Thứ bảy, 14/12/2024 | 09:57 GMT +7
Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp tại tỉnh Yên Bái, quế được xác định là cây trồng mũi nhọn bởi mang lại đa tác dụng. Mọi bộ phận của cây quế đều có thể sử dụng và đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Vỏ quế phục vụ ngành dược liệu và gia vị (thực phẩm), cành nhỏ và lá phục vụ chưng cất tinh dầu, gỗ thân dùng để sản xuất vật dụng nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ…
Một chu kì sản xuất quế có thể kéo dài trên 20 năm, tùy theo mật độ. Rừng quế có thể cho tỉa thưa, khai thác cành, lá liên tục từ năm thứ 4 trở đi. Cây quế góp phần tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái hiệu quả.
Những năm qua, cây quế đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, phát triển kinh tế địa phương. Với những giá trị đó, diện tích quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái khoảng 3 thập kỷ gần đây tăng nhanh, quy mô hiện lớn nhất cả nước.
Đến nay, tổng diện tích quế của Yên Bái khoảng 90.000ha, chiếm khoảng 50% diện tích quế Việt Nam. Cây quế tập trung phát triển chủ yếu tại huyện Văn Yên (57.000ha), huyện Trấn Yên (20.000ha) và một số huyện như Văn Chấn (9.500ha), Lục Yên (gần 6.000ha), Yên Bình (hơn 2.000ha)...
Sản lượng vỏ quế khô của tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt trên 18.000 tấn; gỗ quế tận thu sau khai thác trên 200.000m3; gần 86.000 tấn cành, lá. Các sản phẩm từ cây quế là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm, tinh dầu, đồ dùng, đồ mỹ nghệ... phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, trước đây, người dân trong tỉnh canh tác quế theo thói quen, không áp dụng kỹ thuật như đào hố, bón phân, tỉa lá… Việc chọn giống theo kinh nghiệm dẫn tới thoái hóa giống. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo cách ước lượng để phòng trừ sâu bệnh thiếu kiểm soát, không theo hướng dẫn khiến năng suất quế không cao, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm quế lớn, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Do đó, sản phẩm quế bán không được giá, đầu ra không ổn định.
Để phát triển cây quế bền vững và nâng cao giá trị các sản phẩm quế, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển vùng trồng quế đến năm 2025 với diện tích ổn định khoảng 90.000ha. Trong đó phấn đấu diện tích quế tập trung chuyên canh toàn tỉnh đạt 35.000ha, trong đó 20.000ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Tập trung phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch hại, bảo vệ môi trường, có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quế.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đã xây dựng Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất (các hộ trồng quế) đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm (các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), có sự kiểm tra, giám sát từ chính quyền địa phương. Các hộ trồng quế và các doanh nghiệp, HTX khi tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất quế hữu cơ, xây dựng dự án với quy mô vùng nguyên liệu từ 1.000ha trở lên và được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí đánh giá, xác định vùng nguyên liệu, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, cơ chế hợp tác liên kết giữa cơ sở chế biến với hộ trồng quế và chính quyền địa phương, hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ 100% chi phí đánh giá cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ cho diện tích sản xuất với mức không quá 0,5 triệu đồng/ha. Hỗ trợ 100% chi phí thiết kế mẫu, mua tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm; chứng nhận sản phẩm OCOP và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/dự án.
Nhờ đó đến nay, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt hơn 14.500ha, trong đó huyện huyện Văn Yên gần 11.000ha, Trấn Yên gần 3.500ha, Văn Chấn gần 350ha. Diện tích đạt chứng nhận hữu cơ đều do các doanh nghiệp liên kết với người dân thực hiện.
Ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, phát triển quế hữu cơ đã khắc phục được những hạn chế của canh tác truyền thống. Việc sử dụng nguồn giống đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng, đủ các quy trình kỹ thuật từ các khâu trồng, bón phân, chăm sóc, tỉa thưa… giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế.
Việc áp dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại quế đã giúp giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản phẩm quế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Canh tác hữu cơ bền vững còn đáp ứng theo đúng xu thế, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác các thị trường mới tiềm năng, ổn định đầu ra cho sản phẩm...
Trung bình mỗi năm, cây quế mang lại thu nhập hàng nghìn tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho số lượng rất lớn người lao động của tỉnh Yên Bái. Lợi ích kinh tế mà cây quế đem lại là không nhỏ. Tuy nhiên, một thực tế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế hiện nay trên địa bàn tỉnh, đó là tình trạng phát triển nóng, người dân trồng quế chưa theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng người trồng quế khai thác không hợp lý, tận thu quá mức. Nhiều hộ trồng quế đã khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây, tỉa cành không khoa học đã tác động xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây quế và chất lượng của các sản phẩm từ quế.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, để đảm bảo chất lượng các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây quế, tỉnh Yên Bái tiếp tục chú trọng đến việc phát triển bền vững cây quế, trong đó tập trung thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn giống quế. Đưa vào trồng rừng bằng cây giống quế có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Triển khai các hoạt động về bảo tồn và duy trì nguồn giống quế bản địa, công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với rừng giống, cây trội. Xây dựng các vườn giống quế để cung cấp nguồn vật liệu giống chất lượng phục vụ sản xuất đại trà.
Ngoài ra, tích cực gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến hiện đại và quy trình quản lý chất lượng tốt cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị. Nhân rộng các mô hình phát triển quế theo hướng thâm canh, sản xuất quế hữu cơ hướng đến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đã tiến hành công nhận 2 rừng giống quế trên địa bàn huyện Văn Yên với diện tích gần 13ha; công nhận 35 cây trội trên địa bàn huyện Văn Yên, Trấn Yên. Năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển các rừng giống, vườn giống quế bản địa nhằm mở rộng vùng nguyên liệu quế hữu cơ một cách bền vững.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.