Thứ bảy, 04/05/2024 | 04:58 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 19:00, 24/01/2022

Ước mơ về một làng nông nghiệp tử tế

Anh cùng vợ đi xuyên Việt hàng tháng trời để tìm hiểu về 'nông nghiệp lười', rồi đưa cả gia đình về quê với ước mơ hình thành nên một làng nông nghiệp tử tế.

Hành trình xuyên Việt

Anh Nguyễn Quốc Nam (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) có thời gian công tác nhà nước gần 20 năm và đặc biệt là công tác thanh niên cấp tỉnh ít nhất cũng ngót 25 năm. Thời gian này, đã cho anh nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc biệt là khi trực tiếp tham gia các dự án về môi trường và khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn.

Anh Nguyễn Quốc Nam (thứ 3, từ trái qua) cùng các thành viên thực hiện dự án tại khu vườn rừng, trồng các loại cây bản địa và cây dược liệu để thu hoạch, chế biến thuốc Nam. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Quốc Nam (thứ 3, từ trái qua) cùng các thành viên thực hiện dự án tại khu vườn rừng, trồng các loại cây bản địa và cây dược liệu để thu hoạch, chế biến thuốc Nam. Ảnh: Trung Chánh.

Xuất thân từ nhà quê, đi học và tìm việc làm, anh Nam đã có một vị thế mà nhiều người mơ ước. Là cán bộ quy hoạch nguồn, được tổ chức phân công về cơ sở làm Phó Bí thư Huyện ủy, chuẩn bị cho cuộc trở về cấp tỉnh, ít ra cũng là lãnh đạo một sở, ngành nào đó.

Nhưng thật bất ngờ, khi đang trên đà thăng tiến, anh lại nộp đơn xin nghỉ việc. Thuyết phục không được, làm công tác tư tưởng cũng không xong, tổ chức đành chấp nhận. Thoát cảnh bó thân với công việc, anh quyết định làm chuyến đi xuyên Việt để mở rộng tầm nhìn, chọn hướng đi mới khi đã qua nửa đời người.

Cuối năm 2019, sau 3 ngày suy nghĩ và chuẩn bị, anh Nam cùng bà xã Nam Khanh và một người em nữa đã "phượt" xuyên Việt 60 ngày, rong ruổi khắp các nẻo đường, đi thăm các nông trại, làng nghề, các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng từ Nam ra Bắc, đến địa đầu của Tổ quốc... Trong chuyến đi ấy, anh đã có dịp được gặp gỡ các chuyên gia, các bạn trẻ “bỏ phố về rừng”, đặc biệt là nông dân ở khắp nơi trên hành trình đi qua.

Anh Nguyễn Quốc Nam cùng bà xã Nam Khanh giới thiệu các sản phẩm của địa phương vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Quốc Nam cùng bà xã Nam Khanh giới thiệu các sản phẩm của địa phương vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

“Tôi nhận ra rằng chưa có nơi đâu đẹp bằng đất nước ta và cũng chưa có nơi đâu nhiều tiềm năng, tài nguyên nông nghiệp bị lãng phí như ở nước ta. Việc trở về sống với tự nhiên có người thành công, có người thất bại nhưng nhìn chung khó khăn thì rất nhiều, không màu hồng như mọi người tưởng. Đã có không ít người vì 2 chữ... “đam mê” mà phải bán nhà, bán đất, lâm vào cảnh nợ nần. Thật may, chuyến đi này tôi đã tìm được lời giải cho quyết định của mình”, anh Nam chia sẻ.

Về quê làm "nông nghiệp lười"

Trở về sau chuyến hành trình dài xuyên Việt, anh Nam quyết định chọn vùng đất U Minh Thượng để thực hiện ý tưởng của mình với tên gọi Rừng Nam Farm. Công việc đầu tiên là tìm mua đất diện tích đủ lớn, mướn xe cuốc vào múc mương, lên liếp theo quy hoạch của mình.

Xong việc, anh bỏ hoang cả năm trời để cho cỏ cây tự nhiên mọc, phủ kín mặt đất. Sau đó, anh dùng chính lớp thảm thực vật này để cải tạo đất phèn, tăng độ phì nhiêu cho đất, sau đó mới tiến hành tiến hành trồng cây. Cách làm này thời điểm đó không ít người cho là “điên rồ, bỏ phí đất đai...

Nhóm 'Tre Mỡ' tại U Minh Thượng mới được tròn 15 tháng tuổi nhưng đã sưu tầm, trồng và bảo tồn được 150 loài cây, gồm nhóm thảo dược, cây ăn quả và cây sinh khối. Ảnh: Trung Chánh.

Nhóm “Tre Mỡ” tại U Minh Thượng mới được tròn 15 tháng tuổi nhưng đã sưu tầm, trồng và bảo tồn được 150 loài cây, gồm nhóm thảo dược, cây ăn quả và cây sinh khối. Ảnh: Trung Chánh.

Trên mảnh đất rộng nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, anh Nam đã thực hiện mô hình vườn - rừng Syntropic (nông lâm kết hợp) nhằm xây dựng hệ sinh thái môi trường bền vững, kết hợp với bảo tồn văn hóa địa phương, bảo tồn các giống cây, dược liệu, động vật bản địa.

Theo anh Nam, nông nghiệp sinh thái được đánh giá là phương thức trồng trọt cao nhất trong những mô hình nông nghiệp bền vững. Đặc điểm của nông nghiệp sinh thái là sử dụng những phương pháp tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái như trồng rừng, không cày bừa, trồng đa canh và đặc biệt là thuận theo tự nhiên.

Theo đó, Rừng Nam Farm sẽ là nơi học tập, nghiên cứu, thực hành sống thuận nhiên cho các thành viên. Đồng thời chia sẻ các giá trị đó với cộng đồng nhằm truyền cảm hứng sống tử tế, góp phần vì một Việt Nam xanh. Hiện có nhóm bạn sinh viên mới ra trường đang thực hiện dự án với tên “Tre Mỡ”, trồng vườn thuốc Nam tại đây. Nhóm quy tụ các bạn ở nhiều nơi về đây cùng thực hiện như: Võ Quốc Lập (Đồng Tháp), Lê Thị Thu Thủy (Vĩnh Long), Cao Thiện Chí (TP Cần Thơ), Trần Thị Quỳnh Chính (Bình Định)…

Các thành viên nhóm ‘Tre Mỡ' sưu tầm, trồng và chăm sóc các loại cây bản địa trong khu vườn rừng. Ảnh: Trung Chánh.

Các thành viên nhóm ‘Tre Mỡ” sưu tầm, trồng và chăm sóc các loại cây bản địa trong khu vườn rừng. Ảnh: Trung Chánh.

Thành viên nhóm Lê Thị Thu Thủy cho biết: “Chúng em đều là thế hệ 9X, tốt nghiệp nhiều ngành học khác nhau từ Đại học Cần Thơ, nhưng có chung đam mê về nông nghiệp nên khi biết có dự án Rừng Nam Farm đã quy tụ về đây làm vườn rừng. Nhóm Tre Mỡ - Vườn thuốc Nam là tổ chức phi lợi nhuận, với mong muốn truyền cảm hứng kết nối con người với thiên nhiên".

Đến nay, nhóm Tre Mỡ tại U Minh Thượng mới tròn 15 tháng tuổi nhưng đã sưu tầm trồng và bảo tồn được 150 loài cây, gồm nhóm thảo dược, cây ăn quả và cây sinh khối. Ngoài ra, tại vườn còn có nhóm cây tái sinh tự nhiên gồm 50 loài.

Theo bạn Thu Thủy, nhiệm vụ của nhóm là sưu tầm, trồng và chăm sóc các loại cây bản địa trong khu vườn rừng, thu hoạch và chia sẻ hạt giống cho những ai có nhu cầu. Trồng và sơ chế các loại cây thuốc Nam để cung cấp cho những nơi khám, chữa bệnh từ thiện.

Tạo và thiết kế các video về cách xây dựng vườn rừng, chia sẻ, giúp những ai mới bắt đầu làm mô hình này, hạn chế những sai sót, thất bại do không nắm rõ kỹ thuật. Nghiên cứu, chế biến nâng cao giá trị các sản nông nghiệp địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập...

Lan tỏa nông nghiệp tử tế 

Trong hành trình xuyên Việt, với mong muốn tìm hiểu hiểu phong trào “Cọng rơm” của cả nước hiện nay như thế nào, anh Nguyễn Quốc Nam đã may mắn biết đến Liên minh Nông nghiệp tử tế. Và cũng từ chuyến đi này, anh đã học được kỹ thuật nhân giống vi sinh vật bản địa (IMO).

Anh Nguyễn Quốc Nam (bên phải) đã dành nhiều thời gian truyền đạt, chia sẻ cách làm IMO ở vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Quốc Nam (bên phải) đã dành nhiều thời gian truyền đạt, chia sẻ cách làm IMO ở vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Trở về địa phương, anh Nam đã dành nhiều thời gian truyền đạt, chia sẻ cách làm IMO khắp nơi, nhất là quê hương vùng U Minh Thượng, để ứng dụng vào cuộc sống, sản xuất nông nghiệp. Nhiều người đã hưởng ứng, làm theo, tạo ra phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, cá tạp, làm chất tẩy rửa, khử mùi trong chăn nuôi, xử lý phân chuồng, xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm rất hiệu quả.

Anh Nam chia sẻ mơ ước của mình về xây dựng một làng nông nghiệp tử tế, thông qua các hoạt động kết nối với người dân địa phương. Cụ thể, Rừng Nam Farm với hoạt động giáo dục, đại diện cho Liên minh Nông nghiệp tử tế ở phía Nam. Kết nối, tổ chức các sự kiện do Liên minh Nông nghiệp tử tế khởi xướng và do Rừng Nam Farm phối hợp tổ chức, bằng mô hình "nông nghiệp lười", nông nghiệp minh bạch, nông nghiệp tử tế.

Các thành viên nhóm 'Tre Mỡ' trồng và sơ chế các loại cây thuốc Nam để cung cấp cho những nơi khám, chữa bệnh từ thiện. Ảnh: Trung Chánh.

Các thành viên nhóm “Tre Mỡ” trồng và sơ chế các loại cây thuốc Nam để cung cấp cho những nơi khám, chữa bệnh từ thiện. Ảnh: Trung Chánh.

Chuyển giao công nghệ, Rừng Nam Farm sẽ phối hợp với các chuyên gia chuyển giao các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm thành công trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các khởi nghiệp gia và nông dân.

Bên cạnh đó, chuyển giao các công thức chế biến từ lợi thế cây trồng, vật nuôi bản địa cho nông dân vùng U Minh Thượng. Xây dựng làng du lịch cộng đồng, thử nghiệm mô hình xuất khẩu nông sản tại chỗ với dự án "Benefit comeback to Farmer", thông qua các hoạt động kết nối tour du lịch trải nghiệm trong và ngoài nước. Chia sẻ phương thức kinh doanh tổ chức du lịch xanh cho nông dân.

Hiện Hợp tác xã U Minh Thượng nông nghiệp xanh cũng đã xúc tiến hình thành, chờ ngày ra mắt chính thức đi vào hoạt động. HTX đặt mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuật, chế biến, nâng cao giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản. Đây sẽ là tổ chức nông dân góp phần kết nối, hiện thực hóa ước mơ về một làng nông nghiệp tử tế...

ĐÀO TRUNG CHÁNH

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Kéo doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Kéo doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hữu cơ

CẦN THƠ Huyện Vĩnh Thạnh đang lựa chọn các doanh nghiệp uy tín về sản xuất phân bón hữu cơ để xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ.

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Những ngôi nhà lọt thỏm giữa vùng hồ tiêu hữu cơ tạo ra không xanh đáng sống, như xua đi cái nắng gay gắt đầu hè ở vùng đất lửa Quảng Trị.

Trang trại chanh leo hướng hữu cơ xanh mướt giữa cao điểm khô hạn

Trang trại chanh leo hướng hữu cơ xanh mướt giữa cao điểm khô hạn

ĐẮK LẮK Dù đang cao điểm khô hạn ở Tây Nguyên nhưng trang trại trồng chanh leo theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn xanh mướt, trĩu quả.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ

QUẢNG TRỊ Trồng lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy, có liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân Quảng Trị lãi hơn 36,5 triệu đồng/ha và đem đến nhiều lợi ích.

Xem Thêm