Thứ bảy, 09/11/2024 | 23:21 GMT +7
Nà Hai là thôn vùng cao của xã Quảng Khê (huyện Ba Bể, Bắc Kạn), lâu nay người dân vẫn quen lối canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Năm 2021, một mô hình nhà lưới xuất hiện khiến dân bản xôn xao, người bàn ra, kẻ tán vào, chẳng hiểu sao có người lại bỏ ra tiền tỷ đồng để trồng dưa.
Bản thân anh Lý Phúc Ba (Giám đốc Hợp tác xã Phúc Ba) và 18 thành viên của Hợp tác xã (HTX) lúc đó cũng không rõ có thu hồi nổi vốn không.
“Lúc đầu mình cũng băn khoăn, làm nhà lưới rồi lại trồng theo hướng hữu cơ trong khi chưa ai có kinh nghiệm, rồi làm ra giá bán dưa có cao hơn chỗ khác không? Nhưng mọi người vẫn đồng lòng và quyết tâm làm”, anh Ba chia sẻ.
Anh Ba cho biết, năm 2021 là lần đầu tiên HTX Phúc Ba triển khai dự án với nguồn vốn nhiều như vậy, nhưng nhờ được hỗ trợ 300 triệu đồng theo đề án phát triển 15.000 HTX của Chính phủ nên mọi người quyết tâm làm. Ngoài số tiền hỗ trợ, HTX cũng đối ứng thêm nên tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng.
Với 3.500m2 nhà lưới, vụ đầu tiên anh Ba và các thành viên HTX trồng dưa lưới. Chỉ sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, HTX đã thu về 6 tấn, thời điểm đó quả dưa lưới bán được 50.000 đồng/kg, số tiền thu về ngay vụ đầu đã đạt hơn 300 triệu đồng.
“Sau khi trừ chi phí, vụ dưa đầu tiên cũng lãi hàng trăm triệu đồng, so với trồng dưa thông thường như những hộ xung quanh cao gấp 5 lần. Thời gian trồng ngắn, lợi nhuận thu về không nhỏ chính là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình trong những năm sau đó”, anh Ba chia sẻ thêm.
Những ngày đầu tháng 5/2023, chúng tôi đến thăm mô hình của HTX Phúc Ba khi mọi người đang hối hả chăm sóc vườn dưa đang thời kỳ ra hoa.
Tay thoăn thoắt chỉnh từng gốc dưa, anh Ba hồ hởi cho biết, sau nhiều vụ thắng lợi, hiện HTX đang tập trung trồng dưa theo hướng hữu cơ vì nhu cầu của thị trường rất lớn. Mấy vụ gần đây, dưa lưới tiêu thụ khá ổn định, quả dưa của HTX dần có thương hiệu nên bán được giá.
“Lúc đầu mình chưa biết bón phân, tưới nước bao nhiêu là tốt nhất nên đã sắm máy đo độ ẩm, độ pH trong đất. Sau nhiều vụ mình rút kinh nghiệm dần, bây giờ chỉ cần xác định diện tích, số lượng cây là mình có thể tính được một cách chính xác”, anh Ba tâm sự.
Để quả dưa có hàm lượng dinh dưỡng cao, mẫu mã đẹp, toàn bộ vườn đều được bón bằng các loại phân hữu cơ được tận dụng tại địa phương và ủ hoai.
Khi còn làm một vụ, lượng phân bón cần ít, nhưng hiện nay làm 2 vụ dưa nên đất cần bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng lớn hơn. Ngoài ra, mô hình này cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước, vừa cho hiệu quả cao.
Đang thụ phấn cho hoa, chị Đặng Thị Sinh, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) cho biết: "Một số nhà vườn họ thường để một cây 2 đến 3 quả, nhưng chúng tôi làm ở đây đã gần 2 năm nay thì thấy mô hình này mỗi cây chỉ để một quả nên khi thu hoạch quả dưa rất ngọt, mẫu mã rất đẹp".
Thôn Nà Hai ở trên núi cao, nguồn nước hạn chế, năm nay trời lại ít mưa, nhưng với công nghệ trồng trong nhà lưới và tưới nhỏ giọt nên cây dưa vẫn phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Ngoài trồng dưa lưới, hiện nay HTX Phúc Ba cũng đang trồng thử nghiệm một số loại rau, cà chua, bắp cải, dưa chuột theo hướng hữu cơ, sản phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và hướng tới tiêu thụ tại các siêu thị.
Ông Đồng Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) đánh giá, mô hình trồng dưa công nghệ cao được triển khai ở thôn Nà Hai là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ở những thôn vùng cao, vốn chỉ quen sản xuất theo hộ gia đình thì hiệu quả từ mô hình của HTX Phúc Ba sẽ động viên, khích lệ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập.
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.
BÌNH PHƯỚC Cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, chỉ cần chú trọng bón phân hữu cơ.
HÒA BÌNH Bà Bùi Thị Thượng - nông dân ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) vẫn còn nhớ như in chuyện mình được đi Ý hai lần để dự hội nghị hữu cơ thế giới.
KON TUM Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Bùi Văn Quyển còn chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ sức khỏe gia đình, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.