Thứ tư, 25/12/2024 | 11:34 GMT +7
Anh Hoàng Xuân Giang - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng kể rằng ở quê mình có hai anh em ngồi ăn giỗ, uống rượu rồi tranh luận, người bảo con tép là con tôm nhỏ, người bảo con tép là con tép, chẳng ai chịu ai đến cả chục năm nay vẫn chưa hòa thuận. Nếu là anh ở bữa đó, sẽ chỉ hỏi một câu rằng: “Con tép có trứng không?” là ngã ngũ ngay. Bởi lẽ, nguyên tắc thủy sản khi có trứng đồng nghĩa với không thể to hơn nhiều được nữa, chưa bằng cái đầu đũa.
Muốn nuôi tép phải có ba điều kiện gồm chất đất, chất nước (nước phù hợp nhất để hơi lợ), giá thể là rong làm chỗ cư trú và nguồn dinh dưỡng là các loại tảo. Bên trong con đê của xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng là những dãy đầm trải dài hội tụ đủ những điều kiện ấy. Anh Lương Văn Nhanh vốn là người nuôi tép thuê cho các ông chủ đầm nhưng do không có hiệu quả nên họ đều bỏ cuộc. Thấy cơ hội nên năm 2020 anh đã thuê cái đầm rộng hơn 1ha để tự nuôi, lấy công làm lãi.
Anh kể, trước đây trong nuôi trồng thủy sản chẳng ai để ý đến con tép mà toàn chú tâm vào con cá, con tôm, con cua. Giờ thị trường ưa chuộng tép, lại chẳng mất vốn đầu tư nên một số người mới chuyển đối tượng phụ thành chính.
Gọi là nuôi nhưng con tép theo nguồn nước mà tự sinh ra chứ không phải thả giống. Bởi thế mà chủ đầm chỉ việc giữ môi trường sao cho phù hợp, có nhiều rong ống để chúng làm nơi trú ẩn và thả phân hữu cơ như phân gà, phân lợn đã ủ hoai xuống gây tảo để cho tép ăn. Gây nuôi tép đòi hỏi môi trường phải sạch nên có thể nói đây là mô hình sinh thái, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Ngày nào anh Nhanh cũng thu tép bằng cách đơm lờ bát quái hoặc riu, lúc rộ được hơn 10kg, còn bình thường được 7 - 8kg. Xưa tép là thức ăn của nhà nghèo, lúc riu được nhiều thì chỉ về phơi khô trữ ăn dần, nhưng giờ bán luôn tại chỗ cũng mỗi kg 140.000đ, chế biến thành nhiều món như nộm kẹp bánh đa, rang lá chanh với mỡ hành...
Năm nào thời tiết đẹp, ít mưa thì tép đậu, tức sản lượng nhiều, còn năm nay mưa nhiều, tép ít đậu. Thiên địch của tép là cá nhưng anh Nhanh không lọc ra mà cứ để chúng tự đấu tranh sinh học. Với hơn 1ha đầm, mỗi năm anh Nhanh thu khoảng 250 - 300 triệu đồng mà chỉ mất có mấy triệu đồng tiền mua phân gà, phân lợn để ủ phân hữu cơ vi sinh gây nuôi tảo cho tép. Tỷ suất lợi nhuận có thể nói là cao nhất trong các đối tượng nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Tiên phong về mô hình nuôi tép trong vùng là ông Vũ Văn Đoàn. Hiện ông đã chuyển giao đầm cho người con tên An quản lý. 2 năm nay anh An dành ra 3ha để thực hiện mô hình nuôi tép.
“Hồi bố tôi nuôi đối tượng cá nước ngọt thì tép rất sẵn nhưng sau này khi tôi chuyển sang nuôi các đối tượng nước mặn chúng đã chết hết. 2 năm trước tôi đã chuyển sang nuôi các đối tượng nước ngọt, mua lại giống tép về nuôi. Mỗi tháng 15 ngày tôi thu, 15 ngày không thu để chúng sinh sản, mỗi lần được khoảng 30kg nên mỗi năm cũng được 500 - 600 triệu đồng. 20ha còn lại tôi đang gây giống tép, do có nhiều cá rô Phi giá trị thấp, phải loại bỏ hết để chúng không ăn tép, chỉ để lại cá vược giá trị cao.
Trong quá trình nuôi tôi thấy tép cũng có bệnh, nguy hiểm nhất là bệnh hồng thân lây từ tôm sang, không có cách gì trị được, cứ để chúng tự chết nhưng sẽ không chết hết, số còn lại sinh sôi tiếp”, anh An cho biết.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thư - Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Khuyến nông Tiên Lãng cho biết, mô hình nuôi tép có khả năng phát triển trên diện rộng nếu người dân hiểu được đặc tính sinh học của chúng. Hiện huyện có hàng ngàn ha ao, đầm nước ngọt, cộng với hàng ngàn ha ao, đầm nước lợ hoàn toàn phù hợp với nuôi tép.
Ngoài ra ở trong đồng, diện tích đất trũng đang trồng lúa có thể kết hợp nuôi tép được nếu như canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt ốc bươu vàng, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và không lạm dung phân bón hóa học. Tuy nhiên hiện lại chưa có hộ nào đi theo hướng này.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.
TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.
TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.