Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:27 GMT +7
Chúng tôi đến nhà nuôi trồng nấm của Hợp tác xã Nấm Nha Trang ở thôn Đồng Nhơn, xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang (Khánh Hòa) khi mọi người đang chuẩn bị đón tiếp các bạn nhỏ của một trường mầm non đến tham quan, trải nghiệm hái nấm.
Đây là dịch vụ được Hợp tác xã triển khai nhằm hướng dẫn kỹ năng sống cho các trẻ, cũng như thu hút gia đình đến trải nghiệm công việc trồng, chăm sóc, thu hoạch nấm.
Anh Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Điều hành kiêm kỹ thuật của Hợp tác xã Nấm Nha Trang cho biết, dịch vụ này Hợp tác xã không thu phí mà chỉ thu tiền nấm của các cháu mang về.
“Các cháu hái nấm bao nhiêu sẽ mang về bấy nhiêu. Nhưng ít nhất mỗi cháu mang về một hộp nấm khoảng 0,5kg gồm các loại như bào ngư xám, hoàng kim, hồng ngọc, trị giá 35 ngàn đồng. Ngoài ra, Hợp tác xã còn thu 10 ngàn đồng/cháu gồm chi phí tiền điện, nước và rủi ro khi tham quan. Sau khi tham quan xong, các cháu còn được ăn ngô, khoai, nấm nướng miễn phí trước khi ra về”, anh Ngọc chia sẻ.
Theo anh Ngọc, Hợp tác xã được thành lập vào năm 2017 với 7 thành viên, chủ yếu là nông dân. Trong đó, anh Ngọc vốn là kỹ sư công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nha Trang) có kiến thức trồng và nghiên cứu về các loại nấm từ thời sinh viên. Vì vậy sau khi ra trường, anh đã dẫn dắt Hợp tác xã kiên định trồng nấm theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Ngọc cho biết, do trồng theo hướng hữu cơ nên khu sản xuất phôi và nhà nuôi trồng nấm phải cách xa nhau để tránh lây nhiễm chéo.
Nhà sản xuất phôi nấm của Hợp tác xã rộng 1.500m2 tại xã Bình Lộc (huyện Diên Khánh) được trang bị hệ thống băng chuyền, lò hấp phôi tự động, máy đảo trộn nguyên liệu… Phôi nấm được làm từ nguyên liệu mùn cưa của gỗ xoài, keo, cao su; cám bắp, cám gạo, được trộn với tỷ lệ phù hợp rồi cho vào túi nilon. Tiếp đến, phôi nấm được xếp lên kệ, đưa vào lò hấp thanh trùng với nhiệt độ 100 độ C trong thời gian từ 8 - 10 giờ, sau đó để nguội và cấy giống vào phôi.
Hiện Hợp tác xã đang thuê 5 - 6 lao động với mức lương 5 - 7 triệu/người/tháng, năng lực sản xuất từ 1.000 - 2.000 bịch phôi/ngày gồm nấm bào ngư, linh chi, hoàng kim, hồng ngọc và nấm mèo. Nhờ đó, Hợp tác xã đã chủ động sản xuất phôi nấm tại chỗ, cũng như cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 - 30.000 bịch phôi/tháng với giá 6 ngàn đồng/bịch phôi.
Cũng theo anh Ngọc, để nuôi trồng nấm theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã chú trọng 3 yếu tố gồm phôi nấm phải sạch bệnh; nguồn nước không bị nhiễm phèn, kim loại nặng; khâu chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng.
Hiện nay, các nhà trồng nấm của Hợp tác xã được xây dựng đảm bảo kỹ thuật để nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Hệ thống tưới, phun sương tự động trong nhà nấm được điều khiển bằng điện thoại và hệ thống giàn kệ đặt phôi nấm bằng thép hình.
Ngoài nhà nấm ở xã Vĩnh Trung rộng 250m2 nuôi khoảng 20.000 phôi, cho thu hoạch từ 20 - 30kg/ngày, Hợp tác xã còn 6 nhà nuôi nấm ở xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh), mỗi trại 50m2 nuôi 5.000 phôi. Mỗi ngày tại đây, Hợp tác xã thu hoạch từ 30 - 40kg nấm tươi các loại. Ngoài ra, Hợp tác xã còn trồng nấm linh chi từ 2 - 3 vụ/năm, tùy theo thị trường tiêu thụ sẽ sản xuất theo kế hoạch.
Mỗi bịch phôi nấm bào ngư, nấm sò, hoàng kim, nấm hồng ngọc cho ra khoảng 200gram nấm tươi (thu trong 3 tháng), mỗi tháng thu 2 lần. Lứa nấm đầu tiên cho thu hoạch sau 2 tháng trồng.
“Tuy trồng nấm theo hướng hữu cơ cho sản lượng không cao, song sản phẩm làm ra chất lượng, độ ngon, ngọt rất đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện chúng tôi sản xuất bao nhiêu được tiêu thụ bấy nhiêu tại các chợ đầu mối ở tỉnh Khánh Hòa và các nhà hàng, quán chay trên địa bàn TP Nha Trang”, anh Ngọc chia sẻ. Đối với nấm bào ngư tươi, hiện Hợp tác xã bán với giá 60 - 70 ngàn đồng/kg, các loại nấm khô như linh chi bán với giá 800 ngàn đồng/kg, nấm hương từ 400 - 600 ngàn đồng/kg và nấm mèo từ 120 - 150 ngàn đồng/kg.
Nhận thấy nhu cầu thị trường nấm ngày càng cao, thời gian qua, Hợp tác xã đã tổ chức liên kết sản xuất với 50 - 60 hộ nông dân tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Trong đó, Hợp tác xã cung cấp phôi nấm và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm cho nông dân, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm...
Định hướng sắp tới, Hợp tác xã Nấm Nha Trang tiếp tục phát triển trồng nấm trong các vườn cây ăn quả ở xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh). Đây là mô hình được đánh giá có nhiều thuận lợi do các nhà nấm được vườn cây ăn quả che bóng mát, giúp tăng thêm thu nhập. Tại đây, Hợp tác xã dự kiến sẽ phát triển 7 - 8 nhà nấm, mỗi nhà rộng 50m2, trồng 6.000 bịch phôi để thu hoạch từ 20 - 50kg nấm/ngày.
Sản phẩm nấm của Hợp tác xã Nấm Nha Trang đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2020 và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.