Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:01 GMT +7
Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (ở xóm Thái Sơn 2, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) chia sẻ: Ông tiếp quản công việc làm chè của gia đình từ năm 2000 đến nay.
Ngay từ thời điểm đó, ông thấy rằng việc sử dụng hình thức canh tác cũ, tất cả từ phun thuốc trừ sâu đến bón phân đều là hóa học đã khiến cho thiên địch như giun, dế, nhện… không sống được. Trong khi đó đất đai bị chai cứng, nước ô nhiễm, dẫn tới sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, nhiều loại bệnh ngoài da cho tới bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo xuất hiện.
Nhận thức được nguy hiểm từ chất hóa học gieo rắc cho nhiều thế hệ, ông Đại cùng người thân trong gia đình và các hộ liên kết sản xuất ngày đêm suy nghĩ việc thay đổi hình thức sản xuất an toàn với con người, thân thiện với môi trường.
Đó cũng chính là lý do từ trước năm 2010, HTX chè Tiến Yên đã bắt đầu canh tác chè theo hướng hữu cơ rất sớm khi rất ít người sản xuất theo hình thức này ở Thái Nguyên. Đến nay, đơn vị này có diện tích trồng chè hơn 10ha, tất cả đã được chứng nhận VietGAP và đang trong quá trình làm quy trình để được công nhận là sản phẩm chè hữu cơ.
Ông Đại phấn khởi nói: "Người dân chúng tôi sinh sống giữa vùng chè Tân Cương, nhờ sớm làm chè hữu cơ nên môi trường ở khu vực này trong lành, không còn mùi khó chịu của thuốc trừ sâu hóa học bay khắp nơi như trước. Nguồn nước giờ cũng cơ bản sạch, an toàn và nước giếng vẫn là nguồn nước sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của người dân. Người dân trong xóm đã từ lâu không có người bị bệnh ung thư hay bệnh hiểm nghèo liên quan tới việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Nhiều người dân ở xóm Thái Sơn 2 gắn bó cả cuộc đời với công việc chăm sóc và thu hoạch chè, họ chính là những người cảm nhận rõ nhất về những ưu việt trong việc canh tác chè theo hướng hữu cơ".
Bà Loan, năm nay đã gần 60 tuổi và gắn bó cả cuộc đời với cây chè cho biết: Trước đây dùng phân hóa học, nhất là thuốc trừ sâu hóa học khiến người lúc nào cũng khó chịu, ngứa ngáy, mệt mỏi cả với người tiếp xúc trực tiếp hoặc sinh sống quanh những đồi chè. Nhưng những năm trở lại đây, khi không dùng chất hóa học nữa mà chuyển sang hữu cơ, thấy sức khỏe mọi người tốt hơn, hoạt bát hơn. Giờ mọi người làm chè phấn khởi, an tâm sản xuất mà không lo lắng độc hại nữa.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX Chè trung du Tân Cương (TP Thái Nguyên) cho biết: Từ năm 2017 đến nay, 100% diện tích đất trồng chè của HTX đã chuyển hình thức canh tác theo hướng hữu cơ. Thời gian đầu thực hiện vô cùng khó khăn, vì mất khoảng 6 tháng sản lượng giảm sâu do cây chè bị thiếu chất.
Vấn đề khác khiến bà con nản lòng là tình trạng sâu bệnh hoành hành với mật độ cao. Những vấn đề nói trên làm cho người trồng chè bị thất thu, thậm chí không được thu hoạch, nhiều xã viên chán nản và muốn quay lại hình thức canh tác cũ.
Tuy nhiên, lãnh đạo HTX Chè trung du Tân Cương đã động viên bà con kiên trì, vì các chế phẩm hữu cơ như vỏ đỗ, vỏ cây, mùn cưa, phân xanh, phân chuồng, lạc dại, rơm rạ… cần có thời gian để phân hủy, cải tạo đất. Bà con không dùng thuốc trừ sâu hóa học độc hại nữa, thay vào đó là chế phẩm sinh học có nguồn gốc là thảo mộc. Sau một thời gian, những thiên địch có lợi phát triển, cũng là lúc sâu bệnh được giải quyết.
Sau khoảng 6 tháng, khi cây chè bắt đầu hút được dưỡng chất từ các chế phẩm hữu cơ thì sản lượng chè bắt đầu được khôi phục. Sau hơn 1 năm, lượng dưỡng chất trong đất đã được duy trì ổn định thì hiệu quả thấy rõ, sản lượng đạt tương đương với dùng phân hóa học, nhưng chất lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối. Lớp vỏ cây, vỏ đỗ, mùn cưa tạo thành lớp mùn dày giữ ẩm cho cây, chất dinh dưỡng tự nhiên được thẩm thấu trong đất giúp cho mầm chè mọc tươi tốt hơn, mập hơn.
Ông Nguyễn Thanh Dương phấn khởi nói: "Sau hơn 5 năm triển khai trồng chè theo hướng hữu cơ, thành quả đem lại là rõ rệt, mang lại nhiều lợi ích cho người trồng. Chi phí chăm sóc đã giảm đáng kể so với dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học như trước. Chất đất đã không còn bị chai cứng nữa, mà đã trở nên tơi xốp, dễ canh tác, đỡ tốn nước tưới do cây được giữ ẩm bởi lớp mùn dày bám trên mặt đất. Điều đương nhiên là chất lượng sản phẩm đã được nâng cao hơn rất nhiều, người dùng an tâm sử dụng".
Với nhu cầu thị trường khó tính như hiện nay, hương vị chè ngon thôi là chưa đủ, mà phải đảm bảo tiêu chí không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất độc hại. Chính vì lẽ đó, nhiều vùng tại Thái Nguyên đã chuyển dần sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, một số địa phương nổi bật đã thực hiện như các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (thuộc TP Thái Nguyên); La Bằng (huyện Đại Từ) và một số nơi thuộc các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng (huyện Đại Từ) cho biết: Để sản phẩm chè khẳng định được niềm tin với khách hàng và vươn ra thị trường, cần phải thực hiện quy trình canh tác, chăm sóc tối thiểu nhất cũng phải theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, canh tác theo hướng hữu cơ là ưu việt, vừa giảm ô nhiễm môi trường, lại đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cả người tiêu dùng.
HTX chè La Bằng mới canh tác theo hướng hữu cơ từ năm 2019 đến nay, nhưng cũng đã nhận thấy rõ những kết quả tích cực đem lại. Hiện HTX có 15 hộ thành viên và hơn 100 hộ liên kết, với tổng diện tích lên đến hơn 30ha. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 8 sào – 1 mẫu chè, một năm thu được 8 lứa chè, mỗi sào chè cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. Theo HTX chè La Bằng, có hộ dân đã có thu nhập lên đến 350 triệu đồng/năm từ trồng chè, còn trung bình mỗi hộ khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ là sản phẩm an toàn với người dùng, những sản phẩm trà được sản xuất theo hướng hữu cơ có giá bán cao hơn so mặt bằng chung thị trường hiện nay. Loại rẻ nhất cũng có giá từ 150.000đ/kg, loại đắt có giá hơn 3.000.000đ/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất thấp hơn cũng giúp cho thu nhập của nông dân trồng chè tăng lên.
Ngoài ra, các vùng chè sản xuất theo hướng hữu cơ cũng trở thành những điểm thu hút khách du lịch. Từ đó vừa phục vụ thêm dịch vụ ăn, nghỉ, vừa quảng bá và bán sản phẩm cho du khách. Việc làm này đem lại lợi nhuận nhân đôi cho các đơn vị sản xuất chè hữu cơ bài bản hiện nay.
Tại xã Tân Cương (TP Thái Nguyên), đến nay một số cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được cơ sở vật chất để đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm. Đi đầu xu hướng đó có thể kể đến là HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên luôn sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè.
Một địa điểm khác là xã La Bằng (huyện Đại Từ), trong những ngày hè địa phương này đón tiếp hàng ngàn khách du lịch mỗi ngày. Người thì thích thú vì đến đây được hòa mình vào cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng, sông suối mà tạo hóa ban tặng cho phía sườn đông dãy núi Tam Đảo; người thì bị thu hút bởi những đồi chè xanh mướt, được trải nghiệm từ việc hái chè, chế biến thành thành phẩm cùng bà con nông dân.
Lợi ích nhân 3:
- Môi trường sống được cải thiện, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng được đảm bảo.
- Giảm chi phí chăm sóc, tiết kiệm nguồn nước tưới, nhất là những nơi đồi cao.
- Giá trị kinh tế được nâng lên, được khách hàng khó tính chấp nhận và tin dùng.
Lợi nhuận nhân 2:
- Giá sản phẩm cao hơn so với sản phẩm thông thường.
- Người làm chè tăng thu nhập từ khách du lịch trải nghiệm, tiền dịch vụ và bán sản phẩm.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.