Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:32 GMT +7
Đảo Bầu rộng gần 80ha, nằm trên địa phận 2 xã của huyện An Lão (TP Hải Phòng) là Mỹ Đức và Thái Sơn. Đây từng là khu vực cù lao ven sông Văn Úc, đồng thời vùng đất chua phèn, không thích hợp trồng trọt và giao thông không thuận tiện nên bị người dân địa phương quên lãng nhiều năm do canh tác không đem lại hiệu quả kinh tế.
Từ khi ông Bùi Minh Họa về đây đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, qua gần 10 năm miệt mài cải tạo đắp bờ, bơm bùn, rửa chua, tạo mặt bằng sản xuất, khu vực đảo Bầu bỏ hoang năm xưa đã được phủ xanh bởi những vườn cây ăn trái với đủ các loại cây đặc sản vùng miền.
Biết được thế mạnh của đảo Bầu được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi và là người may mắn gắn bó với nơi này nên ông Họa luôn tâm niệm phải có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường và thiên nhiên ở đây.
Do đó, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên đảo Bầu đều được quán triệt thực hiện theo phương pháp hữu cơ để bảo vệ đất sản xuất, nguồn nước và môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phương châm “hòn đảo không hóa chất”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực trồng cây ăn quả trên đảo, anh Nguyễn Văn Thắng, cán bộ kỹ thuật trồng trọt tại đảo Bầu chia sẻ, trong gần 80ha trang trại, hiện nay có gần 10ha được dành để trồng các loại cây ăn quả như: Ổi lê, bưởi, nhãn, vải thiều, chuối… Trong đó, nhiều nhất là ổi lê với diện tích lên đến 5ha.
Với phương châm “không hóa chất” nên quá trình canh tác, thay vì sử dụng các loại phân hóa học, các cán bộ kỹ thuật sẽ xay đỗ tương và ngô rồi ủ lên men để bón cho cây. Việc phòng trừ sâu bệnh tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV mà chỉ dùng chế phẩm thảo mộc chế từ hỗn hợp ớt giã nhuyễn, tỏi, lá xoan để phun cho cây trồng.
Những chế phẩm này không hoàn toàn diệt sạch được sâu bệnh hại nhưng lại an toàn với môi trường, với người canh tác, mặt khác giúp tạo ra quả ổi sạch, không bị nhiễm hóa chất độc hại từ các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học.
Để bảo vệ quả ổi trước sinh vật gây hại, trang trại áp dụng biện pháp bao quả. Khi ổi ra trái một thời gian ngắn sẽ dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nilon bọc bên ngoài trái để hạn chế sâu bệnh. Sau 2 tháng tiến hành bọc nilon, trái ổi có thể thu hoạch. Ổi lê có tỷ lệ đậu quả cao và cho thu hoạch từ 3 - 4 vụ/năm nêu hiệu quả kinh tế khá cao.
Vào vụ thu hoạch, có ngày vườn ổi bán được 4 - 5 tạ quả cho các cửa hàng nông sản trên địa bàn TP Hải Phòng và khách du lịch đến đảo Bầu trải nghiệm có nhu cầu mua về sử dụng, làm quà.
“Đây là vùng đất chua mặn, cây cối tuy khó chăm nhưng trái cây khi thu hoạch đều ngon hơn trồng ở những vùng đất khác, vị đậm đà và giòn hơn, ai ăn rồi cũng thích”, anh Nguyễn Văn Thắng, cán bộ kỹ thuật trồng trọt tại đảo Bầu chia sẻ.
Theo quan sát, tại vườn ổi lê cỏ tốt um, không có dấu hiệu bị can thiệp bởi thuốc trừ cỏ. Trên những cây ổi trĩu quả xuất hiện khá nhiều vết lỗ chỗ do sâu bệnh để lại. Tuy không dùng thuốc BVTV nhưng về thẩm mĩ quả ổi khá ổn, không bị ong châm hay sần sùi, teo tóp. Ổi chín sáng màu, căng mọng, quả to khoảng 5 lạng, quả bé từ 3 đến 4 lạng.
Để minh chứng cho quy trình canh tác an toàn, anh Thắng với tay hái 1 trái ổi căng mọng, lột lớp vỏ bọc bằng xốp ra và cắn mạnh, nhai trệu trạo vài cái rồi nuốt ực. Tiện tay, anh cũng hái thêm 1 trái khác đưa cho tôi và mỉm cười: “Ăn đi, không vấn đề gì đâu, ngày nào tôi cũng ăn vài trái đấy”.
"Xử" nhanh quả ổi, cảm nhận đầu tiên đó là vị ngọt lạ, thanh mát, vỏ ổi giòn, màu sắc sáng bắt mắt và tuyệt nhiên không có mùi hôi hay vị khác gây khó chịu.
“Việc phun bằng chế phẩm thảo mộc tự chế có hạn chế là không diệt trừ sâu bệnh được triệt để như thuốc hóa học. Tuy nhiên sản phẩm làm ra theo quy trình hữu cơ rất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, người trực tiếp sản xuất cũng như luôn duy trì được môi trường xanh, sạch”, anh Thắng chia sẻ thêm.
Với điều kiện tự nhiên phù hợp, cùng với định hướng phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái, không chỉ với trái ổi, thời gian tới, đảo Bầu hứa hẹn sẽ còn cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn tới cộng đồng.
“Tôi rất muốn mọi người khi đến với đảo Bầu đều cảm thấy được hòa mình vào thiên nhiên, tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều "nói không" với hóa chất, mọi người đến vườn đều có thể yêu tâm hái quả để sử dụng, thậm chí là ăn luôn sau khi hái từ trên cây. Mong rằng trên đất nước ta sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giúp mọi người tránh được những bệnh nguy hiểm do tồn dư hóa chất ở nông sản gây ra”, ông Bùi Minh Họa, chủ trang trại đảo Bầu bày tỏ.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.