Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:43 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 08:15, 02/01/2023

Triết lý 'trả lại cho đất những gì đã lấy' của Đồng Nai

Thông qua ứng dụng công nghệ sinh học IMO, Đồng Nai biến rác thải hữu cơ thành phân bón, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.

Những năm gần đây, nhiều nông dân Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ sinh học IMO để tự ủ phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học từ các phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường…

Vườn bưởi đáng mơ ước nhờ IMO 

Vĩnh Cửu là một trong những "thủ phủ" bưởi của Đồng Nai, đây cũng là địa phương tiên phong đưa IMO vào sản xuất. Nước sạch, men rượu, men vi sinh, sữa tươi, sữa chua, đường đen, mật gỉ đường, chuối và nhiều nguyên liệu tự nhiên được người dân pha trộn và ủ từ 5 - 7 ngày để tạo ra hỗn hợp IMO gốc thuần hữu cơ. Với IMO đã có, bà con tiếp tục nhân sinh khối với các phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương để tạo phân hữu cơ hoặc với gừng, sả, ớt, tỏi làm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

468c79fdf3e92ab773f8

Người dân Đồng Nai ứng dụng IMO vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Theo bà con, đây là giải pháp mới, thuần hữu cơ rất dễ thực hiện, giúp giảm từ 60 đến 80% chi phí đầu tư so với việc mua phân bón, thuốc BVTV ngoài thị trường. Đặc biệt, giải pháp này hoàn toàn an toàn cho sức khoẻ con người và môi trường...

Đến xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu trong tiết trời vào xuân, hỏi thăm "đại gia chân đất" Trần Văn Mười với biệt danh Mười Tẻo thì ai cũng biết, bởi ông là một trong những người đầu tiên tại địa phương ứng dụng và rất thành công với phương pháp IMO. Nhờ IMO, hơn 10ha bưởi của ông xanh tốt quanh năm, năng suất cao, được người tiêu dùng tin dùng, giá bán luôn cao hơn thị trường 20%. Để tiết kiệm công lao động, mới đây, ông còn tậu hẳn chiếc máy bay không người lái (drone) trị giá hơn 600 triệu đồng để chăm sóc vườn bưởi.

a9023c7ab66e6f30367f

Ông Mười Tẻo bên chiếc máy bay không người lái vừa mới sắm. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi xanh mướt, trĩu quả, ông Mười cho biết, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao, việc ứng dụng công nghệ sinh học IMO vào sản xuất được xem là giải pháp hữu hiệu. Theo đó, với triết lý “trả lại cho đất những gì đã lấy từ đất”, ông Mười còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong vườn như bưởi non, bưởi dạt, sả, ớt… để ủ với chế phẩm sinh học IMO tự tạo gồm chuối, sữa chua, cám gạo để tạo ra thuốc trừ sâu thảo mộc và phân hữu cơ. Đáng chú ý, toàn bộ quá trình ủ đều được ông thực hiện bằng máy móc như máy tạo oxy để trộn đều các chế phẩm sinh học, máy cày đảo phân…

“Tôi muốn sản xuất ổn định, lâu dài và giữ được giá trị dinh dưỡng của đất nên quyết định đi theo hướng làm nông sản sạch. Ứng dụng IMO cải tạo được đất, giúp hệ vi sinh trong đất tốt, ức chế vi sinh có hại cho đất, giảm thiểu thuốc BVTV trong vườn”, ông Mười nói.

5ac0b3ea39fee0a0b9ef

Nhờ IMO, ông Mười Tẻo giảm chi phí đầu vào, năng suất bưởi vẫn đạt từ 25 - 30 tấn/ha. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Mười, nhờ cách làm bài bản, khoa học, bưởi phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, mẫu mã đẹp, năng suất cao. Hiện bình quân mỗi ha bưởi cho năng suất từ 25 - 30 tấn, đây là năng suất đáng mơ ước của nhiều nhà vườn trong vùng. Ngoài ra, nhờ sản xuất theo hướng sạch, bưởi của gia đình ông còn được các thương lái đến tận vườn thu mua cao hơn giá thị trường từ 20 - 30%. Với giá bán cao, bình quân mỗi năm 1ha bưởi của ông đem lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng, trong khi toàn bộ chi phí chăm sóc bưởi chưa đến 100 triệu đồng/ha. Mỗi năm vườn bưởi gia đình đem lại thu nhập không dưới 5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Tương tự, HTX Bình Lợi là một trong những HTX đầu tiên tại huyện Vĩnh Cửu ứng dụng thành công IMO vào sản xuất.  Anh Trần Hoàng Thiện, Giám đốc HTX Bình Lợi cho biết, HTX hiện có 14 thành viên với tổng diện tích gần 50ha bưởi. Nhận thấy ứng dụng IMO không những giúp giảm chi phí đầu tư mà còn giúp thành viên hình thành thói quen sản xuất tốt hơn, từ năm 2019, HTX đã tổ chức mở các lớp tập huấn về IMO cho các thành viên, đến nay 100% thành viên đã áp dụng vào sản xuất. Hiện sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã được chứng nhận VietGAP và OCOP 3 sao của tỉnh, mở ra cơ hội xuất khẩu bưởi của địa phương. Bưởi của HTX đã được các đối tác, các hệ thống siêu thị đặt hàng với giá ổn định, giúp thành viên yên tâm sản xuất.

070_Vinhbptv2230.00_35_45_11.Still012

Vườn bưởi ứng dụng IMO vào sản xuất của HTX Bình Lợi. Ảnh: Trần Trung.

“Để được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP, nhà vườn đã tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, cách sử dụng và liều lượng phân bón, thuốc BVTV. Ngoài IMO, các kỹ thuật tiên tiến được áp dụng như: Hệ thống tưới phun dưới tán tự động giúp giảm thiểu mật số nhện hại (đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây bưởi); tạo tiểu khí hậu tốt cho vườn bưởi, tiết kiệm nước tưới và giúp mẫu mã trái đẹp hơn; kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cho cây bưởi; áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp IPM…”, anh Trần Hoàng Thiện nói

Theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Cửu, bưởi là cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích gần 1.300ha. Xác định việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, cân bằng sinh thái trong đất, phát triển nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái của địa phương nên giải pháp IMO được huyện chọn triển khai trong đề án nông nghiệp hữu cơ và minh bạch nguồn gốc sản phẩm sinh học giai đoạn 2020 - 2025.

DSCN8825

11 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Cửu đã đồng loạt ứng dụng IMO vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện toàn bộ 11 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Cửu đã đồng loạt ứng dụng IMO vào sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển nền nông nghiệp sạch. Trong các năm tiếp theo, huyện Vĩnh Cửu sẽ giới thiệu IMO đến 121 xã nông thôn toàn tỉnh Đồng Nai, tạo điều kiện cho nhiều nông dân cả nước tham quan thực tế mô hình”, ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Cửu nhấn mạnh.

 “Chìa khóa” giải quyết rác thải sinh hoạt

Nguồn rác hữu cơ trong sinh hoạt tương đối lớn, nếu trực tiếp thải ra môi trường hoặc đốt bỏ sẽ gây ô nhiễm, trong khi đó nếu được tái sử dụng sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả việc ứng dụng IMO, tỉnh Đồng Nai còn thực hiện phong trào phân loại rác thải tại nguồn để tạo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ. Đây cũng là giải pháp góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và giúp các địa phương giải bài toán tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

DSCN8817

Người dân xã Bình Lợi phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn. Ảnh: Trần Trung.

Bình Lợi là xã đi đầu của huyện Vĩnh Cửu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Trong đó, với phong trào xây dựng nếp sống xanh gắn với công nghệ sinh học IMO, xã thực hiện tốt tiêu chí về môi trường nhờ người dân tích cực thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó, 5/5 ấp với 100% hộ dân đã đăng ký thu gom rác thải; chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung được thu gom và xử lý theo quy định.

Đến ấp 1 xã  Bình Lợi, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của làng quê nơi đây. Những con đường ven sông sạch sẽ; các hàng cây rợp lá xanh mướt... Thành quả này là nhờ sự nỗ lực của mỗi cán bộ, nhân dân trong ấp từ phong trào xây dựng nếp sống xanh gắn với công nghệ sinh học IMO, triệt để thu gom rác thải, chất thải rắn phân loại, xử lý ở khu dân cư tập trung.

Bà Cao Thị Hồng, Trưởng ấp 1, xã Bình Lợi cho biết, cụ thể hóa phong trào xây dựng nếp sống xanh gắn với công nghệ sinh học IMO, khu dân cư kiểu mẫu của ấp đang tích cực thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Mô hình này được người dân ủng hộ vì không chỉ góp phần giữ gìn khu dân cư luôn sạch đẹp, giảm hẳn tỷ lệ rác thải ra môi trường mà còn tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ sau phân loại làm nguyên liệu làm phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào.

DSCN8845

Rác hữu cơ được người dân tận dụng ủ làm phân bón qua phương pháp IMO giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

“Để phong trào thành công, mỗi người dân bắt đầu từ những việc làm đơn giản tại chính tổ ấm của mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng tôi í ới gọi nhau quét dọn vệ sinh từ nhà ra ngõ. Chiều về, ai nấy đều tranh thủ cuốc đất, ủ phân bón IMO, trồng rau, hoa, cây cảnh. Nhà này nhìn nhà kia, cứ thế học hỏi lẫn nhau. Nhờ đó, ấp 1 không chỉ được “thay áo” mới mà các chị em cũng có thêm thu nhập cho sinh hoạt hàng ngày”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, ông Trần Trung Hiếu cho biết, xây dựng làng quê không rác thải không đơn thuần là việc thu gom rác thải, vệ sinh môi trường mà mục tiêu hướng đến là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Để có được kết quả đó, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi, đổ rác đúng nơi quy định; giữ vệ sinh nguồn nước, chuồng trại chăn nuôi; ứng dụng chế phẩm vi sinh IMO vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từ đó, từng bước xây dựng, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

“Phong trào xây dựng nếp sống xanh gắn với công nghệ sinh học IMO đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của mỗi người dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi gia đình. Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ thành thị đến nông thôn, bớt đi nhiều rác thải, thêm nhiều màu xanh cây trái là những hành động thiết thực tạo nên diện mạo mới cho mảnh đất và con người Đồng Nai”, ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.

DSCN8812

Quang cảnh một góc tuyến đường NTM kiểu mẫu tại xã Bình Lợi. Ảnh: Trần Trung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi cho rằng, với khối lượng phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn/ngày, mức tăng bình quân 5%/năm, rác thải sinh hoạt là nguồn tài nguyên vô tận cho ngành tái chế. Mô hình tái chế chất thải thành phân bón là giải pháp bảo vệ môi trường hữu ích và bền vững, không chỉ góp phần giải quyết được những vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt mà còn góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Ông Võ Văn Phi dẫn chứng tại huyệnVĩnh Cửu, trước đây rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn khá nhiều và hầu như không được thu gom, xử lý đúng cách. Trên các trục đường, kênh mương, vùng sản xuất nông nghiệp đâu đâu cũng có rác. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều hộ gia đình trồng cam, quýt quy mô lớn phải đi xin rác ở các chợ từ hộ dân khác về ủ làm phân bón. Các đoàn thể cũng tự ủ phân bón để làm đường hoa. Người dân nông thôn tự động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt mà không cần phải nhắc nhở.

“Mô hình tái chế chất thải thành phân bón là giải pháp bảo vệ môi trường hữu ích và bền vững, không chỉ giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt mà còn góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Do đó, tỉnh đã chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025”, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.

Trần Trung

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm