Thứ tư, 20/11/2024 | 04:19 GMT +7
Nhắc đến chè Thái Nguyên, phải nghĩ tới thương hiệu chè Tân Cương. Vậy điều gì đã tạo nên hồn cốt cho thương hiệu Tân Cương, giúp búp chè nơi đây nức tiếng gần xa cả thế kỷ.
Theo người dân trồng chè lâu năm tại TP Thái Nguyên, địa danh Tân Cương bắt đầu xuất hiện ở Thủ đô kháng chiến từ năm 1922. Khởi nguồn từ việc ông Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt) giúp người dân khai hoang, mở đất rồi lấy giống chè từ trại chè Phú Hộ thuộc thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) về trồng.
Nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp cùng với kỹ thuật trồng, chăm sóc lâu năm của người dân nên chè Tân Cương có mùi vị thơm ngon khác biệt, từng đoạt giải Nhất tại hội chợ Đấu Xảo năm 1935. Có thể nói, chính giống chè trung du lá nhỏ đã tạo nên hồn cốt cho thương hiệu chè Tân Cương.
Ngày nay, trong khi nhiều vùng chè khác đang chuyển đổi sang trồng những giống chè lai cho năng suất cao thì tại Tân Cương vẫn lưu giữ được các nông trại chè trung du truyền thống, mang hương vị “tiền chát hậu ngọt” mà không giống chè lai nào có được. Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (HTX Tiến Yên) tại xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) là một trong các cơ sở sản xuất chè còn lưu giữ được hương vị cổ truyền của giống chè trung du.
Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Tiến Yên và là con của nghệ nhân Bùi Xuân Tiến cho biết, HTX hiện có trên 1ha chè trung du lá nhỏ. Để có được chè ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải được thiên nhiên ưu đãi, chất đất, độ ẩm ở đây rất phù hợp với giống chè này. Từ khi được truyền nghề đến nay, anh Đại đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệp quý báu trong việc trồng, chế biến chè.
Trước sự cạnh tranh ngày càng gắt gao của thị trường và ước muốn vươn tầm quốc tế, anh Đại đã thay đổi tư duy sản xuất và lan tỏa rộng rãi tới bà con nơi đây.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn, HTX Tiến Yên đã chuyển đổi hoàn toàn sang canh tác VietGAP và đang từng bước đáp ứng các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ.
Để mở rộng diện tích trồng chè hữu cơ, HTX đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào cho các hộ thành viên, đồng thời hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ tham gia và nhận bao tiêu sản phẩm.
Hiện tại, toàn bộ hoạt động sản xuất của HTX đều được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu trồng chè, chăm bón, thu hái đến diệt men, sao sấy, cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Để gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường, HTX Tiến Yên đã đã đầu tư máy móc sang sấy bằng gas, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc chè nên sản phẩm HTX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và UTZ.
Đến HTX Tiến Yên, nổi bật giữa những đồi chè tươi xanh mơn mởn là nụ cười của phụ nữ hái chè. Chị Dương Thị Thư, thành viên HTX Tiến Yên chia sẻ rằng, đây là nụ cười của sự an tâm. “Đồi chè của HTX chúng tôi không phun thuốc hóa học nên chúng tôi rất an tâm về sức khỏe. Là người đầu tiên tiếp xúc, nếu sử dụng thuốc hóa học thì tôi và các nhân công hái chè khác sẽ là người đầu tiên lĩnh hậu quả.
An tâm thứ hai là người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn. Làm chè, chúng tôi luôn đặt chữ tâm vào mỗi hành động của mình”, chị Thư tâm sự.
Cùng với việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Tiến Yên còn thường xuyên đổi mới bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là đối với dòng sản phẩm quà tặng.
Với cảnh quan đồi chè xanh mướt, trải dài, Tân Cương được tỉnh Thái Nguyên chọn làm vùng trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng. Nắm bắt tinh thần trên, HTX Tiến Yên đã đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút đông đảo khách hàng đến tham quan, trải nghiệm và thưởng trà tại HTX.
HTX xây dựng cảnh quan, hệ thống đường bê tông nhỏ gần 1.000m trong khu vực đồi chè để du khách tham quan, chụp ảnh. Cùng với đó, sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền với văn hóa chè như túi xách, nón, trang phục…
HTX đã triển khai các dịch vụ phục vụ du khách như: Trải nghiệm đi hái chè gồm có mũ, nón, gùi đựng chè và trang phục dân tộc; trải nghiệm chế biến chè cùng nghệ nhân làm chè...
Thấy đoàn khách du lịch ghé thăm HTX Tiến Yên, chị Nguyễn Thị Huế ngay lập tức hỗ trợ du khách chụp ảnh. “Chúng tôi vừa làm nghề, vừa kết hợp du lịch. Ban đầu ai cũng rụt rè nhưng khách tới ngày càng đông, bà con cũng quen dần. Bà con thấy vậy cũng vui, vì vừa làm công việc của mình, lại được quảng bá văn hóa xứ đệ nhất danh trà”, chị Huế hồ hởi.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, tỉnh Thái Nguyên xác định chè là cây trồng thế mạnh, trà là sản phẩm chủ lực, do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ TU về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành, triển khai các đề án, kế hoạch chi tiết phát triển chè bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên.
Để bảo vệ diện tích đất trồng chè, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát lại quy hoạch, không quy hoạch các dự án khác vào khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè của địa phương, trừ các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án quan trọng cấp quốc gia...
Vùng đệ nhất danh trà xác định, chè là cây trồng mũi nhọn, gắn liền với văn hóa truyền thống và con người địa phương, với thương hiệu chè nổi tiếng chè Tân Cương. Tháng 8/2021, HĐND TP Thái Nguyên đã thông qua Đề án bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đo, Đề án đặt mục tiêu bảo tồn vùng chè đặc sản Tân Cương, hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, bảo vệ diện tích chè hiện có và mở rộng diện tích đến năm 2025 đạt 1.700ha, năng suất chè búp tươi 155 tạ/ha; sản lượng 25.000 tấn; giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng.
Xây dựng vườn chè trung du đầu dòng phục vụ hom giống để chủ động sản xuất giống chè; tập trung tích tụ đất đai, chuyển đổi diện tích đất lúa xen kẹp với đất chè, đất màu, đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè trung du theo hướng gia tăng giá trị.
Về chế biến, Thái Nguyên có cơ chế khuyến khích hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX tập trung chế biến sâu, đa dạng sản phẩm. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chè búp tươi an toàn VietGAP, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, gắn với quản lý và phát triển hiệu quả giá trị thương hiệu “Chè Thái Nguyên”.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.