Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:08 GMT +7
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm GC (GC Food), việc tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ phụ thuộc nhiều vào quy mô sản xuất. Với những trang trại quy mô lớn, từ vài chục ha trở lên, có thể chủ động trong việc tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Như ở Trang trại Nắng và Gió của GC Food, có những diện tích trồng nho, táo…. Hàng năm, công ty đều tổ chức cắt những cành cũ để cây ra những cành mới cho mùa vụ mới. Toàn bộ những cành nho, cành táo… được dùng làm thức ăn cho dê, cừu. Những đám đất đầu thừa, đuôi thẹo, đất khó canh tác được tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Nguồn phân chuồng được sử dụng nuôi trùn quế hoặc phối trộn với vỏ, lá nha đam để ủ thành phân hữu cơ, qua đó tạo thành mô hình khép kín.
Mỗi năm, ở Trang trại Nắng và Gió, ước tính có khoảng 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng để đưa vào chế biến. Nguồn lá này được trang trại tận dụng dùng men vi sinh hay phối trộn với phân bò, cừu ủ thành phân hữu cơ rồi đem bón cho các cây trồng khác như táo, ổi, dưa lưới…, qua đó góp phần tạo nên những sản phẩm trái cây có chất lượng cao. Đồng thời, lượng phân hữu cơ này cũng được bón cho những diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Với việc tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ, mỗi năm, trang trại Nắng và Gió tự sản xuất ra được khoảng 5.000 - 1.000 tấn phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, Trang trại Nắng và Gió cũng hợp tác với nhiều hộ nông dân trong vùng để mua thêm cỏ cho bò, mua rơm về ủ gốc cây nho, cây táo hay cho bò ăn khi cần thiết và làm đệm lót sinh học cho bò. Qua đó, giúp cho nhiều nông hộ tăng được thu nhập từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp...
Việc tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất kinh tế tuần hoàn đối với những doanh nghiệp lớn như GC Food hiện nay khá thuận lợi nhờ quy mô lớn, tập trung. Tuy nhiên ở quy mô nông hộ, do khó khép kín được sản xuất, nên việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ khó khăn hơn. Ví dụ, trong khi nông hộ đang thiếu phân chuồng để bón cho cây trồng thì lại thừa rơm hay thừa cỏ mà chưa biết làm gì.
Do đó, ông Thứ cho rằng, nông dân cần liên kết thành các hợp tác xã. Ở quy mô hợp tác xã, việc tận dụng triệt để các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp từ các hộ xã viên sẽ đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với khi các hộ làm ăn riêng lẻ.
Các doanh nghiệp đứng ra tập hợp nông dân trên địa bàn để cung ứng phế phụ phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp tốt cho việc đẩy mạnh ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất theo hướng hữu cơ ở địa phương.
Tuy vậy, vẫn có những mô hình sản xuất mà những nông hộ quy mô không lớn vẫn có thể áp dụng thành công kinh tế tuần hoàn vào sản xuất theo hướng hữu cơ, mà tiêu biểu là mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL.
TS Nguyễn Công Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Á Châu cho biết, do mô hình tôm - lúa đã mang tính chất của kinh tế tuần hoàn nên nông dân áp dụng kinh tế tuần hoàn trên ruộng một cách dễ dàng, qua đó giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và có lợi nhuận cao hơn so với vùng thâm canh lúa.
Nhờ vậy, hiện nay 8 tỉnh ven biển ĐBSCL có sản xuất tôm - lúa thì 6 tỉnh đã có những diện tích được cấp các chứng nhận hữu cơ quốc tế. Vì vậy, vùng tôm - lúa đang là một trong những nơi có điều kiện thuận lợi nhất để áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất hữu cơ.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.