Thứ tư, 09/10/2024 | 19:18 GMT +7
Ngày 8/12, tại buổi tọa đàm về tăng cường thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và ông Nghê Nhạc Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư xuất khẩu thạch đen Việt Nam sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thạch đen là loại cây có tiềm năng phát triển rất tốt ở miền núi phía Bắc, nếu xuất khẩu được sẽ thu ngoại tệ rất tốt đồng thời tạo được sinh kế cho người dân và khai thác tiềm năng lợi thế đất đai thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền núi phía Bắc.
Ngoài ra, tọa đàm Tăng cường thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc cũng đã đạt được rất nhiều kết quả mang tính nền tảng.
Theo thống kê, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn cầu, đứng đầu trong khối các nước ASEAN. Trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc đã ký 13 văn kiện nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước. Hai bên cũng đã có sự bổ trợ chặt chẽ cho nhau để Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm như: thực phẩm, cây công nghiệp, rau quả nhiệt đới, thủy sản... Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng là vật tư và thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm ôn đới, hàng nông sản chế biến...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước hết phải khẳng định Trung Quốc là một thị trường nhập khẩu nông sản rất lớn của thế giới và là thị trường lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu nông sản. Năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 11 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 24% trong tổng số trên 40 tỷ USD nông sản xuất khẩu. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nên trong từng thời điểm bị gián đoạn thương mại xuất khẩu nông sản của chúng ta, tuy nhiên với cố gắng, quyết tâm của hai bên đã có những lựa chọn các hình thức gián tiếp thông qua họp trực tuyến để tháo gỡ các vấn đề.
Không chỉ đối với thạch đen mà hàng loạt sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… những bộ hồ sơ Việt Nam đã gửi sang phía Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có hình thức phù hợp nhất trong hoàn cảnh đại dịch Covid để ưu tiên lựa chọn các sản phẩm mà hai bên đang rất cần trao đổi.
Hai bên cũng đã thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa không chỉ thương mại nông sản mà còn hợp tác phát triển. Ví dụ cơ cấu giống lúa lai, một số tiến bộ khoa học kỹ thuật khác trong lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy sự phát triển hai bên đồng thời tăng cường công tác kiểm soát thương mại biên giới cả về kỹ thuật thương mại, kiểm dịch động thực vật và an toàn hàng hóa để khi luân chuyển không có những nguy cơ xẩy ra rủi ro bệnh tật đối với con người.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có một số sản phẩm có thể kiểm tra qua trực tuyến giám sát được như tổ yến vì không quá phức tạp về mặt kỹ thuật lẫn nguy cơ rủi ro. Tuy nhiên có những sản phẩm phải đánh giá nguy cơ rủi ro ngay tại thực địa thì chúng ta đang tìm kiếm thêm các giải pháp khác đề phòng đại dịch Covid còn kéo dài như sản phẩm trồng trọt, đánh giá nguy cơ rủi ro sản xuất trên đồng ruộng thì trực tuyến không bao hàm hết được nên chúng ta phải chia sẻ và cùng phía bạn tìm ra nhóm giải pháp mới. Tinh thần là hướng về nhau rất tích cực, cố gắng tìm giải pháp phù hợp nhất trên cơ sở đảm bảo an toàn, sớm thúc đẩy công nhận chính thức để thúc đẩy thương mại nông sản.
Trong phương thức chỉ đạo hai bên cũng đã thống nhất thành lập đường dây nóng để nếu phát sinh bất kỳ những vấn đề gì có thể chủ động nắm bắt tình hình một cách kịp thời để cùng nhau đưa ra giải pháp xử lý một cách triệt để và nhanh nhất. Thường niên sẽ có một chương trình trực tiếp hoặc gián tiếp trực tuyến để Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc có những chương trình nhằm điểm lại những điều đã cam kết với nhau, chủ động tháo gỡ những khó khăn, phối hợp với các bên liên quan để cùng tập trung làm sao các thương mại về nông sản sẽ được thúc đẩy một cách nhanh nhất, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu phát triển của khu vực nông nghiệp hai bên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, về những yêu cầu tăng cường kiểm soát nông sản từ phía Trung Quốc thì đây là yêu cầu chung chứ không cứ Trung Quốc. Chúng ta muốn xuất khẩu nông sản thì dứt khoát phải theo tiêu chuẩn quy chuẩn, làm đúng theo yêu cầu quốc tế từng nhóm thị trường.
“Chúng ta muốn phát triển bền vững, muốn đẩy nhanh xuất khẩu thì phải sản xuất theo chuỗi có kiểm soát căn cơ. Tự chúng ta phải đặt ra để tạo ra sản phẩm nông sản trước hết là phục vụ 100 triệu dân trong nước chứ không riêng gì xuất khẩu mới làm sạch cả. Tôi cho rằng đây là điểm tất yếu mà chúng ta phải tập trung bằng cách đẩy nhanh hơn tái cơ cấu theo hướng sản xuất chuỗi, giám sát từ khâu đầu vào, khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu tổ chức thương mại… Áp dụng khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu và hình thành sự liên kết trên cơ sở hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp để hộ thì nhỏ nhưng hình thành vùng liên kết lớn, vùng sản xuất tập trung có kiểm soát, có truy xuất, có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Có như thế chúng ta mới đảm bảo được mục tiêu sản xuất bền vững đúng như mong muốn, vừa phát triển vừa đảm bảo trụ cột về môi trường trụ cột về an sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
THÁI NGUYÊN Thay vì chạy theo sản lượng bằng các giống chè lai, nông dân tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên vẫn chung thủy lưu giữ và phát triển giống chè trung du bản địa.
TUYÊN QUANG Có 4 sản phẩm OCOP, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình (huyện Lâm Bình) là một trong những hợp tác xã có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Tuyên Quang.
ĐỒNG THÁP Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Tam Nông không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận ít nhất 30% mà còn thân thiện với môi trường sinh thái.
Người nông dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp, đó là mục tiêu Tây Ninh đặt ra dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ.