nghiệp và nông dân đã hợp tác chặt chẽ xây dựng vùng trồng quế hữu cơ, đầu tư nhà máy với công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm quế xuất khẩu
Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đồng hành với người dân Lào Cai, Yên Bái xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đồng hành với người dân Lào Cai, Yên Bái xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Yên Bái tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, mục tiêu tăng sản lượng, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Tích cực nhân rộng các mô hình phát triển quế theo hướng thâm canh, sản xuất hữu cơ hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Việc hình thành vùng nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã có sự vào cuộc tích cực từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lớn.

Doanh nghiệp thay đổi triết lý kinh doanh

Bài liên quan

Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đã thu mua nguyên liệu quế tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai từ cách đây hơn 30 năm. Năm 2015, Công ty chính thức thành lập chi nhánh tại Yên Bái, đến năm 2018 Công ty tiếp tục mở rộng, đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà máy tại xã Yên Hợp (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Công ty Sơn Hà chuyên chế biến, xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi, tiêu, thị trường xuất khẩu chính (chiếm 95%) là sang Mỹ và các nước châu Âu.

Theo ông Lê Văn Long – Trưởng phòng Dự án (Công ty Sơn Hà) cho biết, trước đây Công ty chủ yếu thu mua quế và xuất khẩu tới những thị trường khá dễ tính như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc. Các thị trường này không yêu cầu cao về chất lượng mà chỉ mong muốn mua sản phẩm với giá thấp. Từ năm 2015, Công ty đã thay đổi triết lý kinh doanh, từng bước xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, bắt tay với nông dân thiết lập các vùng trồng quế hữu cơ; đầu tư nhà máy với công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm từ quế. Toàn bộ quy trình này được thực hiện theo tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế.

Chuyển sang mô hình sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn, tiêu chí bền vững đương nhiên sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, nhưng Công ty xác định đó là con đường đúng đắn, doanh nghiệp và người dân muốn phát triển bền vững thì nhất định phải đi theo. 

Sản phẩm quế đảm bảo chất lượng được Công ty Sơn Hà xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ và các nước châu Âu. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm quế đảm bảo chất lượng được Công ty Sơn Hà xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ và các nước châu Âu. Ảnh: Thanh Tiến.

"Khi làm ra được những sản phẩm tuân thủ đúng quy trình, quy định của quốc tế, chúng tôi đã chinh phục thành công những thị trường khó tính nhưng rất nhiều tiềm năng, rộng lớn hơn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Giai đoạn đầu, Công ty dành nhiều thời gian để có được niềm tin của bà con nông dân, đào tạo, giúp họ thay đổi các tập quán canh tác cũ đã hình thành hàng trăm năm nay. Sau khi thay đổi, doanh nghiệp mất nhiều năm nữa để tiếp tục đồng hành cùng nông dân nhằm quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn đã đặt ra", ông Lê Văn Long cho hay.

Bắt tay nông dân xây dựng vùng nguyên liệu

Bài liên quan

Chia sẻ câu chuyện bắt tay với nông dân trồng quế hữu cơ tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), ông Lê Văn Long cho biết, Bắc Hà là huyện miền núi với trên 80% là người dân tộc thiểu số. Tại đây, cây quế có tiềm năng rất lớn, mang lại thu nhập và tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ở nhiều vùng trồng quế trọng điểm, thu nhập chính của nông dân là từ quế (chiếm khoảng 75 - 80% tổng thu nhập).

Người dân huyện Bắc Hà đã trồng quế từ lâu đời nhưng chủ yếu theo hướng tự phát, chưa nắm được quy trình kỹ thuật canh tác và thu hoạch quế. Đầu tư vào sản xuất quế còn hạn chế, kỹ thuật trồng và thu hoạch quế còn thô sơ. Người dân cũng không có thông tin về thị trường tiềm năng (nhất là thị trường xuất khẩu) cũng như các tiêu chuẩn bắt buộc. Do chất lượng thu hoạch quế không đồng đều và thiếu kết nối với người mua nên quế thường được sản xuất và bán tại địa phương với giá thấp và không ổn định.

Năm 2019, Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà hợp tác cùng Dự án GREAT, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Trung tâm Khuyến nông Lào Cai phát triển chuỗi giá trị và xây dựng hệ thống thị trường cho cây quế tại xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà). Các hoạt động tập trung vào sản xuất và kinh doanh quế hữu cơ giá trị cao thông qua quy trình thu hái, sản xuất, kỹ thuật chế biến và kết nối tốt hơn giữa nông dân và thị trường tiêu thụ cao cấp.

Nhờ có thu nhập cao hơn và sản phẩm được tiêu thụ thuận tiện hơn nên người dân tin tưởng gắn bó với doanh nghiệp sản xuất quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhờ có thu nhập cao hơn và sản phẩm được tiêu thụ thuận tiện hơn nên người dân tin tưởng gắn bó với doanh nghiệp sản xuất quế hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Công ty Sơn Hà đã tiến hành khảo sát, đánh giá nội bộ, lựa chọn và đào tạo tập huấn cho hơn 300 hộ dân trên địa bàn xã về nguyên tắc canh tác hữu cơ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Hiểu được những nguy cơ từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ với sức khỏe và môi trường, người dân đã dần loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các loại thuốc này trong quá trình canh tác, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Đến nay, hơn 300 hộ dân với diện tích gần 1.300ha quế ở xã Nậm Đét đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA. Với chứng nhận này, người dân được thu mua quế với giá ổn định hơn. Công ty Sơn Hà cũng ký kết hợp đồng với nông dân thu mua quế nếu chất lượng đảm bảo. Công ty chú trọng phát triển mạng lưới thu mua, xây dựng hàng chục đầu mối lớn nhỏ đến từng thôn bản. Các đầu mối đều được tập huấn về cách thức thu mua hàng, tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của Công ty và cách đánh giá giá trị hàng hóa theo từng chất lượng. 

Bên cạnh việc thu mua quế, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con, Công ty Sơn Hà còn tiến hành trả thưởng cho những hộ nông dân thực hành, tuân thủ tốt nguyên tắc canh tác hữu cơ. Hơn 550 triệu đồng tiền thưởng đã được chuyển đến tận tay những thành viên trong chuỗi cung ứng quế hữu cơ tại xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà), trong đó người dân được hưởng hơn 400 triệu đồng và đầu mối thu mua được hưởng hơn 150 triệu đồng.

Giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất

Tại tỉnh Yên Bái, từ năm 2015, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các tổ nhóm, các vùng nguyên liệu và các vùng sơ chế sản phẩm quế. Đào tạo tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác quế bền vững và sản xuất các sản phẩm quế có giá trị gia tăng cao như quế sáo. Xây dựng dựng hệ thống đại lý, đầu mối thu mua đến từng thôn bản.

Công ty Sơn Hà luôn giám sát chặt chẽ các khâu chăm sóc, thu mua, bảo quản để có sản phẩm quế đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Thanh Tiến.

Công ty Sơn Hà luôn giám sát chặt chẽ các khâu chăm sóc, thu mua, bảo quản để có sản phẩm quế đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, ngoài vùng nguyên liệu quế thường và hữu cơ hơn 2.500ha, Công ty còn làm thủ tục cấp chứng nhận cho vùng nguyên liệu quế đạt tiêu chuẩn UEBT/RA (Kinh doanh thương mại đa dạng sinh học có đạo đức/Nông nghiệp bền vững).

Gia đình ông Trương Minh Hoan ở xã An Thịnh (huyện Văn Yên) đã gắn bó với cây quế từ hơn 20 năm qua. Từ năm 2015, gia đình ông và các hộ dân trong thôn được Công ty Sơn Hà và cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng quế hữu cơ. Đến nay, hơn 5ha, quế của gia đình ông Hoan đã được cấp chứng nhận hữu cơ.

Ông Hoan chia sẻ, trước kia chưa có dự án cây quế có giá trị không cao, thị trường bấp bênh. Giờ thì bà con yên tâm sản xuất, quế đã có thương hiệu, công ty lại bao tiêu sản phẩm tận nơi cho bà con nên rất yên tâm sản xuất.

Các sản phẩm quế chế biến của Công ty Sơn Hà đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Các sản phẩm quế chế biến của Công ty Sơn Hà đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Tại mỗi vùng nguyên liệu, Công ty Sơn Hà đều có cán bộ thanh tra nội bộ phụ trách và tiến hành đánh giá việc nông dân tuân thủ các nguyên tắc sản xuất hàng hóa hữu cơ. Đối với vùng nguyên liệu hữu cơ, cán bộ kỹ thuật của Công ty thực hiện giám sát các đại lý thu mua đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không lây nhiễm trong quá trình vận chuyển, sơ chế, bảo quản. Công ty cung cấp miễn phí bao tải, dây buộc cho đại lý, hộ nông dân có sản phẩm hữu cơ để đảm bảo không bị lây nhiễm chéo. Hàng năm, Công ty xây dựng chính sách trả thưởng hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân và đại lý thu mua sản phẩm quế hữu cơ.

Ngoài ra, Công ty hỗ trợ phát triển sinh kế, an sinh xã hội như các mô hình trồng cây bản địa, duy trì thảm thực vật, mô hình vật nuôi, hỗ trợ bể thu gom rác thải, nước sạch, trang thiết bị tại trường học và trạm y tế… giúp đảm bảo việc phát triển bền vững tại cộng đồng.

Ông Lê Văn Long – Trưởng phòng Dự án (Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà) cho biết thêm, thời gian qua, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Yên Bái thông qua dự án phát triển mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm và chế biến sâu các sản phẩm quế hữu cơ chất lượng cao. Công ty giúp người dân có được chứng nhận hữu cơ cho thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đang ký hợp đồng trực tiếp với hàng nghìn hộ dân ở Lào Cai, Yên Bái và đã có hơn 4.000ha quế đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ và nhiều chứng nhận quốc tế khác.

Thanh Tiến

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm