Thứ hai, 24/03/2025 | 18:27 GMT +7
Hội Nông dân xã Hòa Định thăm mô hình nuôi sâu canxi của ông Võ Văn Thanh. Ảnh: Minh Đảm.
Thời gian qua, nhiều nông dân ở Tiền Giang đã ứng dụng mô hình này rất thành công trong việc biến phân gia súc thành nguồn phân hữu cơ và thức ăn cho gia cầm, thuỷ sản chất lượng cao.
Ông Võ Văn Thanh (ấp Ninh Hòa, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) là một trong 3 hộ nông dân địa phương tiên phong thử nghiệm mô hình mới này.
Ông Thanh nói, nuôi sâu canxi rất dễ. Chỉ cần tận dụng một phần chuồng trại trống là có thể thực hiện. Tại mô hình của ông, với diện tích chỉ 4,2m2, ông đã có thể nuôi 50gram trứng ruồi lính đen. Sau khi trứng nở thành ấu trùng, ông bắt đầu cho chúng ăn 2 lần/ngày.
Thức ăn của sâu canxi là chất thải từ hoạt động chăn nuôi heo. Ấu trùng rất háo ăn, lớn nhanh. Lượng thức ăn ngày sau thêm vào cao hơn ngày trước, đến ngày thứ 30 là thời điểm chín muồi để thể thu hoạch làm thức ăn cho gia cầm, cá. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày. Đến ngày thứ 45, ấu trùng nở thành ruồi lính đen, chúng giao phối và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới.
Tổng kết mô hình, ông Thanh cho biết với 350kg phân heo đầu vào sẽ thu được 25kg sâu canxi và 250kg phân sâu canxi. Sâu được ông cho gà, cá ăn giúp tiết kiệm thức ăn chăn nuôi. Còn phân sâu canxi được dùng để bón cho vườn dừa, tiết kiệm khá nhiều chi phí phân bón.
Ông Thanh nhận xét, mô hình này rất hiệu quả trong việc giải bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, nhất là hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ, chất thải không được thu gom xử lý triệt để. Do đó, ông còn tặng giống cho một số bà con xung quanh để nuôi thử nghiệm.
Sâu canxi là ấu trùng của ruồi lính đen, xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, tạo ra nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Ảnh: Minh Đảm.
“Mỗi ngày tôi thu hoạch được 2kg sâu canxi đem cho gà ăn, tiết kiệm được 15 - 20% chi phí thức ăn. Thời điểm thu hoạch sâu tùy theo đối tượng vật nuôi, nếu cho gà con ăn thì có thể thu hoạch ở thời điểm sâu được 10 - 15 ngày tuổi, nếu cho gà lớn ăn thì nên để thời điểm 30 ngày trở lên, lượng sâu sẽ thu được nhiều.
Khi cho gà ăn có thể trụng qua nước sôi cho sâu chết, giúp gà dễ ăn, còn cho cá ăn thì không cần. Đối với phân sâu canxi, chỉ cần ủ sơ qua với nấm Trichoderma để cho ấu trùng chết, sau đó bón cho cây trồng rất hiệu quả”, ông Võ Văn Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Đức ở cùng xã Hòa Định cũng cho hay: Chi phí đầu tư nuôi sâu không cao. Khi nuôi sâu canxi, nhà nông tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp vì sâu ăn tạp, dễ nuôi, từ đó giúp giảm được chi phí thức ăn cho chăn nuôi. Sâu giúp xử lý, giảm khoảng 70% lượng chất thái, phế phụ phẩm nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo), lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương vẫn còn nhiều mô hình nhỏ lẻ, chủ yếu là bò (1.000 con) và gia cầm (trên 50.000 con). Các hộ đa số chỉ nuôi số lượng từ 1 - 2 con bò nên hoạt động xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức.
Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn khá phổ biến, do đó sâu canxi là giải pháp giúp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả. Ảnh: Minh Đảm.
Vừa qua, xã được Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang hỗ trợ thử nghiệm nuôi sâu canxi tại 3 hộ. Qua 45 ngày, các mô hình đều đạt kết quả tốt, trong đó hộ ông Võ Văn Thanh đạt cao nhất. Các nhà chuyên môn đánh giá nuôi sâu canxi rất hữu ích cho bà con. Chất thải được ấu trùng xử lý rất nhanh, không để lại mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường cũng như nước thải.
Hơn nữa, nguồn thức ăn cho sâu rất phong phú như rau củ hư thối, xác động vật, phân bò, phân heo cho đến thức ăn dư thừa trong gia đình. Ngoài ra, độ đạm trong sâu canxi rất cao (khoảng 40%), dùng làm thức ăn cho gia cầm, thuỷ sản rất tốt. Hội Nông dân xã đã tập huấn cho 10 hộ trong xã để nhân rộng mô hình vừa nuôi trùn quế, vừa nuôi sâu canxi.
Nuôi sâu canxi là một trong những mô hình trong dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân triển khai thực hiện tại 15 tỉnh trong cả nước.
Tại Tiền Giang, dự án được thực hiện tại 3 huyện Cai Lậy, Châu Thành và Chợ Gạo. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 4/2024. Đối tượng của dự án gồm nông dân, trang trại, chủ căn tin và nhà hàng khách sạn, người thu gom rác thải. Việc nuôi sâu canxi tạo ra được lượng phân bón hữu cơ lớn, phù hợp với xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, phát triển bền vững.
HÀ NAM Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, sản phẩm rau an toàn muốn có chỗ đứng, chủ thể cần tổ chức sản xuất để bán hàng thay vì sản xuất và bán hàng.
HÀ TĨNH Chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Tập đoàn Quế Lâm với các địa phương đang lan toả hết sức mạnh mẽ.
NAM ĐỊNH Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, việc chuyển hướng sản xuất rau an toàn, hữu cơ là chìa khóa để nông dân đứng vững.
NAM ĐỊNH Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản, Hợp tác xã Giao Hà không còn phải đôn đáo tìm người mua.
Cuộc thi nhằm khuyến khích sự quan tâm và đóng góp của cộng đồng vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.
Thị trường hữu cơ ở Bắc Âu đang phát triển khi người tiêu dùng có nhu cầu lớn về sản phẩm hữu cơ. Đây là cơ hội cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
ĐỒNG THÁP Canh tác lúa sinh thái không chỉ giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp mà còn tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.