Thứ sáu, 17/05/2024 | 04:37 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 08:00, 04/10/2021

Quảng Ninh với chiến lược chuyển tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đang tích cực nghiên cứu, xây dựng đề án, tham mưu với UBND tỉnh phát triển nông nghiệp hữu cơ theo từng giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2030.

Khó khăn về đầu ra sản phẩm hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ được xem là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực sự có quy mô.

Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc như cung cấp chất dinh dưỡng thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ bởi vi sinh vật hoặc từ các khoáng chất, phù sa sông suối. Bên cạnh đó, việc phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại chủ yếu bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện một số mô hình bắt đầu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất như Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ khoa học Thái Dương sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới tại Thị xã Quảng Yên; trang trại Tuyết Tuyến trồng rau hữu cơ tại TP Hạ Long...

Tuy nhiên, các mô hình trên mới chỉ dừng lại ở bước đầu, còn manh nha, nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cho biết, đầu ra sản phẩm là nhân tố quyết định của sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn khó khăn nhất của sản phẩm hữu cơ hiện nay.

Để có sản phẩm hữu cơ đòi hỏi rất nhiều điều kiện nên nông nghiệp hữu cơ không có được mức tăng trưởng nhanh như sản xuất nông nghiệp thâm canh. Bên cạnh đó, việc sản xuất cần hàng loạt các chi phí khiến giá sản phẩm ở mức cao, người tiêu dùng đứng trước nhiều sự lựa chọn nên đầu ra gặp khó khăn.

Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới tại Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ khoa học Thái Dương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới tại Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ khoa học Thái Dương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Trần Thị Doanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ khoa học Thái Dương cho biết, công ty đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới từ Viện Sinh học nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Với diện tích 500m2, công ty đã xây dựng mô hình rau hữu cơ với 3 loại rau gồm cà chua, dưa chuột, rau cải. Qua gần 1 năm triển khai, hiện tại, sản phẩm đang phân phối ổn định tại một số cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Hạ Long, Hà Nội, Hải Phòng...

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có một nghịch lý đang tồn tại giữu sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, đó là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra”, bà Doanh chia sẻ.

Ngoài ra, người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, phân biệt, lựa chọn sản phẩm hữu cơ nên khó chấp nhận sản phẩm với giá thành cao. Thêm vào đó, quy trình sản xuất hữu cơ đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt, chi phí đầu tư lớn, thời gian dài. Điều đó khiến cho các cơ sở sản xuất không dám “mạo hiểm”.

Chuyển mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”

Phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế.

Hiện nay, đa số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Quảng Ninh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính hàng hóa lớn do khó khăn về tiêu thụ so với sản phẩm thông thường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, đa số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Quảng Ninh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính hàng hóa lớn do khó khăn về tiêu thụ so với sản phẩm thông thường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trước đây, do quá chú trọng tới năng suất nên ngành nông nghiệp đã sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV để tăng năng suất, bảo vệ cây trồng. Sau một thời gian, đất bị ô nhiễm, tích tụ lượng tồn dư hóa chất độc hại cho sản phẩm nông nghiệp.

Do yêu cầu thị trường về chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường sống bền vững, ngành nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất theo nông nghiệp giá trị, đòi hỏi chất lượng cao, hạn chế tới mức thấp nhất tồn dư hóa chất cũng như các chất gây hại trong sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, việc phát triển mang tính hệ thống, ổn định và bền vững đi đôi với xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu nông nghiệp hữu cơ là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, do năng suất, sản lượng sản xuất hữu cơ thấp, chi phí sản xuất cao nên đến nay các mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh chưa thể mở rộng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình nào sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, hiện nay, Sở NN-PTNT đang tích cực nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh Quảng Ninh, xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh theo từng giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2030.

Quảng Ninh đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ cho từng giai đoạn, định hướng tới năm 2030. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quảng Ninh đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ cho từng giai đoạn, định hướng tới năm 2030. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.

Ở lĩnh vực trồng trọt, đề án sẽ tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà... Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề án xây dựng sẽ tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái; trong đó, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ 10 - 15%.

Để thực hiện những mục tiêu này, Sở NN-PTNT đang tham mưu với tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ như: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ (điều tra cơ bản; khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước...); hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Thành, trước mắt, cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản. Những khó khăn hiện nay đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, để từ đó có những giải pháp tốt nhất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn.

Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan ban ngành và cơ sở sản xuất.

Tiến Thành - Phạm Hiếu

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

NGHỆ AN Nâng cao năng suất, chất lượng, cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái là những giá trị mà mô hình áp dụng IPHM mang lại.  

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

QUẢNG BÌNH Nhờ canh tác trồng bưởi theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỷ từ vùng đất gò đồi trước đây sản xuất kém hiệu quả.

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Việc xây dựng các chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

BẮC GIANG Chiếc chài trong tay ông Vũ từ từ kéo lên, trong đó mấy con chép, trôi của vụ lúa cá trước giãy ầm ầm. Chọn lấy ba con to nhất ông đem về đãi khách.

Nông dân xứ Lạng chưa mặn mà sản xuất rau hữu cơ

Nông dân xứ Lạng chưa mặn mà sản xuất rau hữu cơ

Hiện nay, nông dân tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa mặn mà với việc chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ do chi phí sản xuất lớn, tiêu thụ khó khăn.

Xem Thêm