Thứ bảy, 27/04/2024 | 21:51 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 06:26, 16/05/2023

Ông chủ trang trại tự tin nếm thức ăn của vật nuôi

QUẢNG TRỊ Ông chủ trang trại thoải mái dẫn khách vào thăm khu vực chăn nuôi lợn nái rồi thản nhiên nếm thức ăn của đàn lợn. Điều này khiến chúng tôi ngỡ ngàng.

Chủ trang trại chuyên gom cơm thừa canh cặn 

Là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng và sản xuất phân bón hữu cơ, anh Nguyễn Đăng Vương tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) khiến nhiều người bất ngờ khi bỏ về quê xây dựng trang trại để chăn nuôi hữu cơ. Những ai hiểu được khát vọng của ông chủ trang trại trẻ tuổi này sẽ càng cảm phục anh.

Anh Nguyễn Đăng Vương (áo đỏ), chủ trang trại chuyên gom cơm thừa canh cặn về ủ lên men để chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Anh Nguyễn Đăng Vương (áo đỏ), chủ trang trại chuyên gom cơm thừa canh cặn về ủ lên men để chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

“Từ năm 2017, doanh nghiệp của tôi làm ăn thua lỗ. Cùng thời điểm đó, tôi có đi tham quan ở Nhật Bản và bị cuốn hút bởi các mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn của nông dân nước bạn. Thế là tôi quyết định tìm hiểu để ứng dụng trên chính quê hương mình”, anh Vương chia sẻ.

Ngày mùng 4 Tết năm 2017, anh Vương cắp sách vào Đồng Nai để học thêm về kỹ thuật lên men vi sinh thức ăn gia súc. Với kiến thức thu lượm được, anh trở về quê đầu tư trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm gà, lợn, bò.

Khác với nhiều người chăn nuôi lớn khác, mỗi ngày 2 lần anh Vương chạy xe trên 30km vào chợ Đông Hà (TP Đông Hà, Quảng Trị) để gom cơm thừa, canh cặn về ủ lên men phục vụ chăn nuôi. Nhiều người ái ngại bởi chợ là nơi lưu hành nhiều loại virus có hại cho vật nuôi nhưng với anh Vương thì không. Toàn bộ những gì gom được ở chợ, anh đem về một khu vực tách biệt, ủ lên men theo đúng quy trình mà mình đã học được.

Các thức ăn này được ủ lên men trong vòng 15 ngày, sau đó sẽ ủ chung với đạm cá, bột ngô, bột lúa gạo, chuối chín, men vi sinh, men tiêu hóa, khoáng, nước men tỏi và một số vị lá thuốc nam. Hỗn hợp này ủ trong vòng 24 - 36h là có thể đem cho gia súc gia cầm ăn.

“6 - 7 năm nay, đàn vật nuôi của gia đình tôi gồm hàng trăm con lợn, hàng chục nghìn con gà, bò chưa hề bị dịch bệnh. Có thể do may mắn nữa nhưng tôi nghĩ, việc mình lên men thức ăn đã tạo sức đề kháng cao cho đàn vật nuôi và tuân thủ quy trình tiêm phòng nên đàn vật nuôi tránh được các dịch bệnh”, anh Vương chia sẻ.

Khu chế biến thức ăn treo hướng dẫn công đoạn lên men, chế biến, ủ thức ăn cho đàn vật nuôi; bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu. Ảnh: Thanh Nga.

Khu chế biến thức ăn treo hướng dẫn công đoạn lên men, chế biến, ủ thức ăn cho đàn vật nuôi; bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu. Ảnh: Thanh Nga.

Điều khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng là tính cách cởi mở của ông chủ trang trại trẻ tuổi này.

Miệng nói, tay làm, anh Vương leo qua các ô chuồng để đỡ đẻ cho lợn. Bên ngoài khu chế biến thức ăn, anh Vương treo các tờ hướng dẫn công đoạn lên men, chế biến, ủ thức ăn cho gia súc. Bất cứ ai cũng có thể vào khu trang trại và tìm hiểu công thức anh Vương đang sở hữu.

“Thế anh không sợ bí quyết chế biến thức ăn của mình bị lộ à”? – chúng tôi hỏi.

Anh Vương cười tươi trả lời: “Tôi muốn cả làng cùng biết, cùng làm theo để giảm chi phí thức ăn, giảm dịch bệnh đàn vật nuôi. Bất cứ ai đến đây tôi đều sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết”.

Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn do anh Nguyễn Đăng Vương thành lập ban đầu có 7 hộ xã viên tham gia, nay đã có 36 thành viên. Tất cả các hộ tham gia HTX đều chăn nuôi, trồng trọt theo cùng một quy trình do anh Vương hướng dẫn. Toàn bộ sản phẩm chăn nuôi anh Vương đều thu mua cao hơn thị trường 10 - 15%, chế biến để bán tại các cửa hàng thực phẩm do mình xây dựng.

Nếm cả thức ăn của lợn

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Vương hiện có 35 lợn nái, 150 con lợn thịt, chủ yếu là lợn địa phương và lai 3 dòng máu; hàng nghìn con gà và 30 con bò. Chúng được nuôi nhốt ở những khu vực tách biệt. Toàn bộ nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi đều do anh Vương tự phối trộn.

Ông chủ trang trại trẻ tuổi dẫn chúng tôi vào khu vực chuồng nuôi lợn nái và không ngần ngại bốc một nắm thức ăn trong bao đưa lên ngửi, sau đó dùng lưỡi nếm thử. Mùi vị thức ăn lên men cuốn hút khiến chúng tôi cũng có cảm giác dễ chịu.

Anh Nguyễn Đăng Vương tự tin nếm thức ăn của đàn lợn. Ảnh: Võ Dũng.

Anh Nguyễn Đăng Vương tự tin nếm thức ăn của đàn lợn. Ảnh: Võ Dũng.

“Thực ra chúng rất an toàn vì quá trình lên men đã ức chế toàn bộ vi khuẩn gây hại và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có lợi sinh sôi phát triển. Đàn lợn của tôi không được nuôi trong môi trường tốt nhất nhưng vẫn có sức đề kháng tốt có lẽ là nhờ những vi khuẩn có lợi này”, anh Vương chia sẻ.

Anh Vương còn có một khu vực rộng 300m2 nuôi ruồi lính đen. Toàn bộ ấu trùng này cũng sẽ được ủ lên men trước khi cho đàn gia súc, gia cầm ăn. Theo anh Vương, thức ăn ủ lên men sẽ kích thích tiêu hóa cho đàn vật nuôi và giảm thiểu được vi khuẩn Ecoli cho gia cầm. Với nuôi bò vỗ béo, theo anh Vương không gì nhanh lớn và tăng trọng nhanh bằng thức ăn ủ lên men của ấu trùng ruồi lính đen.

“Trước đây mất công gom phế phụ phẩm nông nghiệp để nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng nhưng tôi phát hiện ra phân lợn, phân bò nếu qua một số bước xử lý vẫn đảm bảo đàn ruồi phát triển tốt. Từ đó, tôi sử dụng phân lợn, bò để nuôi ruồi lính đen rất hiệu quả”, anh Vương cho biết.

Phân gia súc được sử dụng nuôi ruồi lính đen, nước tiểu gia súc được anh Vương tưới cho vườn cỏ voi để nuôi 30 con bò vỗ béo. Sản phẩm phế thải từ nuôi ruồi lính đen được anh Vương sử dụng trồng 5ha lúa theo hướng hữu cơ. Năng suất lúa tuy chưa cao như kỳ vọng nhưng đều được các đầu mối tại Hà Nội thu mua gần hết. Số còn lại anh Vương sử dụng chế biến miến, phở...

Điều đáng nói, dù nuôi mỗi năm hàng trăm con lợn, hàng chục con bò nhưng anh Vương không xuất lợn hơi, bò hơi. Tất cả đều được đem đến lò mổ sau đó bán tại 2 cửa hàng thực phẩm do anh xây dựng tại TP Đông Hà và một số mối hàng thường xuyên.

Ở trang trại chăn nuôi tổng hợp này, các quy trình đều tuần hoàn khép kín và gần như không bỏ đi thứ gì. Chủ nhân của trang trại cũng đảm nhận hầu hết các công đoạn từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng chế biến thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng chế biến thức ăn cho vật nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

“Nuôi với quy trình này, lợn phải đủ ít nhất 5 tháng mới giết mổ. Tỷ lệ nạc cũng không cao bằng nuôi công nghiệp nhưng tôi tận dụng mỡ sản xuất xúc xích, giò chả. Vì thế, nếu tính ra, mỗi con lợn xuất chuồng đều cho lợi nhuận cao hơn nuôi công nghiệp 25 - 30% và thú thực tôi chưa bao giờ lỗ cho dù giá bò, lợn, gà xuống thấp”, anh Vương phấn khởi.

Anh Vương cho biết thêm, việc tự phối trộn thức ăn và phải sử dụng hết trong một khoảng thời gian ngắn nhiều lúc khiến trang trại khá bị động. Để giải quyết vấn đề này, sắp tới anh sẽ mua máy ép viên để sản xuất thức ăn lên men dự trữ. Nguồn sản phẩm từ chính trang trại sẽ cung cấp cho các hội viên của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tây Sơn với giá ưu đãi để những hộ này giảm chi phí thức ăn, chăn nuôi có lãi.

Ông Lê Đức Quang Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp cho biết, anh Vương không ngại chia sẻ những bí quyết của mình cho những người cùng chung chí hướng. Nhiều người đã đến học hỏi bí quyết chế biến thức ăn gia súc và chăn nuôi từ anh Vương. Có người ở Quảng Bình, có người ở Thái Nguyên, Hà Nam, Đà Nẵng... Họ thường đến thực tế tại trang trại này 1 tuần, có người 3 - 4 tháng. Anh Vương không ngại chia sẻ và đã giúp rất nhiều người ứng dụng thành công.

Võ Dũng - Thanh Nga

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm