Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:42 GMT +7
Chúng tôi phải nói ngay là những “hạt giống đỏ” này hoàn toàn không phải là vấn đề chính trị, đơn giản đó là cái tên đặt cho những con người mà chúng tôi cho rằng họ đã góp phần làm nên những giá trị của ngành điều Việt Nam.
Chuyện làm điều ở các Tổng công ty
Thời kỳ bao cấp Chính phủ thành lập một loạt Tổng công ty chuyên ngành. Trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta thấy như Tổng công ty xuất nhập khẩu Nông Sản Thực Phẩm (Agrexport), Tổng công ty Gia Cầm (Animex), Tổng công ty Lâm Đặc Sản (Naforimex), Tổng công ty Rau Quả (Vegetexco), Tổng công ty xuất nhập khẩu Công Nghiệp Thực Phẩm tách ra từ Agrexport (Vinalimex)… Khi đó mặt hàng hạt điều mà chủ yếu là hạt thô (hạt điều nguyên vỏ) được rất nhiều Tổng công ty kinh doanh, đầu tiên phải kể đến là Naforimex, sau đó là Agrexport, Vegetexco…
Chúng ta biết rằng năm 1998, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 2472/CT ngày 05/09/1998 giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành cây điều cho Bộ Nông Nghiệp và Công Nghiệp Thực Phẩm (nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn). Cũng năm đó Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có quyết định số 442/NN-XNKQĐ ngày 16/09/1998 về việc giao cho Tổng công ty xuất nhập khẩu Công Nghiệp Thực Phẩm (Vinalimex) nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, tổ chức thu mua, chế biến, xuất khẩu hạt điều… (chuyện đã kể trong “Thương quá điều ơi!).
Trên thực tế Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn giao nhiệm vụ phát triển cây điều cho Vinalimex quản lý cũng là trên cơ sở Tổng công ty này đề nghị. Khi nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Thạch - Tổng giám đốc và những người cộng sự đã nhanh chóng triển khai một số đề án nghiên cứu, phát triển điều, xúc tiến thương mại tìm kiếm đầu ra cho hạt điều. Điển hình là việc tổ chức thành lập Hiệp hội điều Việt Nam vào ngày 23/11/1990. Ông Nguyễn Văn Ánh nguyên Tổng giám đốc Vinalimex Thành phố Hồ Chí Minh, một người gắn bó lâu đời với Tổng công ty cũng như ngành điều Việt Nam kể: “Những năm cuối của thập niên 1980 Vinalimex đã từng tổ chức xuất khẩu hạt điều thô doanh thu lên đến cả chục triệu USD. Hạt điều đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Tổng công ty”.
Ông nói lúc ông Nguyễn Túy Can làm giám đốc, sau này là chị Việt Hà và chị Hiền công ty Vinalimex có đến bốn phòng nghiệp vụ, trong đó có cả phòng nghiên cứu thị trường điều. Chính các anh chị như Dương Ngọc Trinh, Nguyễn Hữu Đức, Dương Phương Lan, Trần Thanh Phương, Tạ Thị Mỹ Lê, Ngô Huy Hoàng, sau này là Hoàng Văn Công, Vũ Thái Sơn, Hoàng Văn Chiến… với nguồn năng lực dồi dào lại được đào tạo bài bản, nên chỉ trong một thời gian ngắn Vinalimex đã hoàn thiện công nghệ chế biến điều ở Sacafa Thủ Đức, một liên doanh giữa Vinalimex và Sonimex thuộc Imexco Thành phố Hồ Chí Minh. Một nhà máy vừa chế biến nhân xuất khẩu vừa nghiên cứu để ép dầu vỏ hạt điều xuất khẩu và chế biến ra các sản phẩm cao cấp từ hạt điều như sơn chống thấm, vec-ni, dầu sử dụng trong công nghiệp đóng tàu thủy... theo đề án của giáo sư tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn. Rất tiếc là đề án đã không được đầu tư nghiêm túc nên đã thất bại.
Ngay sau liên doanh với Sacafa, Vinalimex cũng mở một nhà máy chế biến điều tại tỉnh Bình Định do anh Phương Vinh Thanh (Thanh đầu hói) làm giám đốc. Nhà máy hoạt động được một thời gian Tổng công ty giao lại cho tỉnh làm nhà máy bia…
Ngoài việc tổ chức chế biến điều có sản phẩm xuất khẩu, Tổng công ty còn tổ chức kinh doanh khá mạnh. Các phòng nghiệp vụ được bật đèn xanh ký các hợp đồng ứng vốn cho các nhà máy điều ở các tỉnh thu mua chế biến và giao lại nhân để Tổng công ty xuất khẩu. Chính công ty Lafooco chúng tôi lúc bấy giờ cũng đã được ứng vốn và xuất khẩu nhiều sản phẩm cho Vinalimex như hạt điều, kẹo trứng chim, chuối sấy… Ngoài ra các nhà máy khác như Donafood, Mỹ Lệ… theo tôi biết thời kỳ đầu cũng có hợp tác làm ăn với Vinalimex.
Khác với nhóm Thành phố Hồ Chí Minh do anh Nguyễn Văn Lãng đại diện, nhóm anh Thanh Long An, anh Vương Hải sông Bé (tỉnh cũ), anh Cần (Bình Thuận), anh Ba (Phú Yên), anh Châu (Ninh Thuận), chị Lan (Tây Ninh), anh em làm điều ở Vinalimex tỏ ra am hiểu thị trường xuất khẩu và có nhiều khách hàng, phần đông anh em làm ăn rất chuyên nghiệp. Không giống với các công ty ngoại thương cấp tỉnh vốn rất ít khách hàng và thường không mấy chuyên nghiệp trong tổ chức ngoại thương, bởi thế mới có chuyện ông Tổng giám đốc của một tỉnh nọ đã điều cả xe tải đi nhận L/C ở ngân hàng ngoại thương. Chả thế mà có lần ông Ba Tính nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An kêu tôi qua và bảo: “Hôm nay có anh em ở Trung ương xuống chơi có đề án làm điều hay lắm, qua tỉnh mới biết vị cán bộ cao cấp Trung ương đó là anh Túy Can Giám đốc Vinalimex Thành phố Hồ Chí Minh”.
Được biết khi ấy báo chí nói đến xuất khẩu hạt điều thì chủ yếu là xuất khẩu hạt điều thô mà cũng chỉ có Tổng công ty Vinalimex là đơn vị xuất khẩu chủ lực, còn các đơn vị khác như Naforimex, Agrexport, Vegetexco hay Imexco Thành phố Hồ Chí Minh thì xuất khẩu với thị phần nhỏ.
Thời kỳ đầu của quá trình tăng trưởng chế biến và xuất khẩu nhân điều ở Việt Nam đơn vị xuất khẩu chủ lực vẫn là Vinalimex. Các địa phương có nhà máy chế biến điều như Long An, Đồng Nai, Bình Thuận, Sông Bé… thì xuất khẩu ủy thác qua Vinalimex.
Sau này khi Việt Nam - Trung Quốc bình thường trở lại, Trung Quốc tiêu thụ quá lớn hạt điều từ Việt Nam, các nhà máy ở địa phương đã nhanh chân tổ chức xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc (tôi sẽ kể chuyện phần sau) nhưng Vinalimex có vẻ lại chậm chân ở Trung Quốc.
Có thể nói anh em làm điều ở Tổng công ty Vinalimex thì có nhiều hàng chục người, phần đông các anh chị được đào tạo bài bản thông thạo tiếng Anh, lại thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nước ngoài nên có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức xuất nhập khẩu. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau nên một số anh chị em nghỉ công tác ở Vinalimex ra ngoài muốn lập công ty làm điều tư nhân lại không mấy thành công. Đến giờ những người thành công nhất xuất thân từ Vinalimex mà người ta thường nhắc đến là chị Dương Phương Lan (Lan Đakao) và anh Vũ Thái Sơn.
Doanh nhân Vũ Thái Sơn
Trong vòng 30 năm hoạt động trong ngành điều, anh là con người như thế nào? Từ chàng sĩ quan tình báo đến người làm môi giới, từ công ty chuyên kinh doanh hạt điều đến điều hành một tập đoàn đa ngành nghề. Từ một người bình thường anh trở nên nổi tiếng trong ngành điều ở đất nước hình chữ S. Anh muốn có cho mình một tập đoàn mạnh. Đối với anh đó là niềm tin duy nhất.
Trong làng điều hiện có nhiều người yêu quí anh? Vậy giá trị đích thực của anh là gì? Tôi không bàn về việc đó, chỉ biết anh là người rất giỏi trong kinh doanh.
Sơn là con nhà nòi (theo cách nói của cánh báo chí) theo học đại học Ngoại Giao (nay là Học Viện Ngoại Giao) khóa 17 (1976-1981). Sau khi tốt nghiệp Sơn về làm việc tại Cục tình báo Bộ Công An, sau đó được phân công đi Campuchia. Năm 1991 anh về đầu quân ở Tổng công ty Vinalimex, làm việc ở phòng kế hoạch chuyên làm nhiệm vụ phiên dịch cho các phòng vì giỏi tiếng Anh. Anh Ánh kể chính công việc này đã giúp Sơn bước đầu tạo dựng ý tưởng trong kinh doanh. Nhiều lần đi công tác chung với Sơn ở nước ngoài tôi thấy Sơn là người có đầu óc tổng hợp phân tích rất tốt. Anh là tuýp người sống thực tế, những ý kiến Sơn đưa ra trong các cuộc thảo luận thường rất sắc sảo. Người ta gọi vạn sự tùy duyên, trong trường hợp này Sơn thường ghi được những điểm cộng trong mắt khách hàng nước ngoài.
Sơn nói với chúng tôi là anh nghỉ ở Vinalimex ra làm ăn riêng năm 1994. Đầu tiên anh làm nhà phân phối cho hãng Cocacola Việt Nam, sau này là đại lý môi giới điều (Công ty môi giới Thạnh Sơn).
Chúng ta biết rằng thời kỳ này những người làm môi giới hạt điều ở Việt Nam còn khá ít (Phượng - Catz, Chương - Lưu Gia, Nga - 3nut, Lợi - Scalzo, tất nhiên có cả Larry Jones (người Mỹ) mà tôi đã nói kỹ ở “Thương quá điều ơi!”).
Anh còn kể lúc anh làm môi giới thì công ty anh là công ty duy nhất thường xuyên gửi các báo cáo về tình hình thị trường giá cả quốc tế cho các nhà chế biến Việt Nam một tuần một bản tin. Anh Ánh thì bảo rằng thời kỳ này các công ty môi giới điều ở Việt Nam làm ăn rất khấm khá. Sau khi thành công ở vai trò công ty môi giới anh thành lập công ty Long Sơn năm 2.000 và tham gia vào lĩnh vực kinh doanh rồi mở nhà máy chế biến điều ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, và cả Long An với cái tên công ty cổ phần Long Sơn (cứ công ty nào phá sản là anh mua lại), doanh thu xuất khẩu lên vù vù, đến nỗi có doanh nghiệp là người nước ngoài nói với tôi là không hiểu tại sao công ty Long Sơn lại phát triển nhanh như vậy.
Có lần vào năm 2010 anh đã phấn khởi khoe với tôi là công ty anh đã chế biến đạt công suất 100 tấn hạt/ngày. Tính đến nay đã hơn 10 năm công ty cổ phần Long Sơn của anh luôn là doanh nghiệp dẫn đầu khối đầu tư làm điều trong nước đạt doanh thu gần 200 triệu USD/năm. Công ty TNHH Quốc Tế Long Sơn Tỉnh Bình Phước còn được đề cử là doanh nghiệp ngành điều đầu tiên ở Việt Nam sở hữu kho ngoại quan và anh lập cả kho để kinh doanh điều trên đất Mỹ. Về mặt cá nhân Sơn còn là đại diện cho một tổ chức quốc tế uy tín tại Viêt Nam, đó là Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC).
Ngoài Vũ Thái Sơn, chị Dương Phương Lan là người khá kín tiếng. Tôi có duyên quen biết chị khi chị làm Phó phòng kinh doanh chỗ anh Đức. Nhiều lần tôi nói chuyện, kể cả sau này khi tôi đã nghỉ công tác ở Lafooco về thành lập công ty Tanimex-La cùng với anh Võ Văn Hồng, công ty tôi luôn được Vinalimex và chị giúp đỡ rất nhiều.
Hồi đó nghe nói Vinalimex được Bộ cho làm thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Công ty có quy định là cán bộ trong công ty không được tổ chức kinh doanh cùng ngành nghề với công ty ở bên ngoài. Chị nghỉ ra ngoài cùng anh Thắng chồng chị mở công ty điều ở Đồng Nai với cái tên Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và xuất khẩu Nông Sản Đakao. Khác với nhiều người, Đakao là công ty không sử dụng nhiều vốn vay ở ngân hàng, xuất khẩu trực tiếp không sử dụng kênh môi giới. Đã hơn 20 năm nay Công ty luôn đạt doanh thu xuất khẩu nằm trong top 20 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Có điều lạ là trong cuộc đời doanh nhân tôi chứng kiến rất nhiều công ty phát triển rất nhanh, nhưng cũng rất dễ đỗ vỡ nhưng đối với Đakao hay Thảo Nguyên thì hình như điều đó là không thể, ít nhất là trong tương lai gần.
Có điều ít người biết là cả chị Lan Đakao và chị Phương Thảo Nguyên đều là những người không thích ồn ào, họ sống và kiếm tiền ít khi dựa vào các mối quan hệ.
Chàng Sumo ngành điều
Tôi có may mắn được quen biết và làm việc với nhiều anh em sinh ra và lớn lên ở vùng gió cát trong nhiều năm với nhiều vai trò cương vị khác nhau.
Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là anh Hồ Ngọc Cầm, anh là người Quảng Ngãi nhưng gia đình phần đông sinh sống ở Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thời còn trẻ anh đẹp trai, lại là người phóng khoáng, quen biết rộng, làm ăn thành đạt nên anh từng là thần tượng của nhiều cô gái nơi phố thị.
Hồi đó cách đây 30 năm rồi, chúng tôi đã cùng nhau sống và làm việc như thế nào? Từ những bữa cơm nơi quán Cây Bàng, đá ông Địa, tối về ngủ nhà anh, ngôi nhà lá cặp Quốc lộ 1 coi bóng đá trên ti vi đến tận khuya. Chúng tôi mê coi bóng đá đến nỗi tôi thấy anh, chị Châu (vợ anh) thuộc tên rất nhiều cầu thủ trong đội tuyển Liên Xô cũ (CCCP), các cầu thủ giải Ngoại hạng Anh, Ý và cả giải quốc nội. Rồi những trận thi đấu thể thao giữa hai công ty. Có lần tôi mang theo đội bóng đá của công ty ra anh thi đấu. Vì xa nên chúng tôi ra từ chiều hôm trước, anh bố trí cho ở nhà khách Tỉnh ủy. Sáng hôm sau thi đấu bóng chuyền, ngày thi đấu tôi cho rằng anh không thể ra sân vì hồi đó anh to và nặng tới 120kg. Thế nhưng thật lạ, anh vẫn ra sân cùng tôi thi đấu trên một mặt sân nghiêng và tôi thấy anh vẫn đề tăng trên lưới bình thường. Bên đội tôi, tôi đứng chuyền 2 và lâu lâu tôi bỏ nhỏ phía sau lưng anh một quả thấy anh phản xạ cứu bóng rất nhanh, thật lạ.
Nhiều lần chúng tôi cùng nhau đi Trung Quốc, Lạng Sơn, Hà Nội,… đến Long An, anh khoe với anh Dương Quốc Xuân - Chủ tịch tỉnh là anh uống rượu chưa bao giờ say. Một con người mà báo chí từng đặt cái tên là “chàng sumo của ngành điều”.
Nhưng mọi người đừng nghĩ anh chỉ có vậy. Anh là người đầu tiên làm điều ở miền Trung và Fatimex công ty mà anh làm giám đốc đã từng đứng thứ 2 trong danh sách những doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều hàng đầu Việt Nam. Tôi nhớ có lần hai anh em ra Lạng Sơn công tác (Hồi đó Fatimex và Lafooco) đều có văn phòng đại diện ở Lạng Sơn. Anh tâm sự với tôi là anh muốn đưa ngành điều ở miền Trung phát triển đứng đầu toàn quốc. Anh nói xem tôi có thể giới thiệu ai đó cho anh làm kỹ thuật, tôi giới thiệu anh Lê Công Thành, người đã từng đào tạo kỹ thuật cho công ty Lafooco, Long An. Anh Thành khi ấy vừa nghỉ việc ở công ty Thành Lễ. Sau đó bẵng đi một năm tôi không ra anh, hôm ra thấy công ty anh có bước phát triển nhảy vọt. Nhà xưởng được mở rộng lên cả trên đồi cát, công suất chế biến tăng đáng kể. Điều quan trọng là chất lượng hạt điều của Fatimex lúc bấy giờ đã nổi tiếng ở thị trường Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ… Anh có được một danh sách khách hàng dài đáng kể. Sau này tôi thấy anh liên kết làm ăn với nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước, Đồng Nai, Long An rồi mở cả nhà máy ở Quảng Nam. Hồi đó đi đến đâu tôi cũng nghe người ta nói về “chàng sumo Hồ Ngọc Cầm”.
Anh Ba Phú Yên
Tôi muốn kể về một con người khác cũng làm điều ở miền Trung đó là anh Trương Văn Ba. Anh em ngành điều thường gọi là anh Ba Phú Yên, người mà tôi đã từng đề cập trong “Thương quá điều ơi!” phần 1.
Anh nổi tiếng là người ít nói, cùng sinh hoạt trong Ban chấp hành với anh nhiều khóa, tôi thấy ít khi anh phát biểu, nhưng mỗi khi anh phát biểu, những vấn đề anh đưa ra đều rất thực tế, nóng hổi. Anh không nói lòng vòng cốt để được lòng mọi người. Hồi đó Công ty vật tư Tổng Hợp Phú Yên là đơn vị xuất khẩu hạt điều số 1 Việt Nam. Sau này anh Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam nói với tôi là khi đó mỗi lần đọc báo cáo tổng kết sản xuất kinh doanh của ngành điều Pygimaco luôn là số 1, xếp trên cả Olam Singapore. Anh Lương A thì cho tôi biết thời kỳ 2011 Pygimaco có đến 8 nhà máy ở tỉnh Phú Yên công suất chế biến lên đến gần 150 tấn một ngày. Anh còn cho tôi biết anh Ba là người nói ít làm nhiều và rất quyết đoán trong kinh doanh.
Anh xuất thân là cán bộ ở cơ sở, đi lên từ cơ sở nên anh có tư duy rất thực tế. Anh Đặng Văn Đức (anh Tám Đức) là người bạn rất thân với anh Ba nói với tôi anh Ba có tài tổ chức lắm, cứ theo cái cách anh sản xuất thì biết ở ngành điều Việt Nam anh Trương Văn Ba là người đầu tiên tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên. Khi ấy công ty Givico đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới là doanh nghiệp hàng năm đóng góp lớn nhất vào ngân sách của tỉnh.
Anh Nguyễn Mỹ
Nhưng người đầu tiên làm điều ở Phú Yên không phải là anh Trương Văn Ba mà là anh Nguyễn Mỹ. Anh là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau này trở về tham gia vào đoàn cải cách công thương nghiệp của tỉnh, rồi được phân công làm giám đốc công ty Dầu thực vật tỉnh. Sau đó thì đến với ngành điều vào năm 1994. Trong cuộc đời doanh nghiệp anh Ba cũng có rất nhiều thăng trầm, anh đã từng tham gia vào Ban chấp hành Vinacas nhiều khóa và là Phó chủ tịch. Trong kinh doanh anh thường bán hàng cho anh Long để anh Long bán cho anh Đường, Thới.
Anh thường ghé anh Học đàm đạo mỗi khi vào Sài Gòn. Thời kỳ ăn nên làm ra anh cũng đã từng giúp đỡ một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở Bình Phước và Tây Nguyên.
Anh Đào Văn Chân
Ở miền Trung còn có một nhân vật khác nữa cũng làm điều rất nổi tiếng chính là anh Đào Văn Chân. Anh Chân từng là Phó Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu miền Trung thời kỳ những năm 1990. Ngày tách tỉnh anh về làm giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Nông Sản Ninh Thuận (Nitagrex - Ninh Thuận). Cũng như anh Tám Đức ở Bình Dương anh là người sống có tình có nghĩa, tất cả hội viên dù là quen lâu hay mới quen ở Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh khác ra thăm anh đều đón tiếp rất ân cần chu đáo. Có lần tôi dẫn đoàn Cựu chiến binh Long An hơn 10 người đi du lịch ở Phan Thiết, Phan Rang, tối chúng tôi ngủ lại ở khách sạn Ninh Chữ, Phan Rang. Biết chuyện anh lo cơm nước cho đoàn chúng tôi. Đến tối lại còn mời được cả đoàn văn công người Chăm tới biểu diễn cho anh em Long An xem…
Ở dải đất miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều lắm những người làm điều giỏi như anh Hoàng - Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất cho anh Ba Phú Yên, anh Hoàng công ty Thực phẩm Đắk Lắk, anh Khiêm, Anh Việt, Anh Hải công ty Thực phẩm Lâm Đồng, anh Sum Bình Định, anh Quỳnh nông trường 722, anh Thủy công ty Mía Đường 333, Lương A, vợ chồng Phú - Thủy Ninh Thuận, anh Đăng Phú Yên, Anh Đức, anh Vượng ở Fatimex chỗ anh Cầm,… các anh hình thành nhóm người miền Trung - Tây Nguyên chơi với nhau rất vui.
Anh Nguyễn Phi Long - Giám đốc công ty Nam Long (Bà Rịa Vũng Tàu) kể: Hồi đó, các anh em thường niên luân phiên đăng cai tổ chức hội thi tay nghề "Bàn tay vàng" ngành điều, các nhà máy điều khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Cuộc thi tổ chức được bốn lần (lần đầu ở Bà Rịa Vũng Tàu, lần hai ở Ninh Thuận, lần ba ở Lâm Đồng và lần cuối ở Bình Định). Có lần tôi được các anh mời ra chơi cho biết. Được chứng kiến những người thợ giỏi ngành điều thi thố tài năng, ban đêm các anh tổ chức thi biểu diễn văn nghệ, cây nhà lá vườn thôi nhưng không kém phần hấp dẫn, có rất nhiều tiết mục ca ngợi cây điều rất ấn tượng. Trên sân khấu tôi thấy anh Long và người em của anh dẫn chương trình rất hay. Hồi đó anh Long là người mua điều của công ty Anh Mỹ, anh Sum, anh Chân, anh Việt xuất đi Trung Quốc qua khách của anh Đường người Lạng Sơn.
Bậc thầy trong chế biến điều xuất khẩu
Có một người tuy không phải sinh ra và lớn lên ở miền Trung, anh là người Sài Gòn nhưng đã gắn bó khá lâu với các nhà máy ở miền Trung với vai trò cố vấn kỹ thuật. Đó là anh Lê Công Thành, bậc thầy trong chế biến điều xuất khẩu. Anh bắt đầu nghiên cứu công nghệ chế biến điều cùng anh Nguyễn Văn Lãng (như tôi đã từng đề cập).
Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, sau đó anh là người trực tiếp chuyển giao công nghệ chế biến điều cho nhiều nơi như Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp trước khi ra miền Trung. Ở đây anh đã chuyển giao hoặc hoàn thiện công nghệ chế biến điều cho các công ty như Fatimex chỗ anh Cầm, nhà máy điều thuộc công ty Yến Sào Khánh Hòa, Nitagrex chỗ anh Chân. Đi tới đâu anh cũng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm ở đó một cách rõ rệt. Ở Phan Thiết anh Thành từng được anh Cầm tin tưởng cử đi Châu Phi kiểm lô hàng lên đến 15.000 tấn. Hay hồi ở Nitagrex anh Chân từng tuyên bố hôm nào anh không có mặt ở công ty thì anh Thành có quyền quyết định mọi việc.
Tôi quen biết anh Thành nhiều năm, phải nói anh là người số 1 về kỹ thuật chế biến điều ở Việt Nam. Ở miền Trung còn có một người khác là anh Hoàng làm điều chao dầu rất giỏi. Anh được coi là cánh tay phải của anh Trương Văn Ba và chuyên phụ trách sản xuất. Sau này những người học làm điều từ anh Thành và anh Hoàng đa số đã trưởng thành mở được công ty riêng làm ăn khá giả như anh em ở Long An, Bình Dương, Bình Thuận...
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép xã hội hóa các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.