Thứ ba, 17/12/2024 | 11:15 GMT +7
Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè La Bằng (xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) được biết đến là nữ thủ lĩnh tiên phong đưa chè La Bằng tới khách hàng mọi miền đất nước nhờ lòng say mê và sự nhiệt huyết với cây chè quê hương.
Năm 2006, bà Hải vận động các hộ trồng chè lâu năm trong xã La Bằng góp sức thành lập HTX chè La Bằng với 9 thành viên, vốn điều lệ ban đầu chỉ có 60 triệu đồng.
Sang năm 2007, bà Hải mạnh dạn nộp đơn về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đề nghị được cấp chứng nhận nhãn hiệu chè La Bằng. Bà đã đăng ký nhãn hiệu theo cách viết bỏ dấu của tiếng Anh là chè La Bang và được cấp chứng nhận thương hiệu vào tháng 10/2008.
Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ của HTX nay đã nâng lên 1,5 tỷ đồng với 15 thành viên và 200 hộ liên kết.
Nữ thủ lĩnh của HTX chè La Bằng nhận thấy cây chè tại xã La Bằng - nơi có vị trí địa lý nằm ở sườn đông dãy núi Tam Đảo có rất nhiều tiềm năng, nhưng lại chưa có sản phẩm để lại dấu ấn. Do đó, bà Hải đã trực tiếp nghiên cứu và sản xuất Thanh Hải Trà - sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
“Điểm ấn tượng và khác biệt của Thanh Hải Trà tới từ điều kiện tự nhiên và cách chăm sóc. Sản phẩm được tuyển chọn từ những búp chè tươi được trồng tại đồi núi sườn đông Tam Đảo có khí hậu mát mẻ quanh năm. Chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, bón phân ủ từ trứng gà, đỗ tương, mật ong, men vi sinh…, hàng ngày được hưởng dòng nước mát từ suối Tiên Sa chảy từ thượng nguồn dãy Tam Đảo”, bà Hải cho hay.
Không chỉ là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia từ năm 2019, Thanh Hải Trà hiện là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trong quá trình nâng hạng lên 5 sao
Chia sẻ về quá trình tạo ra sản phẩm độc đáo này, bà Hải cho biết, Thanh Hải Trà được tuyển chọn từ vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hái trong sáng sớm (búp chè còn mầm, chưa mở lá, 1 tôm - 2 lá ôm). Người hái được đào tạo kỹ thuật, làm sao để chè không bị dập nát, mười búp như mười, sau đó đưa về nhà xưởng, rải trên sàn lưới, làm héo nhẹ từ 2 đến 4 tiếng.
Để sản phẩm có vị đắng nhẹ, hậu vị béo ngậy, màu nước sánh vàng như mật ong thì phải tuân thủ quy tắc chế biến “theo mùi của giống” để giữ nguyên bản hương của chè tươi.
“Để giữ nguyên hương như chè tươi, Thanh Hải Trà phải trải qua 6 đến 8 bước san ẩm. Công đoạn san ẩm cũng rất phức tạp, công lao động gấp đôi so với làm các loại chè khác. Có như vậy mới tạo ra ấm chè càng để nguội càng thơm”, bà Hải lý giải.
Thanh Hải Trà hiện được chia làm 2 phân khúc với giá bán lần lượt là 1 triệu đồng/kg và 1,5 triệu đồng/kg.
Năm 2018, HTX chè La Bằng bắt đầu chuyển dần từ canh tác VietGAP sang hữu cơ. Đến nay, trong 37ha liên kết với các hộ, HTX có 10ha đạt chứng nhận hữu cơ, 6ha được chứng nhận mã vùng trồng. Dự kiến trong tháng 8 năm nay, 7ha chè tiếp theo của HTX sẽ đạt chứng nhận hữu cơ.
Thời điểm đầu chuyển đổi hữu cơ, thành viên HTX chè La Bằng cũng còn nhiều băn khoăn khi chi phí đầu tư lớn, năng suất giảm, trong khi đầu ra chưa ổn định.
“Hồi đầu bán chè hữu cơ còn khó hơn bán chè VietGAP. Mình phải lựa chọn những hộ thật sự có tâm huyết, kinh nghiệm, dám nghĩ dám làm để trở thành mô hình mẫu cho bà con. Tôi cũng xác định, bên cạnh bảo vệ môi trường thì thu nhập là yếu tố quyết định người dân có tham gia hay không. Do đó, tôi đặt mục tiêu phải nâng giá bán và tạo đầu ra ổn định cho các hộ tham gia sản xuất chè hữu cơ càng sớm càng tốt”, bà Hải nhớ lại.
Hiện tại, trong khi giá chè tươi VietGAP chỉ từ 30 - 35 nghìn đồng/kg thì chè hữu cơ dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg chè tươi, thu nhập người dân được nâng lên.
Theo các thành viên HTX chè La Bằng, chỉ sau 1 năm canh tác hữu cơ, đất tơi xốp trở lại, xuất hiện nhiều giun, không khí trong lành, môi trường sống như quay về 30 năm trước.
Trước kia, một số người dân bón nhiều phân hóa học, thậm chí sử dụng thuốc trừ sâu trên chè. Sau mỗi trận mưa, xuất hiện tình trạng cá trong ao, suối dưới chân đồi chè bị chết. Từ khi làm hữu cơ, cá trong áo, suối xuất hiện nhiều hơn và không còn xảy ra tình trạng như nhiều năm trước”, bà Hải cho hay.
Với tôn chỉ “sạch từ tâm, an cuộc sống”, HTX chè La Bằng tuyền truyền tới các hộ phải hình thành ý thức tự giác, nếu gian dối trong sản xuất sẽ tự bị đào thải khỏi chuỗi cung ứng. Các hộ dân tham gia sản xuất chè hữu cơ tại HTX chè La Bằng phải tự nghiêm khắc với bản thân.
Theo đó, HTX chỉ mua chè tươi, không mua chè thô. Chè tươi sẽ không được thanh toán tại nương chè, tiền chỉ được chuyển sau khi chè ra thành phẩm và được thẩm định chất lượng theo cam kết giữa HTX và hộ liên kết.
Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng đã cam kết ban đầu, HTX sẽ trả lại sản phẩm cho hộ liên kết và hộ đó phải trả công sao chè cho HTX.
Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP vốn dĩ rất khắt khe. Các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên 5 sao lại càng khó khăn hơn, sản phẩm ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên.
Khi làm hồ sơ để nâng hạng sản phẩm lên OCOP 5 sao, HTX chè La Bằng gặp nhiều khó khăn, phải thay đổi và nâng cấp sản phẩm, nhà xưởng… để đáp ứng các tiêu chí. Điều này đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn mà HTX phải rất khó khăn mới có thể xoay xở được. Đơn cử như việc HTX phải có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO/GMP/HACCP/...), chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho xuất khẩu và các thủ tục pháp lý khác theo yêu cầu của thị trường đích.
Đặc biệt, để đáp ứng tiêu chí cơ hội thị trường toàn cầu, đòi hỏi sản phẩm phải có hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại không hề đơn giản.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, HTX chè La Bằng phải thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ xuất khẩu với chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Sản phẩm dù đã phân tích mẫu trong nước, nhưng khi chuyển ra nước ngoài vẫn phải vượt qua khâu kiểm dịch, phân tích mẫu của đối tác nhập khẩu.
HTX cũng phải đầu tư nhà xưởng khép kín lên tới vài trăm triệu đồng để đáp ứng tiêu chí sản phẩm OCOP 5 sao. Khoản đầu tư tương đối lớn, nhưng cũng như nhiều HTX khác, bà Hải cho rằng HTX luôn là chủ thể gặp bất lợi khi tiếp cận vay vốn tại ngân hàng.
Hiện sản phẩm của HTX chè La Bằng được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh việc bán hàng theo cách truyền thống, HTX còn đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng mức độ và khả năng tiếp cận thị trường.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.