Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:02 GMT +7
Nhà Waring và “tình yêu đặc biệt” với ngành điều Việt Nam
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1965, anh em nhà Waring ở xứ sở Kangaroo Úc châu xa xôi đã chập chững những bước đi đầu tiên trong ngành kinh doanh thực phẩm quốc tế. Cố Chủ tịch John Waring (cha đẻ của Michael Waring) cùng những anh em nhà Waring đã thành lập công ty gia đình có tên là Jorgenson-Waring Foods chuyên kinh doanh các loại hạt quả khô, dừa, trà và cà phê. Lúc đó ông John Waring chính là Chủ tịch kiêm sáng lập viên của Công ty Jorgenson-Waring Foods, viên gạch đầu tiên để xây lên nền móng vững chắc của Tập đoàn MWT Foods sau này.
Ông John Waring là người có “tình yêu đặc biệt” với ngành điều Việt Nam. Tôi còn nhớ lần gặp gỡ ông đầu tiên tại khu vực Balcony dành riêng cho các phòng ở cao cấp nhất (Club suites) tại Khách sạn 5 sao New World Sài Gòn năm 2008 sau khi kết thúc Hội nghị khách hàng quốc tế, mặc dù tuổi cao và phải chống gậy nhưng ông nói “Năm nào tôi cũng bay qua Việt Nam!”.
Sau này chuyến xúc tiến thương mại của VINACAS tại Úc châu vào tháng 5/2014, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch VINACAS nói là ông rất vui mừng và cảm động khi được nhận giải thưởng cao quý nhất của ngành điều là “Trống Đồng VINACAS”. Rồi ông giới thiệu chương trình “Hạt cho cuộc sống” (Nuts for Life) rất thành công của Úc với khẩu hiệu dễ nhớ là: “Hạt cho sức khỏe, mỗi ngày một nắm, chỉ 30 gam!”. Chương trình này góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa rất hiệu quả cho ngành hạt của Úc. Ông Thanh rất vui mừng vì thời điểm đó, VINACAS cũng đang triển khai chương trình “Giá trị điều Việt Nam”,…
Năm 1990, Tập đoàn MWT Foods (Úc) chính thức được thành lập do ông Michael Waring làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, cùng với người em là Andrew Waring, trong khi Chris Waring điều hành một doanh nghiệp nông nghiệp khác của gia đình Waring. Với sự hỗ trợ đắc lực của người cha quá cố, ông John Waring, MWT Foods đã mở rộng quan hệ đối tác và đại diện tại Mỹ và Việt Nam, nhanh chóng thành công và là doanh nghiệp tiên phong ở Úc trong xuất khẩu hạt mắc ca và hạnh nhân (almond) Úc đi khắp các thị trường ở châu Âu và châu Á. MWT Foods cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Úc trong nhập khẩu hạt điều và hạt mắc ca, óc chó từ Việt Nam (chủ yếu từ Công ty Donafoods Đồng Nai, trong đó mắc ca và óc chó thuê gia công). Hiện nay, MWT Foods đang đặt trọng tâm vào rổ hàng hóa gồm có: các loại hạt quả khô, các sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ quả dừa, bao gồm thực phẩm có chứng nhận hữu cơ,...
Công việc làm ăn thuận lợi, danh tiếng của tập đoàn vươn xa thế giới. Với tầm nhìn chiến lược và mối quan hệ ngoại giao được xây đắp từ nhiều thế hệ trong gia đình, ông Michael Waring đã được vinh dự bầu làm Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC) vào năm 2019. Ngoài ra, Michal Waring còn là thành viên sáng lập của Tổ chức xã hội – giáo dục “Hạt cho cuộc sống Úc” và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc. Ở phương diện gia đình, ông là người cha tốt trong gia đình với vợ và 3 đứa con hiện đang sinh sống tại TP.Melbourne - Úc. Ở dưới cửu tuyền, chắc bố ông, ông John Waring hẳn hết sức tự hào về người con trai giỏi giang của mình.
Người dẫn đường cho ngành cơ khí, chế tạo thiết bị chế biến điều ở nhiều nơi trên thế giới
Mùa hè năm 1997, Hiệp hội Điều Braxin (SINDICAJU) mời đoàn VINACAS sang dự Hội nghị điều quốc tế tổ chức tại Thành phố Fortaleza (Braxin). Fortaleza là thành phố ven biển nằm ở bờ Tây của Braxin, một thành phố theo cảm nhận của tôi là rất thanh bình và xinh đẹp.
Hội nghị điều quốc tế của SINDICAJU diễn ra trong 3 ngày: ngày 1 các đại biểu làm việc tại hội trường, ngày 2 đoàn được đưa đi tham quan nhà máy chế biến điều hiện đại của Braxin và Viện nghiên cứu cây điều của Braxin (EMBRAPA). Đoàn Việt Nam chúng tôi phấn khích nhất là khi đến thăm nhà máy chế biến điều của bạn. Từ xa, chúng tôi thấy 2 cột ống khói lớn màu trắng vươn lên cao. Vào đến nơi, chúng tôi được giới thiệu là công suất của nhà máy là 25 tấn hạt thô/ngày và chỉ có 200 lao động, ai cũng trố mắt trầm trồ khen ngợi.
Anh em chúng tôi được dẫn đi thay đồ, tham quan một số công đoạn chính của nhà máy. Qua phiên dịch, tôi biết rằng trị giá nhà máy này là 20 triệu USD, trong đó có nhiều thiết bị được nhập khẩu từ Ý hiện đại nhất thế giới; người bán máy cũng có mặt tại đây, đó là ông Stefano Massari (Ý). Nhưng cái mà chúng tôi quan tâm là giá thiết bị mắc quá mà tỷ lệ bể lại cao, lên tới 40%. Sáng hôm sau, tôi bàn với anh Cầm và anh Học là tại sao chúng ta lại không đặt hàng với Stefano Massari là chỉ làm máy phân loại hàng bể, như vậy sẽ tăng năng suất lao động ở khâu phân loại mà tỷ lệ bể thêm sẽ không đáng ngại; hai anh đồng ý ngay. Tôi kêu anh Sơn đến và đề nghị phiên dịch để chúng tôi làm việc với ông Stefano Massari.
Một lát sau ông ấy đến, đến giờ tôi vẫn không thể quên được cái đầu hói và đôi mắt to sáng, cùng giọng nói ồm ồm của ông ấy. Sau khi nghe chúng tôi trình bày về ý tưởng dùng máy bắn màu phân size để phân loại hàng bể, ông Stefano nói là ông làm được và đề nghị cho ông ấy ít thời gian để ông ấy tiến hành công việc. Bẵng đi một thời gian, tôi nghe thấy Donafoods, sau nữa là Fatimex, Thành Lễ,… đã nhập những chiếc máy này.
Năm 1998, Tổng Công ty Vinalimex tổ chức hội nghị điều tại thành phố biển Nha Trang. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Ngô Thế Dân chủ trì; đồng chủ trì còn có ông Nguyễn Văn Thạch – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vinalimex. Hội nghị bàn về giải pháp phát triển ngành điều Việt Nam. Bên lề hội nghị có chào hàng các loại máy (máy cắt tách, bóc vỏ lụa,…) của hãng Oltremare (Ý) do Tiến sĩ Stefano Massari giới thiệu.
Khi nghỉ giải lao thì có chuyện tranh luận nảy lửa giữa nhóm những người nghiên cứu Việt Nam của ông Nguyễn Văn Lãng đại diện và Tiến sĩ Stefano Massari. Ông Lãng cho rằng “thiết bị của Oltremare không làm được … trò trống gì ở Việt Nam!” vì một là giá thành máy quá cao, hai là tỷ lệ bể cũng vậy. Ông Stefano Massari thì lại nói rằng máy của ông được làm bằng Inox không gỉ, rất an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, máy lại có tuổi thọ cao gấp nhiều lần máy của các nơi khác.
Sau này, nhắc lại chuyện này, anh Nguyễn Trọng Tuấn cho biết: có lần trong một hội nghị, ông Lãng còn nói thẳng: “tôi thấy ở Việt Nam nhà máy nào mua máy của Oltremare làm ăn đều lỗ cả!”; ông Stefano Massari cũng không vừa, đáp lại: “lỗ thì có nhiều nguyên nhân, nhưng có một điều tôi dám chắc rằng anh chưa từng thấy những cỗ máy rất tốt của chúng tôi bởi họ sẽ không… mở cửa để anh vào xem”.
Năm 1999, tại TP. Hồ Chí Minh, tôi muốn đặt mua một dây chuyền sản xuất, chế biến điều của Oltremare (Ý) nên đã hẹn với ông Stefano Massari qua Việt Nam để thương thảo hợp đồng. Buổi đàm phán bên tôi có tôi, anh Hà Minh Phương, phía khách có ông Stefano Massari và anh Nguyễn Trọng Tuấn. Buổi làm việc diễn ra chân tình, cởi mở, một số điều kiện chính của hợp đồng được thống nhất nhưng đến phần việc “chuyển giao công nghệ, bảo trì, bảo dưỡng,…” thì ông Stefano Massari có vẻ lúng túng. Tôi thì cho rằng một mình kỹ sư Tuấn thì không thể chuyển giao máy, hai nữa tôi thấy anh Tuấn lúc đó cũng chưa thực sự giỏi về điều. Sau này, tôi khuyên ông là mở một xưởng cơ khí ở Việt Nam để đào tạo kỹ thuật và chế tạo máy ở Việt Nam luôn, như thế máy sẽ rẻ, khách hàng Việt Nam dễ chấp nhận hơn và quan trọng là ông sẽ có một đội ngũ kỹ sư Việt Nam để lắp đặt, bảo trì và chuyển giao công nghệ vì “chỉ người Việt Nam mới hiểu người Việt tôi nói”. Tôi thấy ông Stefano Massari cũng có vẻ gật gù, tâm đắc lắm. Có thể sau này, có một lúc nào đó, ông cũng sẽ thấy lời khuyên của tôi đúng ra sao. Khi ông thất bại cho hợp đồng ở công ty Nam Long (Bà Rịa – Vũng Tàu), cuối cùng ông cũng phải nhờ tới kỹ sư Phạm Đình Thanh vào cuộc thì nhà máy Nam Long mới đi vào hoạt động hiệu quả.
Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới, tôi thấy máy của Oltremare có mặt ở rất nhiều nơi: Mozambique, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nhà máy ở Việt Nam.
Tôi hỏi anh Tuấn là: “Vậy công lao của ông Stefano Massari đối với ngành điều Việt Nam là gì?”. Anh nói: “Có lẽ là ông đã mang đến cho Việt Nam một thế hệ máy với chất lượng rất cao”. Tôi đồng tình với anh về đánh giá này và bổ sung thêm là Tiến sĩ Stefano Massari đã là “người chỉ đường cho ngành cơ khí, chế tạo thiết bị chế biến điều ở nhiều nơi trên thế giới”. Bài học về thất bại trong kinh doanh máy móc thiết bị tại Việt Nam hôm nay chỉ là ông đã không hiểu được văn hóa của người Việt,…
Còn chúng ta đã có cơ duyên được gặp, làm việc và học hỏi rất nhiều điều ở “ông tiến sĩ có cái đầu hói” và sẽ không quên câu khẩu hiệu (slogan) của Oltremare: “Chế biến điều là một bộ môn nghệ thuật!”. Và chính những người Việt Nam chúng ta đang góp phần để nâng tầm bộ môn nghệ thuật này!
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép xã hội hóa các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.