Thứ hai, 17/06/2024 | 16:36 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 07:51, 11/06/2024

Hái ra tiền nhờ nuôi sâu canxi, trùn quế

BẾN TRE Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang triển khai nhiều mô hình biến chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành sản phẩm có thể thương mại.

Biến chất thải thành tiền

Ngày nay, nguồn phụ phẩm, chất thải, rác thải hữu cơ trong sản xuất và sinh hoạt được xem là tài nguyên quý giá, là "mỏ vàng" có thể tận dụng để hái ra tiền. Mới đây, chúng tôi được bà con nông dân ở xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre chia sẻ về mô hình biến rác thải thành tiền.

Sâu canxi được bán với giá 40 nghìn đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Sâu canxi được bán với giá 40 nghìn đồng/kg. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, cũng là một nông dân đang có mô hình biến rác thành tiền cho biết: Ở địa phương đang có hơn 10 hộ nuôi sâu canxi và 20 hộ dân nuôi trùn quế rất hiệu quả nhờ tận dụng các chất thải từ sinh hoạt gia đình, quán ăn, chất thải gia súc. Trong đó, có nhiều hộ nuôi cả sâu canxi lẫn trùn quế. Qua đó, đã gia tăng thu nhập cho nông hộ, tận dụng được công nhàn rỗi, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra.

Đây cũng là thành quả bước đầu của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Rác thải hữu cơ như cơm thừa, canh cặn ở gia đình và quán ăn, xác cơm dừa, bã đậu, chuối cây xắt mỏng đến xác chết động vật, phân gia súc… đều là thức ăn ưa thích của sâu canxi (ấu trùng của ruồi lính đen) và con trùn quế.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A đang kiểm tra nhộng sâu canxi để thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A đang kiểm tra nhộng sâu canxi để thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm thu được là phân hữu cơ và nhộng (đối với mô hình nuôi sâu canxi), trùn thịt (đối với mô hình nuôi trùn quế). Nhộng sâu và trùn thịt thu được có thể dùng làm thức ăn cho cá, gà, vịt. Phân hữu cơ được tận dụng bón cho dừa, cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu... thay cho phân hóa học. Nếu người dân không sử dụng có thể đem bán để tăng thêm thu nhập.  

Bí quyết nuôi sâu canxi

Ông Tuấn dẫn chúng tôi ra sau nhà, khu chăn nuôi khá nhỏ hẹp nằm cách nhà chừng 20 - 30 bước. Hiện gia đình ông đang nuôi 3 con bò và một số gà, vịt. Gần nhà nhất là khu nuôi sâu canxi, kế đến là khu nuôi trùn quế.

Khu nuôi sâu canxi dài 2,5m, rộng 1,5m và cao 25cm. Diện tích này phù hợp để nuôi từ 25 - 50g trứng ruồi lính đen. Tuy nhiên, mật độ nuôi thưa giúp sâu phát triển tốt hơn. Khu nuôi được bao bọc bằng lưới mùng.

Sâu canxi và trùn quế ăn các loại rau củ quả hư thối, xác động vật, phân gia súc... giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Sâu canxi và trùn quế ăn các loại rau củ quả hư thối, xác động vật, phân gia súc... giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Trứng ruồi được ương nơi kín đáo trong 2 ngày sẽ nở thành ấu trùng. Kế tiếp chúng sẽ được ủ trên khay nhỏ khoảng 7 ngày. Sau đó thả vào khu nuôi thêm 4 - 5 ngày là có thể thu hoạch ấu trùng non (rất giàu dinh dưỡng) để làm thức ăn cho vật nuôi hay bán thương phẩm. Nếu người dân muốn nhân nuôi thì để nhộng phát triển đến ngày thứ 20 trở đi chúng sẽ chuyển kén và nở thành ruồi lính đen trưởng thành. Chúng bắt đầu tìm bạn đời giao phối và một chu kỳ mới của ruồi lính đen lại bắt đầu.

“Nuôi 50g trứng ruồi có thể cho ra 80 - 100kg nhộng. 1kg nhộng có giá bán dao động từ 30 - 40 nghìn đồng. Trừ chi phí mua trứng ruồi, công cán chăm sóc... có thể lãi từ 1,5 – 2 triệu đồng/mẻ nuôi trong nửa tháng”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn chia sẻ thêm, nhộng ruồi lính đen được người dân mua để làm thức ăn cho chim cảnh, gà nòi. Do đó, họ có xu hướng lựa chọn con nhộng trắng, mập mạp. Để nuôi được nhộng trắng, bí quyết nằm ở khâu chọn thức ăn. Nếu nhộng được ăn cơm, canh cặn hay bã đậu, xác cơm dừa, chuối cây xắt mỏng, rau củ hư dập thì sẽ cho màu trắng. Ngược lại, nếu thức ăn của nhộng là phân bò hay phân heo (lợn) thì sẽ có màu hơi tối, một số khách hàng không phân biệt được sẽ cho rằng nhộng già (kém dinh dưỡng) và không mua. “Tùy vào mục đích nuôi mà chọn thức ăn phù hợp cho sâu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Dùng nhộng sâu canxi, trùn quế nuôi gà, vịt tăng thêm thu nhập. Ảnh: Minh Đảm.

Dùng nhộng sâu canxi, trùn quế nuôi gà, vịt tăng thêm thu nhập. Ảnh: Minh Đảm.

Trùn quế bảo vệ môi trường

Bên cạnh sâu canxi, các nông hộ chăn nuôi gia súc còn lựa chọn con trùn quế để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường cũng như tăng thêm thu nhập bởi trùn quế thuộc nhóm trùn ăn phân. Trùn quế trưởng thành rất giàu đạm. Hàm lượng chất khô trong trùn quế chiếm từ 15 - 20%, trong đó lượng protein chiếm tới 70%. Đây là loại thức ăn chăn nuôi chất lượng cao và rẻ tiền. Nuôi trùn quế cũng không mất quá nhiều diện tích và thời gian chăm sóc.

Để nuôi trùn quế, cần chuẩn bị chuồng trại chắc chắn, có mái che. Tùy theo nhu cầu mà xây dựng diện tích chuồng phù hợp. Nền chuồng nên được cán xi măng. Chuồng cần được tạo độ ẩm 75 – 80%, nhiệt độ từ 20 – 28 độ C, mỗi ngày cần tưới nước 1 – 2 lần. Quá trình nuôi nếu phát hiện có thiên địch như kiến, cóc, ếch, chim, chuột cần phải phòng triệt để, đặc biệt nên có mùng bảo vệ. Kỹ thuật chăn nuôi trùn quế được Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức tập huấn rất kỹ càng cho bà con nông dân trước khi cung cấp con giống.

Nuôi trùn quế giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Ảnh: Minh Đảm.

Nuôi trùn quế giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Ảnh: Minh Đảm.

Gia đình ông Trương Văn Quắn tại ấp Thành Long, xã Thành Thới A sau khi tham dự lớp tập huấn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trại nuôi trùn quế và sâu canxi. Theo ông Quắn, bước đầu mô hình nuôi trùn quế đã giải quyết được lượng phân do đàn bò thải ra mỗi ngày nên không còn ô nhiễm môi trường như trước đây.

“Phân bò được ủ qua chế phẩm sinh học thì không còn mùi hôi thối và được sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho trùn quế”, ông nói. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình nuôi sâu canxi để giải quyết cơm thừa, rau quả hư thối cũng tạo được lượng nhộng đáng kể để ông nuôi thêm hàng chục con gà, vịt. Do đó, thời gian tới ông tiếp tục duy trì và nhân rộng hai mô hình này.

Giăng mùng bao phủ khu nuôi sâu canxi. Ảnh: Minh Đảm.

Giăng mùng bao phủ khu nuôi sâu canxi. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Nết ngụ tại ấp Tân Phong (xã Thành Thới A) cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào nuôi trùn quế.

Ông Nết chia sẻ: “Mô hình này không những giúp gia đình tôi xử lý được lượng phân của hoạt động chăn nuôi bò mà còn cho thu nhập khá. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi có thể kiếm từ 1 - 2 triệu đồng từ việc bán trùn quế làm giống và trùn thịt”. Ngoài ra, phân trùn được ông đem rải vườn dừa rất tốt.

Hàng trăm mô hình được triển khai

Tỉnh Bến Tre có hoạt động chăn nuôi khá phát triển với đàn bò hơn 218 nghìn con, đàn heo gần 380 nghìn con, đàn gia cầm trên 6,1 triệu con. Thời gian qua, hoạt động xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường cũng như khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này đang được chính quyền địa phương và người dân hết sức quan tâm. Nhiều mô hình xử lý chất thải đang được nông dân ứng dụng có hiệu quả như làm hầm biogas, ủ phân hữu cơ…

Hiện nay, thông qua hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đang triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân các địa phương có chăn nuôi phát triển ở huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú… khai thác hiệu quả nguồn chất thải, phế phụ phẩm từ hoạt động chăn nuôi cũng như rác thải sinh hoạt hàng ngày.

Nông dân Bến Tre được tập huấn trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Bến Tre được tập huấn trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Trần Dương Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, Hội đang xây dựng 540 mô hình, trong đó có 135 mô hình lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, 135 mô hình ủ phân hữu cơ, 90 mô hình nuôi trùn quế, 90 mô hình nuôi sâu canxi, 90 mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học dày. Các chủ thể được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, xây dựng chuồng trại và cung cấp con giống (trứng).

“Đối tượng tham gia là nông dân sản xuất nhỏ, các trang trại chăn nuôi, người thu gom rác, các căng tin hoặc nhà hàng. Dự án đặt mục tiêu giúp các chủ thể tham gia biến rác hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý. Qua đó tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và thức ăn thừa. Bên cạnh đó, cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi, nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường”, ông Thuấn cho biết.

Minh Đảm – Hoàng Vũ

Xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ

Xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ

THÁI NGUYÊN Huyện Phú Lương xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ với tinh thần trách nhiệm sẽ giúp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân.

Gắn Đề án 1 triệu ha lúa với sản xuất hữu cơ, 'thuận thiên'

Gắn Đề án 1 triệu ha lúa với sản xuất hữu cơ, 'thuận thiên'

ĐBSCL Việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh nên triển khai theo hướng hữu cơ, 'thuận thiên'.

Vườn trái cây hướng hữu cơ dễ tiêu thụ, hút khách du lịch

Vườn trái cây hướng hữu cơ dễ tiêu thụ, hút khách du lịch

KIÊN GIANG Vào mùa thu hoạch trái cây, các khu vườn dọc theo các tuyến sông trở nên nhộn nhịp, thương lái đến thu mua, du khách đến trải nghiệm, thưởng thức đặc sản hái tại vườn.

Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược

Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược

BẮC GIANG Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược.

Xem Thêm