Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:22 GMT +7
Chúng tôi tìm về xã Ôn Lương (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) khi những cánh đồng mênh mông đã phủ xanh giống nếp vải Ôn Lương. Mấy năm nay, người dân đã ý thức được việc khôi phục vùng nếp vải truyền thống của cha ông để lưu truyền văn hóa nguồn cội. Từ văn hóa nguồn cội ấy trở thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và nuôi sống người dân. Gọi là nếp vải, bởi giống lúa nếp ấy khi chín cho hạt thóc có màu đỏ như quả vải chín.
Chị Nguyễn Xuân Huế, Phó Giám đốc HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương đón chúng tôi bằng một chén rượu ngâm đòng nếp vải thơm lừng. Làn hương ấy đưa chúng tôi đến gần hơn với câu chuyện nhọc nhằn giữ giống nếp quý của chị.
Chị Huế kể rằng, gạo nếp quê mình ngon, nhưng có một thời ế lắm. Nhiều hộ đã bỏ ruộng đi làm công nhân tại TP Thái Nguyên và các vùng lân cận. Nhìn những hạt lúa giống không được gieo xuống ruộng đồng mà cứ để treo trên gác bếp, ruộng ròng rã ngày nối ngày cỏ mọc um tùm, chị buồn…
Những lần đi họp thôn, xã, nghe cán bộ ở huyện, tỉnh bảo rằng loại gạo nếp ngon như thế ở Thái Nguyên rất hiếm, giữ được giống gạo thơm ngon không chỉ giữ được giống mà con giữ được gốc rễ văn hóa của làng. Thế là chị và các thành viên HTX quyết tâm trồng và khôi phục giống lúa quý ấy. Nhiều người làng bảo chị liều, chị dại. Bởi đi làm công nhân không phải chân lấm tay bùn, quần áo sạch sẽ lại có tiền. Mải miết cắm mặt vào ruộng, lúa nếp mỗi năm chỉ ăn vài kg, còn lại ế không ai mua thì lấy tiền ở đâu để trang trải cuộc sống?
Biết gian khó nhưng chị vẫn làm. Và khi cái máu đam mê ngấm sâu vào con người chị thì hương nếp vải Ôn Lương đã nối liền từ bờ ruộng cạnh lũy tre đầu làng đến cánh đồng cạnh khu đường quốc lộ đều xanh tốt rì rào.
Chị Huế cho biết, thuận lợi lớn nhất của HTX là khi tham gia các gian hàng hội chợ trong tỉnh và các tỉnh lân cận đều được miễn phí. Vì vậy chị đã tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, nhiều bạn hàng đã đặt mua của HTX cả tấn gạo. Chị nhận ra rằng, thì ra giống nếp của cha ông có thể bán và làm kinh tế được, tại sao lại bỏ ruộng và làm mất đi giống lúa tốt của cha ông truyền lại bao đời?
Sự chăm chỉ và quyết tâm của chị Huế cùng các thành viên trong HTX được bù lại bởi những giải thưởng mỗi khi gạo nếp vải của làng chị làm bánh mang đi các hội thi trong và ngoài tỉnh đều đạt giải cao. Khi có thương hiệu và đạt sao OCOP, giá gạo nếp vải Ôn Lương từ 20.000 đến 25.000đ/kg đã tăng lên 50.000 đồng/kg. Năm 2023, HTX thu mua và xuất ra thị trường khoảng 20 tấn gạo nếp vải.
Cứ thế, khoảng 4 năm nay, năm nào đồng ruộng ở Ôn Lương cũng đều được bà con trồng giống nếp vải. Đầu tháng 4 âm lịch người làng gieo mạ, đến tháng 6 cấy lúa. Những ruộng lúa rộng cả trăm ha được bón phân hữu cơ và không phun thuốc hóa học.
Bà con Ôn Lương bảo nhau, nếu phun thuốc thì đầu tháng 9 sẽ không lấy được đòng để ngâm rượu nếp đòng. Từ bán loại nếp đòng, có nhà thu về hàng chục triệu đồng/sào. Đến giữa tháng 9, Ôn Lương bước vào mùa cốm, giống cốm thơm ngon nổi tiếng cho người dân nguồn thu khoảng 4,5 triệu đồng/sào. Vào đầu tháng 10, lúa chín màu vải cũng là thời điểm thu hoạch rộ, trung bình mỗi sào cũng đạt 2 triệu đồng.
Chị Huế bảo, bằng ấy nỗ lực nhọc nhằn cũng đã giúp giá nếp vải tăng lên cao hơn, giúp làng bám ruộng, ruộng giữ được giống cho làng. Đó mới là cái giá lớn nhất đối với người Tày yêu làng quê của mình. Nói rồi chị cười, nụ cười dường như còn giấu theo nỗi buồn trong ánh mắt nhìn về cánh đồng làng. Xa xa, đám ruộng lúa non vẫn mải miết xanh...
Tháng 2 âm lịch, hương vị Tết cổ truyền chưa xa, mùa lễ hội vẫn còn lưu luyến trên các làng quê ở Phú Lương. Mang theo không khí lễ hội ấy, người ta nhớ mãi hương vị của nếp vải Ôn Lương qua những món xôi ngũ sắc, qua những chiếc bánh chưng dẻo thơm… Và chè hữu cơ cổ thụ ở Ôn Lương cũng được người ta thương nhớ.
Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày mới làm. Anh làm ngôi nhà ấy để thế hệ trẻ như anh và sau anh biết nhớ về hồn cốt dân tộc Tày của mình. Cũng ý niệm ấy, bao năm qua anh giữ những nương chè hữu cơ cổ thụ như níu giữ tinh hoa văn hóa của núi rừng.
Vị trà anh Viện rót mời tôi thật đặc biệt, có hương thơm nhẹ, hơi ngậy và ngọt hậu. Một người bạn đồng nghiệp của tôi cả đời gắn bó và thưởng trà xứ Thái bảo, vị trà của anh Viện có mùi của trà Tân Cương nhưng hơi lạ một chút, để ý tinh sẽ thấy. Anh Viện gật đầu, bởi trong quãng đời 20 năm làm chè, anh có một giai đoạn làm và gắn bó với vùng chè Tân Cương đặc sản.
Sự khác biệt tạo nên chất riêng của chè Ôn Lương nằm ở việc toàn bộ phân hữu cơ do HTX Nông sản Phú Lương tự làm nên chủ động được việc ủ cái gì, tỷ lệ bao nhiêu để bón cho cây chè đủ dinh dưỡng, tạo ra loại trà ngon nhất.
Anh Viện bảo rằng, có những loại trà như trà mầm sương sớm giá vài triệu đồng/kg thì công chăm sóc, thu hái, chế biến đòi hỏi cầu kỳ hơn. Nguyên liệu của loại chè ấy phải lấy từ những vườn chè hữu cơ 20 năm tuổi trở lên, phải hái vào giai đoạn từ 5 đến 8 giờ sáng, khi sương sớm chưa kịp tan hết.
Tôi hỏi: Vì sao anh lại quyết tâm làm chè hữu cơ trong nhiều gian khó? Anh Viện đáp: Nhìn những đồi chè ròng rã nhiều năm liền được người dân bón phân vô cơ, phun thuốc hóa chất… khiến đất chất dần, trà mất chất, chất lượng giảm xuống, màu trà và vị trà cũ bị mất. Vì ham tiền, nhiều người cho hương liệu, cho phụ phẩm vào trà…
Anh Viện nghĩ, những nhu cầu vội vã của con người về năng suất, về cuộc sống mưu sinh đã làm khổ đất, làm đất bạc màu, đất bị tổn thương. Anh phải làm thứ gì khác biệt, không thể tiếp tục hủy hoại đất. Từ năm 2015 đến nay, anh quyết tâm chữa lành cho đất và theo đuổi phương thức canh tác hữu cơ.
Để làm chè hữu cơ, HTX của anh Tống Văn Viện thành lập riêng một xưởng chuyên thu gom phân chuồng, phụ phế phẩm nông nghiệp và các chế phẩm sinh học rồi xử lý hoai mục, sau đó bón cho vườn chè và lúa. HTX có kỹ sư nông nghiệp sâu sát với các hộ dân, tư vấn cho người dân kỹ thuật canh tác chè an toàn theo hướng hữu cơ tại những diện tích liên kết. HTX cung cấp phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, sau đó bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay vùng chè nguyên liệu của HTX đã có 70ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.
Trải qua hơn 10 năm làm nông nghiệp, HTX Nông sản Phú Lương đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, HTX sản xuất khoảng 100 tấn chè/năm, cung cấp cho thị trường Thái Nguyên, Bắc Giang và 20 tỉnh/thành phía Bắc.
HTX có 3 sản phẩm trà đạt OCOP 4 sao. Chính bởi ưu thế làm nông nghiệp hữu cơ nên HTX cũng là đơn vị duy nhất có 2 sản phẩm trà được lựa chọn thi 5 sao OCOP của huyện Phú Lương năm 2024, gồm trà móc câu Hương Quê và trà tôm nõn Hương Quê.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
Hòa Bình Tôi thức dậy giữa tiếng gà gáy, ngoài cửa lều là một khung cảnh đẹp mơ màng, những quả cam chín vàng như những cây thông Noel khổng lồ nổi bật trên nền trời xanh.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.