Thứ hai, 25/11/2024 | 08:25 GMT +7
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Xuân Biên ở thôn Khe Bút, xã Lâm Giang (Văn Yên, Yên Bái) từ ngày áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ đã chuyển mình mạnh mẽ. Đất trở nên tơi xốp, lượng giun trong đất tăng lên đáng kể; năng suất, chất lượng quả không ngừng được cải thiện.
Ông Biên chia sẻ, vườn bưởi của gia đình bao quanh khu vực nhà ở. Trước đây, toàn bộ diện tích trồng nhãn nên lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học sử dụng khá lớn. Sau thời gian dài, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng. Dinh dưỡng từ phân bón chỉ đủ nuôi cây, đất trồng không được bổ sung dinh dưỡng hữu cơ nên ngày càng trở nên chai cứng. Mật độ sâu bệnh tăng lên khiến sản lượng, chất lượng quả vải giảm và tăng chi phí sản xuất.
Năm 2019, sau khi tìm hiểu và tích lũy kiến thức, ông Biên mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ gốc nhãn chuyển sang trồng bưởi. Năm 2022, ông chuyển đổi hình thức canh tác theo hướng hữu cơ, thay thế phân bón hóa học bằng phân gà ủ hoai mục bằng men vi sinh (đặt mua tại các trang trại), sử dụng chế phẩm sinh học xua đuổi, phòng sâu bệnh thay thế thuốc BVTV.
Theo ông Biên, giai đoạn khi mới chuyển đổi, gia đình vẫn phải sử dụng một lượng ít phân NPK để cây không bị sốc dinh dưỡng trong lúc chờ đất trồng được cải tạo. Khi tình hình ổn đinh, ông chuyển sang sử dụng hoàn toàn vật tư đầu vào sinh học.
Để hạn chế phân bón hữu cơ bị rửa trôi và thẩm thấu sâu vào đất, gia đình đóng phân hoai mục vào các bao tải, đục lỗ, đặt cách gốc cây 3 - 4m (đảm bảo mỗi gốc 1 bao). Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học xua đuổi bọ xít. Một số đối tượng như ruồi vàng, nhện nhỏ, sâu vẽ bùa… sử dụng bẫy bả để kiểm soát.
Với cách làm này, đến nay vườn bưởi đã bước vào giai đoạn ổn định, bằng mắt thường có thể thấy lượng giun đất ngày càng tăng lên, đất trồng trở nên tơi xốp, cây ít sâu bệnh, chi phí sản xuất giảm đáng kể.
“Trung bình mỗi năm một cây bưởi chỉ sử dụng hết 1 bao phân hữu cơ với giá mua 25.000 đồng/bao, thấp hơn nhiều lần so với dùng phân bón hóa học (chỉ tính riêng đạm phải bón với lượng trung bình 1,5kg/gốc với giá hơn 20.000 đồng/kg)” ông Biên so sánh.
Cũng theo ông Biên, hàng năm gia đình xuất bán ra thị trường 2.000 - 3.000 quả bưởi với giá bán dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/quả, trừ chi phí, gia đình có lãi 20 - 30 triệu đồng. Mặc dù số tiền này không lớn, nhưng gia đình không phải tốn nhiều công chăm sóc, có thời gian gian gia tăng nguồn thu từ những công việc khác. Quan trọng hơn, môi trường vườn trồng trở nên trong lành hơn, sức khỏe các thành viên trong gia đình được đảm bảo. Hiện gia đình đang trồng xen cây sưa vào vườn bưởi để gia tăng thu nhập về lâu dài.
“Canh tác theo hướng hữu cơ không khó, nhưng phải kiên trì mới làm được, mẫu mã quả sẽ không đẹp bằng so với dùng vật tư hóa học. Thị trường chưa thể phân biệt được đâu là sản phẩm hữu cơ, không phải hữu cơ nên chưa có sự khác nhau về giá, dễ sinh tâm lý chán nản cho người sản xuất…
Tuy nhiên về lâu dài, khi điều kiện kinh tế của người dân tăng lên thì nhu cầu sử dụng những sản phẩm chất lượng, an toàn cũng tăng lên. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục lạm dụng vật tư hóa học sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường sống. Do đó, sản xuất an toàn, hữu cơ sẽ là xu thế tất yếu”, ông Biên nhận định.
YÊN BÁI Khi sử dụng vật tư đầu vào sinh học, giun trong đất tăng lên, độ tơi xốp được cải thiện, cây trồng sinh trưởng tốt, giảm được nhiều chi phí.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.