Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:00 GMT +7
Nữ Đại biểu Quốc hội đầu tiên của ngành điều
Ngày 17/12/2020, chúng tôi lên thăm công ty Mỹ Lệ. Tiếp đón chúng tôi là anh Trần Văn Hoa chồng chị Mỹ Lệ và cháu Hiền con gái anh chị. Chúng tôi dùng trà và nói chuyện ở gian nhà khách trong khuôn viên công ty mang tên chị. Nơi đây tôi thường ghé thăm anh chị nhiều lần khi chị còn sống (chị Lệ mất ngày 30/6/2018). Cả chủ và khách đều rất buồn khi nhìn về những kỷ niệm của người quá cố. Đó là chiếc xe Đam và chiếc máy khâu để nơi phòng truyền thống của công ty.
Cháu Hiền nói: “Đây là hai kỷ vật đã gắn bó với mẹ cháu nhiều năm”. Cháu còn kể: “Mẹ con người An Giang, sau này lớn lên gặp bố là bộ đội lái xe Trường Sơn. Thời son trẻ mẹ cháu làm nghề mua bán ở chợ Phước Long, tối tối mẹ tranh thủ may vá và kiếm tiền chợ nuôi chị em cháu. Mùa thu hoạch điều mẹ dùng xe máy vào Sóc vào Buôn dùng vật tư đổi điều đem bán cho các đơn vị ở Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… những lúc rộ vụ, bố mẹ cháu đi thu mua điều suốt đêm, sáng lại đi giao điều cho người ta. Nhiều hôm gặp mưa quần áo ướt sũng, có lần mẹ té xe trầy xước hết mình mẩy…”.
Năm 1993 nhờ chí thú làm ăn anh chị Mỹ Lệ đã có một số vốn và bắt tay vào xây dựng nhà máy điều cho riêng mình. Nhà máy đặt tại thị trấn Phước Long, tỉnh Bình Phước (nay là thị xã Phước Long). Khỏi phải nói niềm vui của anh chị khi ấy thế nào? Vì ở Phước Long khi ấy chỉ có hai nhà máy, nhà máy Mỹ Lệ và nhà máy Thanh Tâm. Lúc khởi nghiệp chị chịu khó đến các nhà máy đi trước như Lafooco, Donafood, Vinalimex, Falimex… để học hỏi kinh nghiệm, xin giúp đỡ. Nhờ vậy mà hạt điều của chị luôn có chất lượng rất cao. Hơn nữa chị có lợi thế đứng chân ngay vùng nguyên liệu, mua được hàng mới, giá cả phải chăng. Anh Hoa chồng chị lại là người có nhiều sáng kiến trong sản xuất nên công ty nhanh chóng ăn nên làm ra.
Sau này do yêu cầu của khách hàng, chị đã mở rộng sản xuất dời nhà máy đến vị trí mới như hiện nay. Trong kinh doanh chị là người rất biết giữ chữ tín nên chỉ trong vài năm ngắn sản phẩm, tên tuổi của chị đã được nhiều công ty trong và ngoài nước biết đến. Trong đó có cả những công ty, tập đoàn lớn từ nước ngoài cũng không quản đường xa lên thăm công ty Mỹ Lệ mỗi lần họ đến Việt Nam mua hàng.
Chúng ta biết thời kỳ đầu của thập niên 1990 do sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên ngành công nghiệp chế biến điều Việt Nam phát triển rất mạnh, công ty chị nhiều năm liền hoạt động sản xuất kinh doanh thắng lớn. Chị dành thời gian và tiền bạc tham gia vào nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện, cũng như đóng góp nhiều vào ngân sách của tỉnh. Chính vì vậy mà công ty và bản thân chị đã nhận được nhiều phần thưởng lớn lao do tỉnh và Nhà nước trao tặng. Năm 2011 vinh dự lớn lao khi chị được Trung ương Mặt trận Tổ quốc giới thiệu và đã được bà con cử tri ở tỉnh Bình Phước bầu trúng cử làm Đại biểu Quốc hội khóa 13 (2011-2016) và chị đã trở thành người Đại biểu Quốc hội đầu tiên của ngành điều Việt Nam.
Ngày ấy, khi tôi và một số anh em lên viếng chị, trên đường về nhà tôi chợt thương nhớ người con gái ấy, trong lòng tặng em mấy vần thơ:
Nhớ em!
Ngậm ngùi đốt nén tâm nhang
Tiễn người bạn gái vô thường mà đi
Lửa thiêng vẫn cháy hàng đêm
Phước Long ở đó mà em đâu rồi!
Hương điều cùng với kiếp người
Hương tình thắm mãi tiết trời thanh xuân.
Ở Bình Phước còn nhiều người làm điều nổi tiếng khác như anh chị Sơn Thành (Anh Phùng Hữu Sơn và chị Nguyễn Thị Minh Thành) và chị Hà Mỵ.
Hà Mỵ là công ty luôn đi đầu trong các hoạt động gắn với quá trình xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Hiện tại công ty đang liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước với hơn 100 hộ thành viên của 5 hợp tác xã, tổng diện tích của 5 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn lên đến cả 1.000 ha. Hàng năm, chị đều tổ chức hỗ trợ giống để trồng tái canh cây điều cho các thành viên của mình.
Công ty Sơn Thành thì liên kết được với 3 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn với 450 thành viên, quản lý 2.700 ha điều. Hợp tác xã được thành lập ngày 05/10/2016 với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Gặp lại những người “muôn năm cũ”
Đó là chị Trần Thị Yến. Chị gốc quê Bình Dương, sau giải phóng lên Đắc Ơ, Bù Gia Mập lập nghiệp. Mùa điều năm 2018 đoàn công tác Vinacas chúng tôi đến khảo sát vườn điều của hợp tác xã Huyện Bù Gia Mập, một hợp tác xã đang tổ chức sản xuất kinh doanh điều organic của địa phương.
Đón chúng tôi là người phụ nữ đã lớn tuổi tên Yến - Giám đốc hợp tác xã. Khỏi phải nói là chúng tôi vui mừng như thế nào! Vì tôi và chị là người quen cũ sau hai mươi mấy năm mới gặp lại. Tôi thấy chị hơi mập và già đi nhiều, nhưng ánh mắt dường như không thay đổi. Đôi mắt to tròn nằm hơi sâu dưới hai gò má. Mọi người ngồi uống trà nói chuyện làm quen bên chiếc bàn tròn được kê ngay dưới tán điều.
Tôi nói về đề tài liên kết trồng điều organic, chị báo cáo là năng suất thấp quá. Năm 2017 năng suất bình quân cả hợp tác xã chỉ đạt khoảng 700kg/ha. Tiến sĩ Hoàng Tuấn cho rằng bà con chỉ nên trồng điều organic trên nền đất tốt, còn đất xấu, bạc màu thì không thể canh tác điều organic.
Buổi trưa hôm đó đoàn chúng tôi được hợp tác xã mời dùng cơm dưới tán điều. Mọi người chưa kịp nâng ly chúc sức khỏe thì người đàn ông khoảng 75-76 tuổi xuất hiện. Chị Yến quay qua tôi hỏi: “Anh Thanh có nhận ra ai không?” Tôi bị bất ngờ, cố lục tìm trong trí nhớ của mình xem ai. Đang lúc ấy chị nói: “Hai Trang đấy”. Hai Trang (tên trong là Nguyễn Văn Sinh), nguyên Chủ tịch UBND xã Đắc Ơ năm xưa. Anh Sinh đi lại hơi khó khăn. Tôi hỏi “Anh Hai khỏe không?” Hai Trang không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà hỏi lại: “Ông giám đốc khỏe không? Hôm nay có mang gạo lên đổi điều không?”
Ký ức về những ngày tổ chức thu mua điều ở Phước Long lại ùa về trong tôi. Đó là mùa vụ năm 1993 khi lên làm việc với anh Khang, anh Tâm (hợp tác xã mua bán Phước Bình). Tôi đã biết hạt điều Đắc Ơ chỗ hợp tác xã chị Yến có chất lượng rất tốt, tôi đặt vấn đề là muốn bao tiêu toàn bộ hạt điều nơi đây và đề nghị anh Khang giúp đỡ. Khang nói hiện giờ bà con dân tộc Stiêng trong ấy đang thiếu đói, lại giáp Tết sắp đến vụ thu mua điều, mình có gạo đem đổi cho đồng bào thì hay lắm. Tôi hỏi: “tỷ lệ đổi như thế nào?” Khang nói phải xin ý kiến ủy ban chỗ anh Ba Quyền (anh Ba Quyền hồi đó là Phó Chủ tịch UBND Huyện Phước Long). Tôi đề nghị “hai gạo một điều”.
Sau đó ít ngày tôi nhận được văn bản của hợp tác xã Phước Bình thông báo là huyện đã đồng ý phương án “đổi gạo lấy điều” của chúng tôi. Chuyện đến đây đáng lẽ cũng không có gì để nói nhưng sự thật là sau này chúng tôi không thu hồi được điều do bà con thiếu đói lại nghèo nên không có điều trả nợ, để công nợ dây dưa mãi đến vài năm sau. May mà nhờ thiện chí của cả hai bên và sự giúp đỡ của UBND huyện nên mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa. Hôm nay gặp lại anh chị, thú thật tôi vẫn rất nể trọng hai con người này vì họ đã gắn bó đến tận đoạn cuối cuộc đời với cây điều.
Có một người sống với điều như thế!
Cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 09 km về hướng Bắc theo quốc lộ 14, có một vườn điều 300 ha được hình thành và phát triển từ năm 1987 đến nay của 140 hộ nông dân trồng điều, được sản xuất theo mô hình liên kết khép kín từ chăm sóc, cải tạo vườn điều, thu hoạch, bán sản phẩm hạt điều. Ngoài ra họ còn tìm tòi phát triển các sản phẩm chế biến từ trái điều, hạt điều,… tạo ra một cộng đồng trồng điều với những nét rất đặc trưng, ấn tượng sâu sắc với tất cả mọi người đến thăm vườn điều này.
Điều tạo nên và duy trì vườn điều quy mô lớn phát triển đến ngày nay chính là tinh thần đoàn kết, tự giác của 140 hộ trồng điều nơi đây. Họ sản xuất theo một quy trình thống nhất, luôn hỗ trợ nhau trong chăm sóc, thu hoạch và bán sản phẩm. Từ rất sớm họ đã thành lập những tổ, đội làm việc tập trung, cùng nhau làm cỏ, thu hoạch luân phiên cho các hộ, kết quả năng suất điều luôn ổn định ở mức cao qua nhiều năm liền. Họ cùng nhau bán sản phẩm cho một đầu mối thu mua. Do sản phẩm thu hoạch sạch, ít tạp chất, có tổ đại diện bán sản phẩm tập trung nên giá bán của họ luôn cao hơn các hộ dân không liên kết.
Ấn tượng tiếp theo, đó là cộng đồng trồng điều nơi đây đã cùng nhau tìm tòi chế biến các món ăn từ trái điều, hạt điều rất phong phú. Đến nay trong bộ sưu tập đã có 100 món ăn từ điều, trong đó có 70 món ăn phục vụ người ăn chay. Nếu ai đã thưởng thức thì không thể quên được các hương vị tuyệt vời, đặc trưng của trái điều, hạt điều. Kết thúc mùa vụ hằng năm là lúc họ tổ chức một ngày hội với tất cả các món ăn chế biến từ điều để cảm ơn trời đất đã đưa cây điều đến với cuộc sống của họ. Các món ăn từ điều do chính những người nông dân nơi đây chế biến đã được giới thiệu, phục vụ tại các lễ hội, hội nghị, liên hoan lớn của Vinacas, của tỉnh Bình Phước tổ chức.
Đặc biệt nhất là nơi đây có cô nông dân Vưu Thị Mai luôn nhiệt tình, tận tâm chăm lo cho các thành viên trong cộng đồng, thường xuyên có mặt động viên, hướng dẫn, kết nối các thành viên trong cộng đồng an tâm chăm sóc vườn điều của họ. Cô Mai cũng là cầu nối để mời các chuyên gia, kỹ sư đến tư vấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho các thành viên trong cộng đồng, kiến nghị với chính quyền, đoàn thể thường xuyên hỗ trợ để cộng đồng trồng điều ngày càng phát triển.
Mỗi khi có các đoàn khách đến thăm, cô đều nhiệt tình dẫn đi giới thiệu từng khu vực, từng cây điều, cô có thể nói rất rõ về từng cây điều trong vườn điều rộng mênh mông này, như thể cô sinh ra vì sự phát triển của cây điều nơi đây suốt 24 năm qua. Cảm ơn cô - người nông dân trồng điều tiêu biểu - người mang các món ăn chế biến từ điều đến với mọi người - người cho chúng ta thấy trân quý hơn các giá trị từ cây điều mang lại cho con người.
Một lần, tôi cùng anh Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam (Vietking), chị Nguyễn Thị Lanh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lên thăm chị. Điều thú vị là chúng tôi đã được mắt thấy tai nghe và được dùng thử những món ngon từ điều nấu chay do đích thân chị làm như là gỏi điều, cà ri điều, sữa điều... Anh Trường An nói "Tất cả đều tuyệt vời".
Chị Mai còn chia sẻ với tôi nhiều bài thuốc được chị làm từ cây điều mà chị đang sử dụng để giúp bà con nơi đây…
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.