Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:26 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 06:00, 06/07/2021

Trồng tiêu 'thuận tự nhiên'

Thay vì đầu tư nhiều phân bón hóa học, chất kích thích để cây nhanh phát triển, Trang trại Huy Hùng trồng tiêu "thuận theo tự nhiên", khép kín trồng trọt và chăn nuôi.

Mới đây, Trang trại Huy Hùng ở thôn 7 xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong (Đăk Nông) được chọn là một trong những điểm đến trong tuyến du lịch Công viên địa chất Đăk Nông.

Trông tiêu hữu cơ có giá bán cao hơn nhiều so với giá thị trường, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Quang Yên.

Trông tiêu hữu cơ có giá bán cao hơn nhiều so với giá thị trường, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Quang Yên.

Trồng tiêu "thuận theo tự nhiên"

Trang trại Huy Hùng của bà Nguyễn Thị Lệ Hà gây dựng từ năm 2015 với diện tích hơn 15 ha hồ tiêu, được biết đến là địa chỉ phát triển nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất nông nghiệp tốt (GlobalGAP).

Những hàng hồ tiêu trồng bằng cây trụ sống được chủ trang trại quy hoạch theo lô, thửa thẳng lối. Hệ thống tưới nước, bón phân đều được đầu tư bài bản và tự động.

Theo bà Hà, thời điểm xây dựng trang trại, giá hồ tiêu đang ở mức khoảng 200.000 đồng/kg, nhưng gia đình xác định làm nông nghiệp một cách ổn định, lâu dài chứ không chạy theo phong trào.

Bà Hà chia sẻ: Thay vì đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích hóa học để cây nhanh phát triển, cho thu hoạch nhanh, gia đình bà đã sản xuất tiêu thuận theo tự nhiên. Cụ thể, gia đình sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc tiêu thay vì sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như các hộ dân khác.

Theo bà Hà, trước khi bước vào làm nông nghiệp, hai vợ chồng đã nghiên cứu nhiều sách vở, đi đến các trang trại hữu cơ để học hỏi.

Do có kinh nghiệm học hỏi được, trước khi trồng tiêu, gia đình bà đã lấy mẫu đất và nước tưới gửi đi xét nghiệm, phân tích các yếu tố, thành phần dinh dưỡng. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, phân tích, gia đình bà Hà đã điều chỉnh, xử lý các thành phần, các chất có trong đất, nước để phù hợp với cây tiêu.

Việc lựa chọn cây giống cũng là khâu được thực hiện rất kỹ càng. Trang trại mua cây giống ở các địa chỉ cung ứng giống được cơ quan chuyên môn chứng nhận đạt chuẩn. Giống tốt, chăm sóc đúng quy trình theo hướng hữu cơ, sinh học nên vườn hồ tiêu ít khi bị bệnh, cây phát triển xanh tốt, đạt năng suất khoảng 3 tấn/ha.

“So với cách đầu tư truyền thống, năng suất vườn tiêu của gia đình không cao. Nhưng đổi lại vườn cây có sức đề kháng tốt với dịch bệnh, không xảy ra tình trạng năm được mùa năm mất. Trang trại được chứng nhận Đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sinh thái. Đặc biệt, trang trại đã được công nhận đạt các tiêu chuẩn GlobalGAP - thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu”, bà Hà tự hào.

Phân dê tại trang trại của bà Hà  để bón cho cây tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quang Yên.

Phân dê tại trang trại của bà Hà  để bón cho cây tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quang Yên.

Bà Hà cho biết thêm, toàn bộ sản phẩm tiêu của trang trại đều được Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà thu mua với mức giá ổn định và luôn cao hơn mặt bằng thị trường. Cụ thể, nếu như các năm 2018, 2019 giá hồ tiêu ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg thì giá bán của Trang trại Duy Hùng là 120.000 đồng/kg.

Với giá này, hàng năm gia đình thu về mức lãi hàng tỷ đồng. Quan trọng hơn, sản phẩm của đơn vị luôn vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn về gia vị của các hiệp hội gia vị quốc tế, xuất khẩu đến nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á…

Kết hợp tuần hoàn trồng trọt - chăn nuôi

Điểm đáng chú ý là Trang trại Huy Hùng kết hợp chăn nuôi với trồng trọt theo hình thức “tuần hoàn”. Theo đó, từ số lượng lá cây keo và cây gòn làm trụ cho hàng nghìn gốc tiêu, bà Hà tận dụng làm thức ăn của khoảng 100 con dê.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hà bên trang trại dê của gia đình. Ảnh: Quang Yên.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hà bên trang trại dê của gia đình. Ảnh: Quang Yên.

Phân dê được ủ hoai mục bón lại cho cây. Việc này không chỉ giúp gia đình tiết kiệm được chi phí phân bón mà con bảo đảm nguồn phân chất lượng, an toàn cho cây, giúp đất không bị xơ cứng.

Hiện nay dê của trang trại cung cấp giống cho các hộ dân trong vùng. Dê giống đã được người dân đặt mua đến cuối năm. Mỗi năm gia đình xuất cho người dân 180 dê con. Tiền bán dê giống và phân bón cây trồng từ dê mỗi năm cho thu nhập hơn 400 triệu đồng...

Lợi nhuận cao, tuy nhiên bà Hà cho biết việc đầu tư nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Hà, nhà nước có chủ trương khuyến khích nông dân làm theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay các trang trại gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra.

“Gia đình mong muốn xây dựng một nhà máy chế biến để đảm bảo sản phẩm tiêu của trang trại xuất ra nước ngoài đạt chuẩn. Ngoài ra, trang trại cũng là nơi để những gia đình sản xuất theo hướng hữu cơ có nơi bán sản phẩm với giá tốt”, bà Hà mong muốn.

Tuy nhiên để làm được việc đó, bà cũng mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện trong các chính sách và  tạo được vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

QUANG YÊN - MAI PHƯƠNG

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm