Thứ hai, 25/11/2024 | 10:13 GMT +7
Năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm bắt đầu ký kết hợp tác với UBND tỉnh Hà Tĩnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực chính doanh nghiệp này tham gia là trồng trọt và chăn nuôi các đối tượng chủ lực của tỉnh.
Khởi đầu là mô hình thử nghiệm 1,5ha lúa hữu cơ giống DT39 trong vụ xuân 2022 tại xã Hương Minh, huyện Vũ Quang. Từ thành công của mô hình này, đến nay Quế Lâm đã mở rộng và nâng tổng diện tích lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt trên 500ha, trong đó hơn 100ha sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. Các mô hình được thực hiện tại các huyện trọng điểm về sản xuất lúa của Hà Tĩnh như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà…
Vụ xuân năm 2024, xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc) mở rộng diện tích triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng máy cấy đối với giống DT39 từ 2ha lên 5ha tại thôn Vân Cửu. Hiện nay cây lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến khoảng 18 - 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch.
Theo anh Nguyễn Tiến Chương, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ thôn Vân Cửu, quá trình hợp tác với doanh nghiệp, bà con nông dân được hướng dẫn sát sao quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế thấp nhất phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tốt; tôm, cua, cá… xuất hiện nhiều trở lại trong khu vực thực hiện mô hình. Quan trọng hơn, bà con nông dân đang dần làm quen với quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, tạo ra những giá trị mới trong sản xuất.
Tại huyện Cẩm Xuyên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm liên kết với 28 hộ gia đình thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh sản xuất đậu tương và dưa hấu hữu cơ trên diện tích 1,8ha. Vào đầu tháng 4/2024, các hộ dân đã đồng loạt xuống giống đậu tương dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Tập đoàn.
Ông Nguyễn Trọng Quế, người tiên phong thực hiện mô hình cho biết, gia đình ông sản xuất trên diện tích hơn 2 sào, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc BVTV trong suốt quá trình gieo trồng, chăm sóc.
“Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ thành công, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn vừa giúp người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo hướng hữu cơ”, ông Quế nói.
Chia sẻ về chủ trương liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, ông Bùi Đức Hồng cho rằng, đây là xu thế và là định hướng lâu dài của Bộ NN-PTNT, tỉnh, huyện. Riêng với Cẩm Vịnh, diện tích đang thực hiện mô hình trước đây vốn là vùng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Khi liên kết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cung cấp đầy đủ quy trình kỹ thuật, cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nên người dân đồng tình cao.
"Lãnh đạo xã sẽ thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây trồng để có định hướng chăm sóc cụ thể cho bà con nông dân. Sau khi gieo trồng đậu tương (khoảng 3 tháng), Cẩm Vịnh sẽ triển khai thêm mô hình trồng dưa hấu hữu cơ tại vùng này", ông Hồng cho biết.
Ngoài Cẩm Xuyên, vụ xuân 2024, Quế Lâm tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất dưa hấu hữu cơ theo hướng hàng hóa tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà trên diện tích hơn 3.000m2.
Khi tham gia mô hình này, nông dân được làm quen với kỹ thuật sản sản xuất tiêu chuẩn “5 không”: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không dư lượng thuốc hóa học độc hại. Toàn bộ quá trình gieo trồng, chăm sóc đều sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học.
Trên cơ sở hiệu quả các mô hình đã đạt được trong 3 năm qua, thời gian tới, Quế Lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức cho nông dân và cán bộ các huyện, thị xã tại tỉnh Hà Tĩnh tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn thuộc hệ sinh thái của Quế Lâm; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình làm kinh tế nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn...
“Chúng tôi sẽ ưu tiên xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn như: Phát triển mô hình mạ khay - máy cấy và xử lý ruộng bằng chế phẩm sinh học trên lúa hữu cơ trong vụ hè thu 2024; tổ chức sản xuất, khảo nghiệm mô hình trồng dưa hấu hàng hóa hữu cơ tại các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh; hợp tác sản xuất cam, bưởi theo hướng hữu cơ… nhằm xây dựng nền tảng sản xuất nông nghiệp mới - nông nghiệp xanh, phát triển bền vững”, ông Nguyễn Trọng Hương, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm chi nhánh Hà Tĩnh thông tin.
YÊN BÁI Khi sử dụng vật tư đầu vào sinh học, giun trong đất tăng lên, độ tơi xốp được cải thiện, cây trồng sinh trưởng tốt, giảm được nhiều chi phí.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.