Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:44 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 17:05, 06/07/2022

Phát triển hữu cơ tại Việt Nam và bài học từ Sri Lanka

Câu chuyện khủng hoảng lương thực và lạm phát tại đất nước Sri Lanka gợi mở rất nhiều bài học quý báu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay.
Sri Lanka, từ một quốc đảo thiên đường du lịch nay rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực và vỡ nợ. Ảnh: TL.

Sri Lanka, từ một quốc đảo thiên đường du lịch nay rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực và vỡ nợ. Ảnh: TL.

Từ cuộc đại thí nghiệm hữu cơ hóa nền nông nghiệp tại Sri Lanka

Các bậc cha mẹ người Việt Nam cũng như tất cả phụ huynh trên trái đất này ai cũng mong muốn cho con, cháu mình được ăn lương thực, thực phẩm, rau quả sạch. Sạch theo nghĩa là không bị ô nhiễm hóa chất, phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất bảo quản...

Vì vậy, nếu ai may mắn có được mảnh vườn nho nhỏ đều cố gắng sử dụng phân xanh, phụ phẩm chăn nuôi để chăm bón cây trồng, rau củ quả phục vụ gia đình mình. Dĩ nhiên, họ sẽ thu được sản phẩm sạch, nhưng năng suất thường không như ý.

Nền nông nghiệp Việt Nam khoảng những năm 1960 trở về trước chủ yếu phát triển theo xu hướng này nên năng suất không cao. Do năng suất rất thấp cùng tình trạng phải đối phó với các cuộc chiến tranh đã gây ra sự thiếu đói thường xuyên trong xã hội.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, do chưa sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên nông nghiệt Việt Nam thời bấy giờ mới là nền nông nghiệp “hòa hợp thiên nhiên, thân thiện môi trường”. Và nhờ được ăn những loại rau quả, thực phẩm sạch mà ông bà, tổ tiên của chúng ta khỏe mạnh, ít bệnh tật hơn con cháu hiện nay.

Gần đây, ở Việt Nam đã có xu hướng cổ súy cho phong trào nhà nhà, người người làm nông nghiệp hữu cơ. Vậy một quốc gia có thể sống hoàn toàn bằng canh tác các sản phẩm hữu cơ hay không?

Thật may mắn, thời gia qua chúng ta đã có câu trả lời đích đáng cho câu hỏi này nhờ vào kết quả của cuộc "đại thí nghiệm" được Tổng thống Sri Lanka áp dụng trong khuôn khổ quốc gia 22 triệu dân này.

Nông dân Sri Lanka canh tác hữu cơ. Ảnh: TL.

Nông dân Sri Lanka canh tác hữu cơ. Ảnh: TL.

Tổng thống hiện tại của Sri Lanka, ông Gotabaya Rajapaksa trong chiến dịch tranh cử năm 2019, đã tuyên bố rằng: Trong vòng 10 năm tới, Sri Lanka sẽ hoàn toàn chuyển sang canh tác hữu cơ tự cung tự cấp. Ông từ chối chi ra số tiền nửa tỷ đôla Mỹ mỗi năm cho việc nhập khẩu phân bón hóa học. Tổng thống quyết định sẽ thay thế hoàn toàn phân hóa học bằng các loại phân chuồng, phân xanh và các chế phẩm hữu cơ khác.

Quyết định này đã gây ra sự ngạc nhiên và sau đó là lo ngại đến cao độ cho các nhà nông học Sri Lanka và các chuyên gia nước ngoài tại Viện Breakthrough (Trung tâm nghiên cứu về môi trường). Các chuyên gia đã rất vất vả và tích cực giải thích những sự thật cơ bản trong lĩnh vực sinh học cho ngài Tổng thống trước khi ông tung ra chính sách trên với những luận điểm sau:

Thứ nhất, việc cho rằng nền nông nghiệp thời tiền công nghiệp tồn tại trong sự hài hòa hơn với thiên nhiên chỉ là một huyền thoại. Trước khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, dân số thế giới khi đó chưa quá 1 tỷ người, nhưng ba phần tư rừng tự nhiên trên thế giới đã bị phá hoại.

Nền nông nghiệp tự cung tự cấp, du canh, du cư đang phát triển rộng rãi khi đó có năng suất rất thấp, buộc người dân phải liên tục chuyển đổi đất rừng và thảo nguyên thành đất canh tác và đồng cỏ chăn nuôi. Do đó, đất đai nhanh chóng bị bạc màu.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp không hóa học trước đây đều hướng đến việc sản xuất lương thực, thực phẩm. Do năng suất lao động thấp nên phải huy động tới hơn 90% dân số thế giới tham gia vào lao động trong lĩnh vực này.

Ngày nay, ở các nước phát triển, chỉ có khoảng trên dưới 4% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngay cả ở các nước đang phát triển, lao động trong lĩnh vực này cũng đã giảm dần xuống chỉ còn 45 - 50%.

Khi chuyển đổi sang sản xuất thực phẩm hữu cơ, năng suất cây trồng sẽ bị sụt giảm từ 30 - 50% và một số lượng lớn cư dân phi nông nghiệp sẽ buộc phải quay trở lại công việc đồng áng do phải chi nhiều nhân công hơn cho việc bón phân và nhổ cỏ bằng tay...

Thứ ba, dân số thế giới hiện nay vào khoảng 7,7 tỷ người, nghĩa là đã tăng hơn gấp đôi kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nhờ có nguồn dinh dưỡng trong phân bón tổng hợp và các công nghệ hiện đại khác, sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng gấp hơn ba lần, nhờ đó có thể nuôi sống gần 8 tỷ người. Nhưng trong đó chắc chắn khoảng 4 tỷ người sẽ chết đói nếu năng suất cây trồng không tăng nhờ phân bón tổng hợp.

Quan điểm cho rằng Sri Lanka sẽ có thể thay thế phân vô cơ bằng phân hữu cơ mà không gây ra hậu quả thảm khốc cho ngành nông nghiệp là không tưởng. Để thay thế lượng dinh dưỡng nitơ mà phân bón tổng hợp cung cấp cho nông nghiệp (theo số liệu năm 2019) người ta sẽ phải cần một lượng phân bón hữu cơ lớn gấp 5 - 7 lần để cung cấp cho các trang trại. Đấy là chưa kể đến các nhu cầu dinh dưỡng khác như phốt pho, kali....

Áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ khiến xuất khẩu chè Sri Lanka mất 425 triệu USD. Ảnh: TL.

Áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ khiến xuất khẩu chè Sri Lanka mất 425 triệu USD. Ảnh: TL.

Thứ tư, lương thực, thực phẩm hữu cơ là sản phẩm thích hợp cho bộ phận dân cư đặc quyền giàu có và nó cũng thực sự mang lại lợi nhuận cho người sản xuất ra chúng. Nhưng theo thống kê của FIBL (Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, năm 2021 có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác và lượng sản phẩm hữu cơ chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng nông nghiệp toàn cầu.

Ví dụ, thị trường chè hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng thị trường chè và Sri Lanka đơn giản là sẽ không bán được chè hữu cơ vì giá của chè canh tác theo phương pháp thông thường vô cùng rẻ.

Tuy nhiên, Tổng thống Sri Lanka đã không quan tâm đến những luận điểm khoa học trên của các chuyên gia. Vào tháng 4/2021, ông đã giao việc thực hiện dự án cho Bộ trưởng Nông nghiệp (người đại diện của phong trào dân sự Viyathmaga ủng hộ tổng thống). Những người này đã chuẩn bị cho chương trình mà một trong những điểm trọng yếu của chương trình này là sản xuất “nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ” và “sự hồi sinh của các giá trị tinh thần truyền thống”.

Kết quả của việc phớt lờ các tính toán khoa học đã tới ngay vào 6 tháng sau. Sản lượng gạo trong nước (loại lương thực chính của người Sri Lanka) giảm 20% và giá gạo tăng lên 50%. Sri Lanka, quốc gia lâu nay tự túc về gạo, buộc phải nhập khẩu lượng ngũ cốc trị giá 450 triệu USD. Ngoài ra, do giảm sản lượng chè, mặt hàng xuất khẩu chính của Sri Lanka (70% tổng sản lượng), người Sri Lanka mất thêm 425 triệu USD.

Nửa triệu người Sri Lanka đã rơi xuống dưới mức nghèo khổ, trong khi mới chỉ cách đây 3 năm trước, Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng Sri Lanka là quốc gia có thu nhập trung bình cao. Họa vô đơn chí, đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành du lịch, mỏ vàng của Sri Lanka, lĩnh vực mang lại một nửa thu nhập ngoại tệ cho nước này.

Mùa thu năm ngoái, Tổng thống Rajapaksa đã cố gắng nới lỏng lệnh cấm sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Nhưng việc này đã quá muộn, giá rau củ quả trong nước đã tăng gấp 4 - 5 lần, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các cuộc bạo loạn đã nổ ra khắp nơi. Người dân Sri Lanka bắt đầu bước vào một nạn đói trầm trọng.

Cuối cùng, vào ngày 22/4/2022, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và đang chờ gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: TL.

Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: TL.

Đến phong trào phát triển hữu cơ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, năm 2012 Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ đã được thành lập. Từ đó đến nay, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định trong lĩnh vực này, nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là việc ngành Nông nghiệp Việt Nam chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ. Thường ta chỉ lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…

Chúng ta cũng chưa có nhiều các tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ. Phần lớn việc chứng nhận hữu cơ đều phải thuê các tổ chức nước ngoài nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các hộ dân đơn lẻ.

Quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ tại Việt Nam còn rất hạn chế, chưa phổ biến, ngay cả tiêu chuẩn về canh tác nông sản hữu cơ cũng còn đang tranh cãi, chưa thống nhất giữa các bộ ngành.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa tin tưởng và đang bị lạc trong mê cung giữa các sản phẩm sản xuất hữu cơ và các loại nông sản thông thường khác. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, đất đai nông nghiệp phân tán, chưa có chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, nên khó khăn trong việc sản xuất quy mô lớn dẫn đến chi phí đầu tư cao, giá bán quá cao.

Ngoài ra, nguồn nhân lực tinh thông sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn quá ít so với nhu cầu, trong khi Việt Nam chưa xây dựng được các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông sản hữu cơ.

Ấy vậy mà một số nhóm chuyên gia vẫn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đi theo xu hướng sản xuất hữu cơ là tất yếu. Từ đó nổi lên một phong trào người người, nhà nhà làm nông nghiệp hữu cơ, trong khi chính những người cổ súy cho phong trào này vẫn còn đang nhầm lẫn giữa canh tác nông sản công nghệ cao, nông sản an toàn với sản xuất nông sản hữu cơ.

Vậy Việt Nam bên cạnh việc sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP có cần thiết phải phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ không? Câu trả lời rõ ràng là cần thiết.

Chúng ta nên chọn ra một số vùng sản xuất nông sản có thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động, thị trường tiêu thụ... để xây dựng những tập thể doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác canh tác theo hướng này. Từ đó, có các sản phẩm nông sản hữu cơ phục vụ nhu cầu cho một số đối tượng thu nhập cao như chuỗi các siêu thị, khách sạn 5 sao trong nước, cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính...

Ngoài ra, trong các gia đình, người dân cũng tự do, thoải mái tham gia vào một “cuộc cách mạng hữu cơ” trên mảnh vườn nhà, ít nhất là để thỏa mãn ý thích của riêng mình và có rau màu thực phẩm sạch cho con cái, người thân an toàn sử dụng hàng ngày mà không ảnh hưởng tới nền nông nghiệp của nước nhà.

Hoàng Tại

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm