Thứ hai, 29/04/2024 | 17:16 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 16:43, 19/04/2023

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt giữa 'cơn lốc' dịch bệnh

Khi nhiều người ngoảnh mặt lại với hồ tiêu bằng việc phá bỏ vườn cây thì ông Lục quyết tâm làm sống dậy cây trồng được mệnh danh 'vàng đen' một thời.

Kiên trì đưa “vàng đen” trở lại thời hoàng kim

Tháng 3 ở Tây Nguyên, dưới cái nắng như thiêu như đốt, mọi cây cối đều trở nên héo úa, mất sức sống. Thế nhưng, vườn cây trồng của nhà ông Nguyễn Tấn Lục (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lại đàng hoàng vươn lá, đón nắng gió.

Tiếp chúng tôi, ông Lục kể mình làm nông dân từ nhỏ đến lớn. Nhỏ thì làm với cha mẹ ở Quảng Ngãi, lớn lên lấy vợ thì làm ở huyện Chư Sê, nơi vốn được xem là “thủ phủ” hồ tiêu một thời. Thế rồi, cũng chính cây hồ tiêu đã làm cả “thủ phủ” điêu đứng khi hoàng loạt vườn tiêu chết dần, chết mòn. Thậm chí, đến cả cái trụ tiêu người dân cũng phải nhổ đem bán lấy tiền trả nợ...

Ong Nguyen Tan Luc ben vuon  san xuat cua gia dinh o xa Ia Hlop huyen Chu Se

Ông Lục bên vườn tiêu sản xuất hữu cơ. Ảnh: Tuấn Anh.

“Cũng may, nhờ quan hệ bạn bè tư vấn, giới thiệu nên tôi đã kịp thời chuyển sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ sớm, vì vậy cây hồ tiêu và các cây trồng khác trong vườn vẫn phát triển rất bền vững”, ông Lục chia sẻ.

Dạo bước quanh khu vườn, những cây hồ tiêu thân to bằng cổ tay bám chặt vào trụ như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cây tiêu theo thời gian. Trong khi phần lớn những mảnh vườn ở huyện Chư Sê hiện nay người dân đã thay thế bằng các loại cây trồng khác thì chỉ duy nhất vườn tiêu của ông Lục không bị cơn bão dịch bệnh phá huỷ.

Ông Lục kể, bắt đầu từ năm 2015, ông đã chuyển dần sang làm nông nghiệp hữu cơ để tiết kiệm chi phí, nhờ đó vườn của ông xanh mát quanh năm. Việc chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ giúp đất ngày càng tơi xốp, các loại cây trồng gần như không bị bệnh. Trong khi, nếu chỉ sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì cây tiêu sẽ rất dễ nhiễm bệnh, nhanh chết.

“Kinh nghiệm làm nông nghiệp của tôi trong hơn 30 năm qua là dùng phân bón hoá học quá nhiều sẽ bị chai đất, phục hồi kém. Thêm nữa, giá cả phân bón hoá học ngày càng cao, trước đây khi chưa sản xuất theo hướng hữu cơ, mỗi năm gia đình tôi phải mất một nửa chi phí vào đầu tư phân bón”, ông Lục chia sẻ.

Từ khi chuyển sang làm phân bón hữu cơ, mọi nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát rất tốt. Trong đó, ông Lục đã tận dụng những phế phụ phẩm từ cây bơ, chuối ở nhà trồng sẵn kết hợp với đạm cá, men vi sinh bản địa, sữa chua, để từ đó cho ra công thức làm nên sản phẩm phân hữu cơ “trứ danh” của riêng mình. Để chứng minh sự an toàn của phân bón hữu cơ, ông Lục tự tin đưa lên miệng nếm thử trước mặt các du khách đến tham quan.

1. Ông Nguyễn Tấn Lục kiểm tra thùng men vi sinh hữu cơ đang được ủ trong vườn

Ông Lục kiểm tra thùng men vi sinh hữu cơ. Ảnh: Tuấn Anh.

“Từ khi làm phân hữu cơ đến giờ, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí cho phân bón. Do là phân nước nên cây trồng cũng hấp thụ nhanh. Ngoài ra, phân hữu cơ đảm bảo dinh dưỡng nên cây trồng cũng cho năng suất cao, ít bị bệnh, lại an toàn cho người sản xuất”, ông Lục chia sẻ thêm.

Mặt khác, để tránh thất bại từ bài học tiêu chết vì sâu bệnh, ông Lục không ngừng sáng tạo học hỏi, tìm tòi thêm các loại chế phẩm hữu cơ để phòng trừ sâu bệnh làm từ tỏi, ớt và rượu.

Với 2ha đất của gia đình, ông Lục hiện trồng xen 3 loại cây chủ lực với 1.600 trụ tiêu, 1.200 cây cà phê và khoảng 100 cây sầu riêng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm các loại cây ngắn ngày như chanh dây, đậu phộng trên diện tích đất tái canh, đất trống.

Ông Lục lý giải, tán lá của cây sầu riêng tạo độ che bóng mát cho đất, do đó cây không bị nắng nóng, héo lá như những vườn khác. Nhờ bố trí trồng xen các cây trồng hợp lý mà vườn cây của ông có thu hoạch quanh năm. Trong đó, tháng 9 thu hái sầu riêng, tháng 11 thu hái cà phê và tháng 3 hoạch thu tiêu. Do đó, kinh tế của gia đình ông cũng khá giả hơn nhiều so với những gia đình khác khi độc canh một loại cây.

Hiện nay, nhờ tìm hiểu sâu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên nên ông Lục đã “từ chối làm cỏ” để nuôi dưỡng và giữ độ ẩm cho đất. Từ đó, thu hút và sinh sôi các loại vi sinh vật, côn trùng có chức năng bảo vệ cây trồng. Hàng năm, ngoài bón phân bò, ông còn tự tay sản xuất phân hữu cơ nước để phun trực tiếp lên lá.

“Mỗi năm, thu hoạch từ các loại cây trồng giúp gia đình thu về khoảng gần 400 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập tương đối ổn định và được luân phiên hợp lý trên mảnh vườn 2ha của gia đình”, ông Lục bộc bạch.

Quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 50

Cũng nhờ tham quan và học hỏi từ những hiệp hội, HTX cũng như các mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, thân thiện với môi trường nên từ cuối năm 2022, ông Lục đã mày mò làm ra các sản phẩm chế biến từ tiêu xanh.

9b60c6f8e43f3e61672e

Tiêu hữu cơ có chất lượng vượt trội. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Lục quan niệm: “Cái gì trồng xong rồi bán thô thì mãi cũng chỉ đủ để kiếm cơm. Chính vì thế, tôi đã làm ra các sản phẩm tiêu sữa, tiêu xanh ủ muối, tiêu xanh một nắng và đang tiến tới là tiêu sọ. Phải quyết tâm làm thì mới nên sự nghiệp được".

Ông Lục cho biết, may mắn của ông là được tham gia nhiều hội thảo về nông nghiệp, hội nghị về sản phẩm OCOP và những chương trình tuyên truyền về khởi nghiệp nông nghiệp do các hiệp hội tổ chức. Nhờ đó, ông đã có định hướng và quyết tâm làm những sản phẩm nông nghiệp để khởi nghiệp ở tuổi 50.

Để chế biến sâu những sản phẩm từ tiêu xanh, tiêu phải được hái đúng thời điểm, hạt sọ không bị già quá. Sau đó, được xử lý, rửa vệ sinh qua nước muối, phơi ráo nước. Tiêu một nắng phải phơi cho vừa độ héo để khi ăn sẽ còn hương vị cay, dai của tiêu. Sau cùng, tiêu được đưa vào lọ thủy tinh cộng với công thức pha chế mà ông học hỏi được. Với sản phẩm này, ông Lục cam kết không dùng bất cứ một loại hoá chất nào.

Được biết, một số sản phẩm đầu tay hiện đã đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các mối quan hệ, giới thiệu của bạn bè và kênh mạng xã hội. Bước đầu, người tiêu dùng đã có những đánh giá tốt khi dùng sản phẩm.

Trước phản hồi tích cực của người tiêu dùng, để duy trì sản xuất, gia đình ông Lục đã mua máy đóng nắp và các trang thiết bị khác chuẩn bị cho sản xuất theo hướng công nghiệp.

c5c29dffea3b3065692a

Ông Lục bên cạnh các sản phẩm tiêu chế biến sâu. Ảnh: Tuấn Anh.

Đánh giá về năng lực khởi nghiệp của ông Lục, ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại - Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để nói về thành công với mô hình của ông Nguyễn Tấn Lục còn quá sớm. Tuy nhiên, ông Lục đã biết phát huy sở trường của mình trong nông nghiệp để khởi nghiệp.

“Kế thừa truyền thống và kiến thức làm nông nghiệp đã giúp ông Lục mạnh dạn khởi nghiệp với cây “vàng đen” một thời ở Tây Nguyên. Hiện các sản phẩm đã được hoàn thành nhãn mác và kiểu dáng. Ông Lục đang tiến tới thành lập doanh nghiệp, mua máy móc phục vụ cho việc sản xuất và đóng gói sản phẩm”, ông Dũng cho biết.

Đối với sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Tấn Lục được xem là điển hình về thực hành nông nghiệp hữu cơ với sự kiên trì và sáng tạo. Đến nay, mô hình của ông Lục đã được nhiều nông dân ở Gia Lai, Kon Tum tới học hỏi. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ và chuyển giao kinh nghiệm sản xuất phân bón hữu cơ miễn phí cho rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Nhu cầu của người dân cần làm và sử dụng phân hữu cơ cũng đang phát triển mạnh, do đó ông Lục đang cân nhắc thời gian tới sẽ giúp bà con lan tỏa hơn nữa việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Tuấn Anh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

BÌNH ĐỊNH Toàn bộ sản phẩm bưởi, hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu, nhà vườn không phải lo đầu ra…

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm