Thứ bảy, 01/06/2024 | 10:30 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 10:30, 22/05/2024

6.000ha dừa hữu cơ gắn với chế biến sâu để xuất khẩu

TRÀ VINH Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển vùng nguyên liệu dừa hướng hữu cơ lên 8.000ha, trong đó 6.000ha có chứng nhận để phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu.

Nhiều mặt lợi từ trồng dừa hữu cơ

Trà Vinh mặc dù là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn thứ hai cả nước với sản lượng trên 400 triệu quả mỗi năm nhưng chất lượng sản phẩm nhìn chung chưa cao.

Theo ông Lê Quốc Danh, Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh), nông dân địa phương đa số vẫn giữ thói quen canh tác dừa theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Thời gian qua, địa phương rất kiên trì vận động bà con tham gia các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) liên kết xây dựng chuỗi nguyên liệu dừa hữu cơ (organic).

Nông dân Trà Vinh đã có nhiều chuyển biến trong việc sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, bền vững, giá trị cao. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân Trà Vinh đã có nhiều chuyển biến trong việc sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, bền vững, giá trị cao. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo đó đến nay, đã có 372 hộ dân xã Bình Phú liên kết với HTX nông nghiệp Vạn Hưng (xã Bình Phú) trồng 288ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu. Mỗi năm, HTX này cung cấp khoảng 400 tấn dừa ra thị trường trong nước và liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm cho một số công ty xuất khẩu.

HTX nông nghiệp Vạn Hưng luôn đồng hành cùng bà con trồng dừa với mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Sự, Giám đốc HTX nông nghiệp Vạn Hưng cho biết: Để đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, người trồng dừa phải canh tác theo một quy trình chuẩn. Nông dân không được sử dụng phân bón, thuốc hóa học, đồng thời không chăn thả gia súc, gia cầm trong vườn dừa. Nguồn dinh dưỡng cho dừa được lấy từ phân hữu cơ, phân vi sinh, thuốc diệt cỏ lưu dẫn trong đất phải đảm bảo bằng 0%.

Nếu nông dân canh tác đúng quy trình, HTX thu mua dừa cho bà con với giá cao hơn từ 5 - 10 ngàn đồng/chục (1 chục = 12 trái) so với thị trường. Hiện HTX nông nghiệp Vạn Hưng còn bảo hiểm giá bán dừa cho xã viên tối thiểu 60 ngàn/chục, nếu cao hơn sẽ mua theo giá thị trường.

Ngoài ra, nhờ HTX hỗ trợ phân bón với số lượng 2 bao/ha và tập huấn cho nông dân sử dụng đúng cách nên đa số xã viên cho biết thời gian qua kết quả canh tác rất khả quan.

Như gia đình ông Nguyễn Thanh Thế ở ấp Phú Hưng 2 (xã Bình Phú) có 2ha dừa xiêm xanh. Mặc dù cây đã trên 15 năm tuổi nhưng vẫn ra lá xanh mướt và trái đậu đều, không bỏ cổ nhờ được bón phân chuồng.

HTX nông nghiệp Vạn Hưng hiện thu mua dừa hữu cơ cho bà con nông dân tại huyện Càng Long với giá cao hơn thị trường từ 5 - 10 ngàn đồng mỗi chục. Ảnh: Hồ Thảo.

HTX nông nghiệp Vạn Hưng hiện thu mua dừa hữu cơ cho bà con nông dân tại huyện Càng Long với giá cao hơn thị trường từ 5 - 10 ngàn đồng mỗi chục. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo ông Thế, nếu sử dụng phân hóa học thì cây dừa rất mau phát nhưng cũng mau xuống, vào mùa thường đậu ít trái. Ngược lại với phân hữu cơ, cây xanh tốt bền bỉ và năng suất trái về sau sẽ cao và đều đặn hơn. Nếu để ý, cây dừa được chăm sóc theo quy trình hữu cơ sẽ cho trái xốp hơn, dễ trốc hơn so với dừa bón phân hóa học.

Ông Thế lưu ý, kỹ thuật quan trọng nhất trong canh tác dừa hữu cơ là rải phân đúng cách. Nông dân cần nắm được đặc tính sinh học của cây dừa có hệ thống rễ tập trung tại gốc trong vòng bán kính từ 1,5 - 2m, ăn sâu vào đất 4 mét. Dựa trên đặc tính này, người trồng nên bón phân trong bán kính nơi có nhiều rễ dừa tập trung để cây hấp thụ phân tuyệt đối. Hiện mỗi tháng ông Thế chỉ phải tưới cho dừa hai lần, bởi ông dùng lá dừa khô tủ lên gốc nên ít bốc hơi nước.

Ông Thế chia sẻ: Trồng dừa hữu cơ phải theo quy trình rất khắt khe nhưng mang lại nhiều lợi ích về sau. Quan trọng nhất là không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, nông dân không cần "đau đầu" về đầu ra bởi có HTX  thu mua với giá cao. Hơn nữa, chủ vườn còn tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đầu vào bởi không phải tốn phân bón và thuốc hóa học. "Những năm tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục áp dụng cách trồng này", ông Thế nói.

Còn ông Lê Văn Ninh ở xã Tân Hòa (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) cho biết, khi mới chuyển sang trồng dừa hữu cơ ông còn hoài nghi bởi năng suất không cao do không sử dụng các loại phân hóa học mà chỉ bón các loại phân chuồng, phân vi sinh, các loại phân hữu cơ ủ hoai mục... Tuy nhiên sau một thời gian ông nhận ra, tuy không có tác dụng nhanh như phân hóa học nhưng năng suất dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn tương đương và có phần vượt trội hơn. Việc sử dụng các loại phân hữu cơ góp phần làm cho đất tơi xốp, giúp cây dừa chống chịu tốt với hạn, mặn.

Ông Ninh cho biết: "Nếu như trước đây mình sử dụng phân hóa học thì trái rụng sạch, trống trơn, chừng vài tháng buồng dừa không đậu trái nào. Từ khi sử dụng phân hữu cơ viên, lá dừa xanh lại thấy rõ, mùa này buồng còn đậu trái khoảng 30 - 50% so với những tháng bình thường. Giá dừa hữu cơ cũng cao hơn giá dừa thường 5 - 10 ngàn đồng/chục nên thu nhập cũng khá và ổn định hơn".

Công nhân của một doanh nghiệp tại Trà Vinh đang thực hiện công đoạn sơ chế trái dừa hữu cơ thành nhiều sản phẩm khác nhau. Ảnh: Hồ Thảo.

Công nhân của một doanh nghiệp tại Trà Vinh đang thực hiện công đoạn sơ chế trái dừa hữu cơ thành nhiều sản phẩm khác nhau. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo đa số nông dân trồng dừa hữu cơ tại ĐBSCL, một trong những lợi ích của việc canh tác hữu cơ là người trồng dừa có thể tự sản xuất phân hữu cơ bằng cách tận dụng phân chuồng tại địa phương như phân heo, bò, gà. Các loại phân này được ủ cùng với nấm trichoderma và pha trộn thêm các phụ phẩm như mụn dừa, tro, trấu, mạt cưa... để cải thiện khả năng hấp thụ của rễ dừa.

Ngoài ra, người trồng còn sử dụng ong nuôi ký sinh để kiểm soát sâu bệnh như bọ cánh cứng, sâu đầu đen thay vì sử dụng các loại thuốc hóa học có hại. Nhờ áp dụng canh tác hữu cơ, độ bền của cây dừa ngày càng tăng.

Mục tiêu 6.000ha dừa có chứng nhận hữu cơ

Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, tuy giá bán dừa tại các tỉnh ĐBSCL có thời điểm lên xuống thất thường nhưng một trong những ưu điểm của phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ là thay đổi tư duy canh tác của nông dân theo hướng liên kết, tập thể. Đồng thời, tạo tính lan tỏa trong cộng đồng về sản xuất an toàn, có trách nhiệm.

Trà Vinh có gần 90.000 hộ trồng dừa với hơn 7 triệu cây trên tổng diện tích gần 25.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành. Tỉnh có 13 vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đã được 4 doanh nghiệp xây dựng với tổng diện tích 4.012ha đạt tiêu chuẩn EU và USDA, trong đó 260ha đạt 6 tiêu chuẩn (châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Australia - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP).

Dừa hữu cơ luôn có giá bán cao hơn trên thị trường, đặc biệt là phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Ảnh: HT.

Dừa hữu cơ luôn có giá bán cao hơn trên thị trường, đặc biệt là phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Ảnh: HT.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, định hướng đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phát triển 8.000ha dừa hướng hữu cơ, trong có 6.000ha được chứng nhận hữu cơ. Tỉnh khuyến khích, ưu tiên doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ chế biến sâu, có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu để xây dựng nhà máy chế biến, phát triển liên kết với người sản xuất, cơ sở, HTX thực hiện thu gom và sơ chế dừa trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ người dân, HTX, THT trồng mới hoặc cải tạo vườn dừa hiện có; đăng ký, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các hộ, cơ sở trong đăng ký chứng nhận, đánh giá, quản lý vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, mua bán.

Trà Vinh cũng có chính sách hỗ trợ người trồng dừa theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài cây dừa, Trà Vinh cũng mở rộng trồng theo hướng hữu cơ trên cây lúa và một số cây ăn quả khác để góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Sự, Giám đốc HTX nông nghiệp Vạn Hưng khẳng định: "Với tiêu chí làm thật, bán thật, chúng tôi cam kết thu mua 100% sản lượng dừa của nông dân tham gia liên kết. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, tăng lên 600ha, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến sâu, tìm đối tác xuất sang thị trường quốc tế".

Hồ Thảo - Kiều Trang

Nấm mối đen trồng trong phòng lạnh: 'Đắt xắt ra miếng'

Nấm mối đen trồng trong phòng lạnh: 'Đắt xắt ra miếng'

TIỀN GIANG Được trồng trong phòng lạnh, 'nằm điều hòa' nên nấm mối đen cho chất lượng tuyệt hảo, giá bán lẻ hiện dao động từ 270 – 350 nghìn đồng/kg nhưng vẫn luôn hút người mua.

Chiêm ngưỡng vườn măng cụt siêu đẹp

Chiêm ngưỡng vườn măng cụt siêu đẹp

ĐỒNG NAI Canh tác hữu cơ, tạo thảm thực vật từ cỏ là cách anh Vương Thành Nam kiên trì chăm sóc, bảo vệ vườn măng cụt hữu cơ, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Kỳ tích trên những cánh đồng ở Hà Tĩnh

Kỳ tích trên những cánh đồng ở Hà Tĩnh

Những người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh đang mang lại nhiều điều kỳ diệu trên những 'cánh đồng chết' một thời.

Vườn chanh dây như khu du lịch sinh thái, đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu

Vườn chanh dây như khu du lịch sinh thái, đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu

GIA LAI Nhờ kiên định trồng theo hướng hữu cơ, vườn chanh dây của anh Bùi Văn Toại luôn tạo sự khác biệt về năng suất, chất lượng, đạt chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu.

Xem Thêm