Thứ năm, 21/11/2024 | 17:02 GMT +7

  • Click để copy
Chủ nhật- 18:01, 27/02/2022

Chuyện xứ điều -[Bài 7]-Những người Mỹ và Đức đầu tư vào ngành điều Việt Nam

Trong số này có những cá nhân và doanh nghiệp khai phá mở đường làm ăn, đưa hạt điều Việt Nam tới các thị trường Mỹ và Châu Âu.

Doanh nghiệp Mỹ đẳng cấp và chuyên nghiệp

Ông không phải “cao bồi miền Tây” như chúng ta thường thấy trên phim điện ảnh Mỹ vì lẽ ông sinh ra ở một bang ở phía Đông, nơi sản sinh ra nhiều đời Tổng thống nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (Bang Virginia). Tốt nghiệp Đại học Richmond (Virginia) với bằng Khoa học Chính trị nhưng ra trường, tiếp nối truyền thống gia đình để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh hạt quốc tế, Dan Phipps tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của Tập đoàn Red River Foods (Mỹ), tập đoàn có 40 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh hạt quốc tế từ người cha là ông James Phipps, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Tập đoàn, người nổi danh trong lịch sử ngành hạt của Mỹ.

Ông James Phipps Chủ tịch Red River Foods đến thăm nhà máy điều của Tanimex-La năm 2013.

Ông James Phipps Chủ tịch Red River Foods đến thăm nhà máy điều của Tanimex-La năm 2013.

Như chúng ta đã biết, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, từ năm 1994 những container điều nhân đầu tiên đã được xuất bán qua Mỹ. Vào thời điểm đó cho biết: trong số những nhà nhập khẩu điều nhân lớn của Mỹ nổi lên hai cái tên là SLD Commodities và Red River Foods (RRF) mua rất nhiều nhân điều của Việt Nam - đây là hai doanh nghiệp nhập khẩu điều nhân sơ chế (mà người Mỹ chỉ coi đó là nguyên liệu thô, tiếng Anh “Raw cashew kernels”). Các doanh nghiệp nhập khẩu điều về Mỹ để giao cho các tập đoàn chiên rang, đóng gói, bán lẻ của Mỹ để xử lý theo “phân công lao động xã hội kiểu chuỗi” của Mỹ.

Ông Dan Phipps đang kiểm tra sản phẩm của RRF và East Bali Indonesia thuộc RRF trên kệ hàng tại 1 siêu thị ở Mỹ: Ảnh: IT.

Ông Dan Phipps đang kiểm tra sản phẩm của RRF và East Bali Indonesia thuộc RRF trên kệ hàng tại 1 siêu thị ở Mỹ: Ảnh: IT.

Nhận thấy thị trường điều Việt Nam ngày càng phát triển và có nhiều cơ hội to lớn, vào năm 2016, dưới sự điều hành của Dan Phipps, Red River Foods đã chính thức mở nhà máy chế biến điều tại tỉnh Bình Dương, chi nhánh tại Gia Lai, Bình Định và Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường chế biến, xuất khẩu hạt điều và xây dựng hệ thống kho lưu trữ hàng hóa thương mại (toàn bộ mảng kinh doanh hạt điều tại Việt Nam RRF giao cho ông Robert Hoeve – một người Mỹ “am hiểu về địa phương” và có nhiều kinh nghiệm về kiểm soát chất lượng quản lý).

RRF khởi công xây dựng nhà máy chế biến điều tại Việt Nam: Ảnh: IT.

RRF khởi công xây dựng nhà máy chế biến điều tại Việt Nam: Ảnh: IT.

Robert Hoeve thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn do VINACAS tổ chức và có những trao đổi, góp ý thẳng thắn để góp phần xây dựng và phát triển ngành điều. RRF cũng từng tài trợ và phối hợp với VINACAS để tổ chức một số hội thảo nhằm thông tin về thị trường Mỹ và cảnh báo, giúp nâng cao chất lượng hạt điều xuất khẩu vào thị trường Mỹ, một số cảnh báo có giá trị,…

RRF và một trong những hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam: Ảnh: RRF.

RRF và một trong những hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam: Ảnh: RRF.

Ngoài những người như Larry Jones thuộc công ty RRF Agency hay Mr. David Chủ tịch SLD Commodities là những người đầu tiên khai phá mở đường làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam và ở những năm cuối của thập niên 1990 còn có ông Melldeur thuộc tập đoàn Starsnack một thương hiệu nổi tiếng ở Hoa Kỳ và thế giới. Ông là người Mỹ gốc do Thái, người sáng lập của tập đoàn được mệnh danh là vua DW vì ngoài dòng sản phẩm cao cấp như WW ông còn chuyên kinh doanh dòng sản phẩm cấp thấp hơn là DW. Một người Mỹ rất kỹ tính không chỉ trong kinh doanh mà trong cả sinh hoạt ăn uống. Ông thành lập công ty hạt điều Mỹ Việt chuyên rang chiên nhân hạt điều xuất trở lại Mỹ đầu tiên ở Việt Nam, trước cả John Warning của Úc.

Năm 2008 tôi đã có dịp tham quan nhà máy của ông đặt tại ngoại ô thành phố Washington DL của Mỹ, một nhà máy hiện đại nhất thế giới vào thời điểm lúc bấy giờ. Khi đó tôi đã thực sự ngạc nhiên và không thể hiểu được tại sao người ta lại có thể rang điều dễ dàng đến như vậy. Điều được rang chiên, đóng gói hoàn toàn tự động. Người ta chiên các loại hạt công suất 100 tấn/ngày mà chỉ có chưa đầy 10 lao động... Có một thời mà cho đến tận bây giờ làm ăn thành công với các doanh nghiệp Mỹ là niềm tự hào của các doanh nghiệp Việt Nam. Thật sự là họ quá đẳng cấp và chuyên nghiệp.

Đoàn doanh nhân Vinacas xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ năm 2016. Ảnh chụp chung với Chủ tịch Red River Foods tại trụ sở công ty.

Đoàn doanh nhân Vinacas xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ năm 2016. Ảnh chụp chung với Chủ tịch Red River Foods tại trụ sở công ty.

Cỗ xe tăng Đức và nghệ thuật quản trị kiểu “cối xay gió Hà Lan” trên đất Việt

Có cơ hội được tham dự một số kỳ Đại hội hạt quả khô quốc tế (INC), tôi luôn thấy xuất hiện một tập đoàn được Ban tổ chức Hội nghị ưu ái ở vị trí hàng đầu, giới thiệu long trọng, cũng như được mời tham gia các phiên hội thảo chính, hỏi ra mới biết được đây chính là một “thế lực” lớn của ngành chế biến hạt chiên, rang - doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và thế giới với doanh số hàng năm lên tới 3 tỷ EUR.

Đoàn XTTM  của VINACAS thăm nhà máy Intersnack tại Hà Lan năm 2017: Ảnh: VINACAS.

Đoàn XTTM  của VINACAS thăm nhà máy Intersnack tại Hà Lan năm 2017: Ảnh: VINACAS.

 Đây là tập đoàn chế biến thực phẩm nổi tiếng thế giới, có trụ sở chính đặt tại một thành phố cổ kính miền Tây của Đức cũng là trung tâm kinh tế, tài chính và thời trang hàng đầu của Đức, đó là thành phố Düsseldorf thuộc Bang Bắc Rhine-Westphalia (Đức). Là tập đoàn đa quốc gia, Intersnack có nhiều chi nhánh, nhà máy chế biến và chiên rang ở các quốc gia khác nhau, hàng năm cho xuất xưởng khoảng 600.000 tấn đồ ăn nhẹ (snack), bao gồm khoai tây chiên, các loại hạt quả khô, đồ nướng và đồ ăn nhẹ đặc sản. Intersnack thuộc sở hữu tư nhân và chịu sự điều hành của một nhóm doanh nhân Đức, đại diện là ông Maarten Leerdam – Giám đốc điều hành Tập đoàn với 13.700 nhân viên. Nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng của Intersnack (Đức) trên thị trường gồm có: Hula Hoops, McCoy's, Pom-Bear, Chio Chips và Penn State. Những thương hiệu này đã thúc đẩy và tạo nên sự thành công của Intersnack trên thị trường bán lẻ của châu Âu và thế giới.

Ông Maarten Leerdam – Giám đốc điều hành Intersnack (Đức).

Ông Maarten Leerdam – Giám đốc điều hành Intersnack (Đức).

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp điều Việt Nam không biết đến Tập đoàn Intersnack Đức mà thường biết đến Intersnack Procurement Netherlands, đây là 1 công ty con của tập đoàn, chuyên thu mua nguyên liệu hạt điều cho tập đoàn mẹ. Tên tuổi của Intersnack tại Việt Nam trước kia thường gắn với tên tuổi của một số cán bộ, chuyên gia nước ngoài của tập đoàn, trong đó có một chuyên gia người Hà Lan, “cha đẻ của Cashew 6.0” là ông Tjasse-Pieter Dijksterhuis (thường được quen gọi là “ông Pi-tơ”; tại công ty thì ông còn có biệt danh là “Tiến sĩ điều” - cashew doctor).

Ngoài ông Pi-tơ, chúng tôi cũng có cơ hội gặp gỡ và làm việc với nhiều nhân vật quan trọng khác của Intersnack như ông Arie Endendijk, ông Wim Schipper, ông Lars Joan Jetze Kamerling, ông Abel Santos Saez, mỗi người một vẻ và nhìn chung trong số họ đều toát lên phong cách làm ăn rất chuyên nghiệp kiểu phương Tây.

Ông Arie Endendijk – Nguyên Giám đốc điều hành Intersnack Hà Lan. Ảnh: IT.

Ông Arie Endendijk – Nguyên Giám đốc điều hành Intersnack Hà Lan. Ảnh: IT.

Không rõ Intersnack vào Việt Nam thu mua từ khi nào, chỉ biết từ năm 2006 mới bắt đầu mở văn phòng đại diện chính thức, sau đó như một “cỗ xe tăng Đức”, lừ lừ tiến vào thị trường Việt Nam, ngấm ngầm nghiên cứu, tìm hiểu, thâm nhập thị trường và mua bán sát nhập (M&A) công ty điều tên tuổi của Việt Nam. Bên cạnh đó, họ áp dụng phong cách quản trị kiểu “cối xay gió Hà Lan”, đề cao tính hệ thống, kỷ luật và tự chủ,...

Ông Wim Schipper hiện đang là Giám đốc ngành hàng hạt quả khô và nguyên liệu của Intersnack Procurement B.V. (Hà Lan): Ảnh: INC.

Ông Wim Schipper hiện đang là Giám đốc ngành hàng hạt quả khô và nguyên liệu của Intersnack Procurement B.V. (Hà Lan): Ảnh: INC.

Trước khi Intersnack mở nhà máy ở Việt Nam, họ nằm trong số những nhà nhập khẩu tầm cỡ. Một số chủ doanh nghiệp điều ở Việt Nam hay than phiền rằng làm việc với Intersnack rất khó vì luôn đòi hỏi cao và phải có đủ tiêu chuẩn, báo cáo này, báo cáo kia,… Đặt câu hỏi này với vị đại diện của Intersnack Việt Nam, ông nói rằng: “Đúng vậy, phương châm của Tập đoàn là luôn đề cao trách nhiệm về môi trường và xã hội, đây là trọng tâm và kim chỉ nam trong mọi hoạt động của công ty. Vì lý do này, Intersnack không ngừng đưa ra những đòi hỏi và thách thức các doanh nghiệp, đồng nghiệp và đối tác của chúng tôi hướng tới những tiêu chuẩn cao nhất có thể, ở cấp quốc tế, khu vực và địa phương”.

Sau thương vụ M&A với Công ty TNHH Quốc tế Rals Việt Nam, Intersnack tiếp quản 3 nhà máy chế biến điều tại: Long An; Tây Ninh; Bình Thuận và văn phòng tại Tp. HCM. Người đại diện tại Việt Nam là ông: Lars Joan Jetze Kamerling – Đại diện pháp luật và ông Abel Santos Saez – Giám đốc điều hành Intersnack Cashew Vietnam.

Hiện nay, là một hội viên của VINACAS, Công ty điều Intersnack Việt Nam thường xuyên tích cực tham gia những hoạt động do VINACAS tổ chức, đặc biệt về tiêu chuẩn xã hội, thương mại đạo đức, thương mại công bằng trong khuôn khổ các dự án do VINACAS và đối tác tổ chức.

Cây cầu nối những bờ vui

Năm 2019, Ấn Độ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày xuất khẩu lô hạt điều đầu tiên từ Thành phố Kollam (Bang Kerala) vào thị trường Hoa Kỳ năm 1920 bởi một doanh nhân gốc Sri Lanka. Điều ngạc nhiên là trong buổi lễ long trọng hôm đó, Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu điều Ấn Độ (CEPCI) vinh danh rất nhiều doanh nghiệp bản địa có công với ngành điều, tuy vậy lại chỉ có một vài doanh nhân người nước ngoài, bao gồm nhà môi giới và thương mại hạt điều hàng đầu của Mỹ - Richard Franco Agency, Inc. (tên giao dịch: “RFA”).  RFA cũng là một cái tên không hề xa lạ với ngành điều Việt Nam.

Năm 1947, chỉ 2 năm sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, RFA chính thức được thành lập do sáng lập viên là ông Richard Franco; sau khi ông Richard Franco mất, công ty được chuyển giao qua con trai ông là David Rosenblatt; RFA được thành lập với mục đích chính là hỗ trợ những người mua quốc tế, đặc biệt tại Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm, kết nối với những nhà cung cấp bản địa để thu mua các loại hạt mà người tiêu dùng Mỹ yêu thích, đặc biệt những loại “hạt nhiệt đới”, gồm có hạt điều, hạt mắc ca (macadamia), hạt Braxin (brazil nuts) và một số sản phẩm khác. Ban đầu, những thị trường RFA tiếp cận chính là Ấn Độ, Braxin, sau đó tới Việt Nam. RFA đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp chiên rang, nhập khẩu hàng đầu Mỹ. 

Chỉ vài tuần sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Ban lãnh đạo RFA đã thảo luận và đi đến quyết định, chính thức cử đại diện (ông David Rosenblatt và ông Larry W. Jones) bay sang Việt Nam để mở văn phòng của RFA (có tên gọi rất dễ thương, dễ nhớ là “Hình con voi Sài Gòn”), đó là năm 1994. Đây là một sự phối hợp giữa RFA và Công ty Hergott & Wilson và là “văn phòng môi giới đầu tiên” của 1 doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam.  Văn phòng đại diện này do ông Larry W. Jones làm Trưởng đại diện, bà Trần Thị Ngọc Nga làm cán bộ kinh doanh (Trader). “Hình con voi Sài Gòn” hiện không còn nữa nhưng nó là một phần lịch sử của ngành điều.

Ông David Rosenblatt.

Ông David Rosenblatt.

Ông Larry W. Jones.

Ông Larry W. Jones.

Có thể nói RFA (hay “Hình con voi Sài Gòn”) chính là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu nhân điều từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng như góp phần quảng bá hình ảnh của hạt điều Việt Nam. Ông Larry W. Jones, ông David Rosenblatt và chị “Nga voi” (biệt danh vui của bà Trần Thị Ngọc Nga) là những cá nhân có công rất lớn trong những ngày đầu chập chững vào nghề xuất khẩu hạt điều của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Hiện nay, chị Nga đã ra riêng mở công ty môi giới tư nhân 3Nuts nhưng vẫn đại diện bán hàng cho RFA và nhiều doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam. Còn RFA trong số liệu xuất khẩu của Hải quan Việt Nam cũng tham gia nghiệp vụ mua hàng trực tiếp (thương mại) thay vì chỉ môi giới như trước đây,…

Ông Larry W. Jones có công lao đóng góp với ngành điều, không chỉ ở phương diện hỗ trợ thương mại. Tôi còn nhớ đợt làm việc với ông Nguyễn Văn Lãng khi đó đang là Tổng Thư ký VINACAS, ông Lãng cho tôi xem một sấp hồ sơ, trong đó có hợp đồng mua bán nhân điều mẫu, bản góp ý tiêu chuẩn nhân điều dưới dạng thư tay, một số trao đổi góp ý để phát triển ngành,… mà ông Larry W. Jones đã gửi ông Lãng (thời đó internet, email còn chưa phổ biến), thể hiện trách nhiệm, say mê, tâm huyết và tình cảm đặc biệt đối với hạt điều Việt Nam.

Ngành điều XTTM tại Hoa Kỳ năm 2016.

Ngành điều XTTM tại Hoa Kỳ năm 2016.

Ngoài “Hình con voi Sài Gòn”, Môi giới Thạnh Sơn, giai đoạn 1990 - 2000 cho đến nay còn nổi lên nhiều tên tuổi gạo cội cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài trong nghề môi giới hạt điều tại Việt Nam như: ông Hải (đ/d Bond Commodities Ltd. - Anh Quốc) (đã mất), bà Phượng (đ/d Catz B.V. - Hà Lan), ông Chương (Công ty Lưu Gia - Việt Nam), ông Lợi (đ/d Africa Products – Anh Quốc), ông Ashok (đ/d Orion Commodities), nhóm Lạng Sơn chuyên hỗ trợ bán hàng cho thị trường Trung Quốc (“Lạc-Công-Phương-Đường/ Đại), bà Hương (HD Cashews) và nhiều người khác.

Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Vinacas

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.

Một buổi sáng thức giấc giữa vườn cam đang độ chín vàng

Một buổi sáng thức giấc giữa vườn cam đang độ chín vàng

Hòa Bình Tôi thức dậy giữa tiếng gà gáy, ngoài cửa lều là một khung cảnh đẹp mơ màng, những quả cam chín vàng như những cây thông Noel khổng lồ nổi bật trên nền trời xanh.

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Sắp diễn ra lễ hội về bưởi lần đầu tiên tại Đồng Nai

Sắp diễn ra lễ hội về bưởi lần đầu tiên tại Đồng Nai

Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.

Xem Thêm