Thứ năm, 21/11/2024 | 16:22 GMT +7
Ông Bùi Văn Quyển (làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, Kon Tum) là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” do Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, được nhiều người dân của tỉnh Kon Tum biết đến và và là gương điển hình về sản xuất nông nghiệp giỏi.
Rời quê hương Hà Tây (cũ) vào sinh sống, lập nghiệp tại xã Ya Ly từ những năm 1990, gia đình ông Quyển đã làm đơn xin huyện 5ha đất để khai hoang trồng cây cao su. Cao su phát triển tốt, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên 30ha sau gần 10 năm bám trụ.
Những năm sau này, nhận thấy cây cao su dù cho thu nhập ổn định nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao so với các loại cây ăn quả nên ông Quyển đã tính đến bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Năm 2017, sau khi bàn bạc cùng gia đình, ông quyết định chuyển đổi 20ha cao su già cỗi sang trồng cây sầu riêng. Ngay từ đầu xác định chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ nên ông không sử dụng phân bón hoá học.
Theo ông Quyển, yếu tố quan trọng nhất để ông theo đuổi sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ trước hết là bảo vệ sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng và không gây độc hại cho môi trường.
Xác định trồng theo hướng hữu cơ, gia đình ông đã nuôi hàng chục con bò để lấy phân bón cho vườn sầu riêng. Tuy nhiên, nguồn phân bò lúc bấy giờ cũng không đủ để bón cho cả vườn sầu riêng rộng hơn 20ha của gia đình. Sau đó, ông đi khắp các thôn, làng để mua thêm phân bò của người dân, đồng thời sử dụng các chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) để ủ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho vườn cây. Mặt khác, ông tìm hiểu để mua các loại phân hữu cơ ngoài thị trường, chủ yếu là nhập khẩu.
“Gia đình chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Bỉ… đạt các tiêu chuẩn của các tổ chức thế giới về organic. Trong các loại phân bón này, người ta cũng sử dụng các chế phẩm vi sinh vật bản địa, không tồn dư chất hóa học nên khi đưa vào sử dụng cho vườn cây rất hiệu quả”, ông Quyển chia sẻ.
Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phân hữu cơ, ông Quyển cho biết, vườn sầu riêng của gia đình phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh tấn công. Đặc biệt, sử dụng phân bón hữu cơ cho chất lượng quả sầu riêng tốt hơn.
“Mùa vụ vừa rồi, ở các nơi sầu riêng bị sượng cơm rất nhiều nên gần như khó tiêu thụ. Trong khi đó, vườn sầu riêng của gia đình cũng bị ảnh hưởng thời tiết nhưng chất lượng vẫn rất tốt, được mọi người khen ngon”, ông Quyển chia sẻ.
Sau khi thành công với việc trồng theo hướng hữu cơ, ông Quyển quyết định sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tham dự chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được công nhận OCOP 3 sao.
Không những vậy, vườn sầu riêng của gia đình đã được cấp mã số vùng trồng cho hơn 20ha. Cuối năm 2022, toàn bộ diện tích sầu riêng của ông được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mùa vụ vừa qua, vườn sầu riêng thu hoạch với khoảng 2.000 cây, cho năng suất 300 tấn, giá bán tại vườn 67.000đ/kg, tổng doanh thu khoảng hơn 20 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, gia đình ông Quyển thu lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình ông Quyển còn có 12ha cao su trồng từ năm 2004 - 2005, hiện nay đang cho thu hoạch với lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, ông còn 2,5ha cây mắc ca trồng năm thứ ba và 0,8ha cây hồ tiêu chưa cho thu hoạch.
Ông Vũ Ngọc Hòa, Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum) cho biết, vườn sầu riêng của gia đình ông Quyển đã phát triển theo đúng định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này góp phần làm thay đổi nhận thức trong cán bộ và người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung về nông nghiệp hữu cơ. Từ đó lan toả trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...