Thứ sáu, 13/12/2024 | 00:29 GMT +7
Xã An Hòa là địa phương có diện tích rau màu và cây ăn quả nhiều nhất huyện An Dương (TP Hải Phòng). Trong số 427ha đất nông nghiệp, diện tích cấy lúa của xã An Hòa khoảng 300ha, trồng rau màu 97ha và trồng ổi lê Đài Loan 30ha.
Trước đây, thu nhập của người dân xã An Hoà chủ yếu từ cấy lúa và trồng củ đậu. Về sau này, khi cấy lúa ngày càng kém hiệu quả, nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi lê Đài Loan.
Ban đầu chỉ có một vài hộ dân đưa giống ổi lê về trồng với tâm thế “vừa thử vừa học”. Do được hướng dẫn về kỹ thuật của ngành nông nghiệp địa phương, lại phù hợp với thổ nhưỡng nên cây ổi phát triển tốt. Nhờ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần trồng lúa nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi và đến nay diện tích trồng ổi tại xã An Hoa đã lên tới 30ha.
Một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm cây ổi ở xã An Hòa là gia đình ông Ngô Văn Chiến. Hiện nay, chỉ với hơn 4.000m2 trồng ổi nhưng mỗi năm vườn ổi mang về cho gia đình ông hơn 150 triệu đồng, trung bình thu nhập hơn 15 triệu đồng/sào.
Ông Chiến cho biết, ban đầu, khi đang phân vân không biết trồng cây gì thì được người thân (thương lái mua bán ổi) khuyên trồng giống ổi lê Đài Loan vì chất lượng quả ngon, giòn, ngọt, giá bán cao hơn loại ổi thông thường, lại được thị trường ưa chuộng.
Thấy phù hợp nên năm 2018, ông Chiến đặt mua 500 cây ổi lê Đài Loan tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng trên diện tích 1,2 mẫu, gần một năm sau, ổi bắt đầu cho thu quả. Lần đầu tiên ông Chiến thấy quả ổi có hình dáng lạ, bên ngoài màu vàng xanh, hình dáng giống quả lê, quả to và ăn rất ngon, giòn, ngọt.
Khi đến thời điểm thu hoạch, không vất vả như các loại cây trồng khác, thương lái đến thu mua tại vườn với giá 14.000 - 15.000/kg. Ngay vụ đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Chiến thu về được 150 triệu đồng, mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây.
“Lúc đầu tôi cũng bán tín bán nghi, người nhà mách nước nên cũng làm liều, may mắn là thổ nhưỡng phù hợp nên ngay vụ đầu tiên gia đình tôi đã thắng lớn. Cây ổi lê Đài Loan đã và đang mang lại nguồn kinh tế chính cho gia đình nên tôi đang thuê đất để mở rộng thêm”, ông Chiến chia sẻ.
Từ thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình ông Chiến, nhiều hộ dân có đất nông nghiệp ở xã An Hòa cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi.
Ông Ngô Văn Lập (thôn Hà Nhuận, xã An Hòa) cho biết: “Gia đình tôi thuê 12 mẫu ruộng để trồng ổi lê Đài Loan. Ổi được thu quanh năm, vào chính vụ, trung bình mỗi ngày thu hoạch được từ 6 - 7 tạ ổi, có ngày cao điểm gia đình tôi thu hoạch được 2 tấn và bán luôn tại vườn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thuê thêm đất để mở rộng sản xuất”.
Ông Lê Văn Hào, trú tại thôn 4, xã An Hòa chia sẻ: Năm 2019, khi thấy một số hộ dân trong xã trồng ổi lê hiệu quả hơn trồng lúa, gia đình ông đã chuyển đổi 4 sào ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm và cũng thắng ngay vụ đầu tiên. Từ kết quả mô hình đem lại, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng ổi lên gần 3 mẫu.
“Trồng lúa 1 năm thu hoạch 2 vụ thì trồng ổi lê Đài Loan có thể cho thu hoạch quanh năm. Bình quân 1 sào (360m2) trồng được khoảng 40 cây ổi, một năm cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, thu về gần 20 triệu đồng, cao hơn từ 4 đến 5 lần so với trồng lúa trước đây”, ông Lê Văn Hào so sánh.
Theo ông Ngô Văn Đạo, Giám đốc HTX nông nghiệp Hà Nhuận (xã An Hòa), việc chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2021 khi thấy giống ổi lê Đài Loan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã đã có hơn 50 hộ trồng ổi. Người dân luôn học hỏi, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật trong canh tác, đặc biệt là từng bước chuyển sang canh tác ổi theo hướng hữu cơ.
"Kỹ thuật trồng ổi cũng không khó, người dân chủ yếu học hỏi lẫn nhau và tích luỹ kinh nghiệm qua các vụ thu hoạch. Vào thời điểm tháng 2, tháng 3 thường mưa nhiều, chất lượng quả nhạt nên chúng tôi sẽ cho cây ngưng ra quả, tích cực chăm sóc, tỉa cành, vun gốc. Đến tháng 4, khi quả ổi bằng đầu ngón chân cái thì bắt đầu bọc trái và từ tháng 6 trở đi cây ổi cho thu hoạch đến cuối năm.
Trồng giống ổi lê Đài Loan cho thu hoạch quanh năm, giá bán tuỳ từng thời điểm, có khi lên đến 22.000 đồng/kg, đạt 17 - 18 triệu/sào, cao gấp nhiều lần cấy lúa và các cây trồng khác. Các hộ dân đều được quán triệt canh tác theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Đạo chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, những năm qua, việc chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, hoa màu cho thu nhập cao là hướng đi tích cực được xã chú trọng.
Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp để khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng trồng ổi chuyên canh. Mặc dù cây ổi lê Đài Loan mới trồng trên đất An Hoà được 5 năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá rõ. Việc này giúp khắc phục được tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, hạn chế các diện tích cấy trồng không thường xuyên của địa phương.
“Thành công của mô hình trồng ổi lê Đài Loan đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân. Các hộ tham gia trồng ổi cũng hình thành ý thức sản xuất tập thể, hỗ trợ nhau sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sản phẩm, góp phần chung tay bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Hưng cho hay.
Theo Phòng NN-PTNT huyện An Dương, không chỉ mô hình trồng ổi lê Đài Loan, dưa lê Hàn Quốc, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước giải quyết được vấn đề bỏ hoang đất nông nghiệp. Năm 2023, toàn huyện An Dương đã giúp diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn giảm xuống chỉ còn hơn 642ha, giảm gần 76,7ha so với năm 2022.
Bên cạnh đó, việc canh tác ổi cũng được ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng biện pháp bao trái nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất... nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện An Dương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các phòng ban liên quan tổ chức triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất của TP Hải Phòng, nhất là trong thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, hướng hữu cơ. Mặt khác, sẽ tạo thuận lợi, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất, nhượng đất, chuyển đổi… của người dân để phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Phòng NN-PTNT huyện An Dương đang phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án, đề xuất hỗ trợ chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các mô hình trồng ổi (xã An Hoà, xã Lê Thiện), trồng rau mùi tàu (xã An Hồng), trồng cam Đồng Dụ (xã Bắc Sơn), làm giá đỗ (xã Đại Bản).
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.