Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:28 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 16:20, 21/04/2023

Sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, bán 1,5 triệu đồng/kg

LÂM ĐỒNG Để nâng cao giá trị cho hoa hồng và các loại thảo dược, chị Triệu Thị Loan (Lâm Đồng) bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ và chế biến thành trà, tinh dầu...

Mô hình sản xuất hoa hồng và các loại cây dược liệu để chế biến trà, tinh dầu được chị Triệu Thị Loan (ngụ thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) thực hiện từ năm 2019. Nữ chủ vườn cho hay, chị theo học và tốt nghiệp ngành khoa học cây trồng ở Israel và đến năm 2017 trở về quê làm việc cho một công ty chuyên về nông nghiệp ở địa phương.

Đến năm 2019, chị Loan quyết định nghỉ việc và bắt tay vào khởi nghiệp với mô hình trồng và sản xuất các loại trà, chiết xuất tinh dầu thảo dược.

“Với tổng diện tích 0,7ha (7.000m2), tôi chia thành các phân khu để trồng các loại như hoa hồng, hương thảo, sả, hoa cúc, hoa lài, cỏ ngọt… Tất cả cây trồng đều phải tuyển chọn một cách kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng”, chị Triệu Thị Loan chia sẻ.

Để làm được mô hình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ, gia đình chị Triệu Thị Loan buộc phải tuân thủ các quy trình ngặt nghèo. Ảnh: Minh Hậu.

Để làm được mô hình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ, gia đình chị Triệu Thị Loan buộc phải tuân thủ các quy trình ngặt nghèo. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo nữ chủ vườn, trong các loại cây trồng, hoa hồng là cây trồng phổ biến trên thị trường, đặc biệt là ở Đà Lạt. Hoa hồng có đến hàng trăm giống khác nhau và để tìm được loài phù hợp với nhu cầu sản xuất, gia đình chị Loan phải dày công chọn lựa và đưa vào trồng thử nghiệm để đánh giá.

“Sau thời gian chọn lọc, gia đình nhận thấy giống hoa hồng bản địa ở Đà Lạt có sự sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và có khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt. Đặc biệt, giống hoa này cho hoa với màu sắc đẹp, phấn và mùi thơm phù hợp cho các dòng sản phẩm tinh chế nên gia đình tập trung phát triển”, chị Triệu Thị Loan nói.

Hiện nay, mô hình trồng hoa hồng và các loài thảo dược dùng làm nguyên liệu chế biến trà, tinh dầu được gia đình chị Triệu Thị Loan thực hiện theo quy trình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ.

Theo nữ chủ vườn, các sản phẩm như trà, tinh dầu cần đảm bảo về chất lượng để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Cách làm này cũng giúp người làm vườn, các khâu tinh chế ở nhà máy tránh được những yếu tố độc hại, đặc biệt là quy trình sản xuất vẫn đảm bảo được sự xanh sạch của môi trường.

Để làm được mô hình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ, gia đình chị Loan buộc phải tuân thủ nhiều biện pháp. Trong đó bao gồm vùng cách ly, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường đất, nước tưới… Chị Loan cho biết, hiện nay, để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển, chị sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh và tuyệt đối không sử dụng phân bón hoá học. Đối với biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, gia đình sử dụng các loại chế phẩm sinh học, nhiều trường hợp phải trừ sâu hại bằng biện pháp thủ công.

Sản phẩm trà hoa hồng hữu cơ đang được gia đình chị Triệu Thị Loan bán với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm trà hoa hồng hữu cơ đang được gia đình chị Triệu Thị Loan bán với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Chị Loan thổ lộ: “Những ngày đầu làm theo nông nghiệp hữu cơ gia đình gặp nhiều khó khăn. Đối với mô hình thông thường thì chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học lên là sâu, bệnh hại nhanh chóng được diệt trừ. Còn khi thực hiện quy trình hữu cơ, dùng chế phẩm sinh học thì việc diệt trừ sâu, bệnh hại phải mất thời gian lâu hơn nhiều lần”.

Sau 4 năm kiên trì với các quy trình ngặt nghèo của nông nghiệp hữu cơ, vườn hoa và cây thảo dược của gia đình chị Loan đã có được sự cân bằng hệ sinh thái, cây khoẻ mạnh, phát triển ổn định. Cây trên vườn cứng cáp, có sức kháng sâu bệnh hại tốt hơn trước nên việc chăm sóc, phát triển trở nên thuận lợi.

Khi có nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn, gia đình chị Loan bắt tay vào quy trình tinh chế sản phẩm. Hiện nay, chủ vườn cho ra đời các sản phẩm như trà hoa hồng hữu cơ, tinh dầu hoa hồng, bột hoa hồng, trà cỏ ngọt, tinh dầu sả chanh, hương thảo…

Về quy trình chế biến sản phẩm trà hoa hồng hữu cơ, chị Loan chia sẻ: Để mẻ trà đạt chất lượng, chị phải tổ chức hái hoa hồng vào 10 giờ sáng, sau đó chuyển qua quy trình chọn lọc, làm sạch và đưa vào hệ thống sấy lạnh. Quy trình sấy lạnh phải được thực hiện trong thời gian 24 giờ, sau đó sản phẩm sẽ được chuyển qua khâu đóng gói, đưa ra thị trường. Hiện nay, tuy sản lượng chưa nhiều nhưng các sản phẩm trà hoa hồng được gia đình chị Loan bán cho đối tác với giá từ 1 – 1,5 triệu đồng/kg.

Các sản phẩm tinh dầu và trà đang được gia đình chị Triệu Thị Loan sản xuất để cung ứng theo hợp đồng của khách hàng. Ảnh: Minh Hậu.

Các sản phẩm tinh dầu và trà đang được gia đình chị Triệu Thị Loan sản xuất để cung ứng theo hợp đồng của khách hàng. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với các sản phẩm tinh dầu hoa hồng, tinh dầu thảo dược, hiện gia đình chị Loan chủ yếu tập trung sản xuất theo các đơn đặt hàng. “Nguồn khách hàng đặt các sản phẩm trà, sản phẩm tinh dầu ở TP.HCM và các tỉnh thành trong nước. Khách hàng thường đặt để làm nghiên cứu khoa học, phát triển mỹ phẩm…”, chị Loan chia sẻ.

Cũng theo chủ vườn, hiện nay mô hìnih sản xuất trà hoa hồng hữu cơ, tinh dầu thảo dược đã bước qua năm thứ 4 và các sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, lượng đơn đặt hàng ngày càng lớn. Hiện doanh thu từ việc cung ứng các sản phẩm tinh chế ra thị trường của gia đình chị Loan ít nhất đạt 50 triệu đồng/tháng.

Chị Loan thổ lộ: “Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là nâng được giá trị cho các loại cây trồng. Do vậy, thời gian sắp tới, tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, mở rộng khu chế biến và liên kết với các hộ dân ở địa phương để phát triển mô hình”.

Minh Hậu

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm