Thứ năm, 21/11/2024 | 20:00 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 20:00, 21/11/2024

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Đó là chia sẻ của anh Lê Văn Hoàng, sinh năm 1990, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông - chủ nhân chuỗi thương hiệu cà phê Enjoy Coffee.

Nói về “duyên nợ” với cà phê, anh Hoàng kể, năm 2012, khi mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành kế toán tại TP.HCM xong, trở về Đắk Nông, thay vì tìm việc làm theo chuyên ngành đã học, anh lại dấn thân vào mở quán cà phê pha máy. Để có kiến thức về quy trình pha cà phê, anh lại cất công xuống Sài Gòn học nghề pha chế, sau đó về Gia Nghĩa mở quán cà phê pha máy mang tên Enjoy Coffee.

Anh Lê Văn Hoàng đang giới thiệu quy trình thu hái cà phê chín cho khách tham quan tại trang trại Enjoy Coffee của Công ty. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Lê Văn Hoàng đang giới thiệu quy trình thu hái cà phê chín cho khách tham quan tại trang trại Enjoy Coffee của Công ty. Ảnh: Hồng Thủy.

“Trước giờ khách uống cà phê ở đây và nhiều vùng khác vẫn quen uống loại cà phê có màu đen đậm, đặc hơn. Đây là cà phê rang cháy, trộn thêm phụ gia. Mặc dù không đảm bảo chất lượng, uống nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng họ quen rồi. Ngay thời điểm này, cà phê trộn đang dần hết đất sống, nhưng nhiều người đến quán vẫn gọi loại cà phê đó. Trong khi cà phê pha máy mặc dù nguyên nhất nhưng nhìn lại loãng, uống có cảm giác nhạt hơn. Vì thế những tháng đầu mở quán, khách hàng đến quán rất ít người gọi loại cà phê này, thay vào đó họ uống nước trái cây, sinh tố. Sau gần 1 năm kiên trì thuyết phục, phân tích, những ly cà phê pha máy chất lượng mới dần được khách đón nhận”, anh Hoàng cho biết.

Từ thành công của quán cà phê ban đầu, anh Hoàng thành lập Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông. Đến nay, thương hiệu Enjoy Coffee đã có 8 cửa hàng, 6 ở Gia Nghĩa, 1 ở TP.HCM và 1 ở Hà Nội.

Với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng những ly cà phê sạch, chất lượng cao, năm 2017, anh Hoàng nghiên cứu, tìm hiểu quy trình canh tác cà phê hữu cơ. Anh đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tìm hiểu về cây giống cà phê chất lượng cao do Viện chọn tạo. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, anh trở về đầu tư trang trại cà phê diện tích 8ha của gia đình tại phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa. Sau đó anh tiếp tục thuê thêm đất mở rộng diện tích lên 17ha, tất cả đều áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.

Cà phê canh tác theo hưỡng hữu cơ sau một thời gian đầu giảm năng suất sẽ dần tăng trở lại, thậm chí cao hơn canh tác hóa học. Ảnh: Hồng Thủy.

Cà phê canh tác theo hưỡng hữu cơ sau một thời gian đầu giảm năng suất sẽ dần tăng trở lại, thậm chí cao hơn canh tác hóa học. Ảnh: Hồng Thủy.

Với mong muốn người dân địa phương trồng cà phê theo hướng hữu cơ, anh Hoàng đi đến các vườn cà phê xem quy trình canh tác và thuyết phục chủ vườn hợp tác.

“Việc thuyết phục không đơn giản vì lâu nay họ vẫn canh tác truyền thống, sử dụng thuốc, phân bón hoá học vô tội vạ. Ban đầu cũng có nhiều người đồng ý liên kết khi nghe em nói sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Nhưng quá trình làm, một số người bỏ vì quy trình canh tác hữu cơ có những yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ như không sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không dùng thuốc trừ cỏ mà phải dùng tay hoặc máy để cắt cỏ, tốn nhiều công hơn…

Vườn canh tác hữu cơ ban đầu nhìn xấu, cỏ nhiều, năng suất giảm. Mặc dù vậy những người quyết tâm theo được thì chỉ 3 vụ là quen, năng suất dần tăng bằng hoặc cao hơn canh tác truyền thống, lại không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại, bảo vệ sức khoẻ bản thân, người tiêu dùng”, anh Hoàng nói.

Vườn cà phê của ông Lê Văn Hải canh tác hướng hữu cơ từ năm 2019 khi liên kết với Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn cà phê của ông Lê Văn Hải canh tác hướng hữu cơ từ năm 2019 khi liên kết với Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông. Ảnh: Hồng Thủy.

Ônh Lê Văn Hải có 3,5ha cà phê ở xã Đắk R’moan (TP Gia Nghĩa) cho biết: “Tôi là một trong số những người đầu tiên liên kết với Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông từ năm 2017. Cách đây mấy năm giá cà phê tụt thê thảm, còn dưới 30 ngàn đồng/kg thì Công ty vẫn thu mua với giá 40 - 45 ngàn đồng.

Canh tác theo quy trình hữu cơ của Công ty tôi thấy cũng không có gì phức tạp. Ban đầu năng suất hơi sụt hơn so với canh tác hoá học nhưng giờ lại khá, năng suất đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha, trong khi chi phí đầu tư lại thấp hơn, vì thế lợi nhuận cao hơn. Chưa kể sản phẩm được Công ty bao tiêu, không phải lo đầu ra nữa”.

Ông Hải cho biết, canh tác truyền thống làm đất ngày càng bạc màu, cà phê nhanh suy, già cỗi, năng suất không ổn định do bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát. Từ khi liên kết, ông được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách xử lý đất, tưới tiết kiệm nước, kỹ thuật sử dụng các loại phân, thuốc hữu cơ do Công ty cung cấp nên vườn cà phê ngày càng phát triển tốt hơn, năng suất ổn định, ít sâu bệnh. “Thích nhất là cảm giác vườn cây sạch, đất không bị nhiễm hoá học, côn trùng nhiều, đi vào vườn thấy an tâm hơn, không lo nhiễm chất độc hại”, ông Hải nói.

Để giúp nông dân nắm vững quy trình canh tác cà phê hữu cơ, giảm rủi ro, tăng sản lượng, anh Hoàng đã liên kết với ngành nông nghiệp tỉnh và các chuyên gia để mở các lớp tập huấn cho các hộ liên kết, thực hiện trải nghiệm quy trình làm cà phê sạch tại nông trại.

Anh Lê Văn Hoàng (ngoài cùng bên phải) tại khu phơi, sơ chế cà phê trong nhà máy. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Lê Văn Hoàng (ngoài cùng bên phải) tại khu phơi, sơ chế cà phê trong nhà máy. Ảnh: Hồng Thủy.

Đến nay, Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông đã liên kết với 30 hộ trồng cà phê tại Đắk Nông, tổng diện tích đạt hơn 100ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 300 tấn cà phê nhân. Có nguồn nguyên liệu sạch, anh Hoàng đầu tư nhà xưởng chế biến, phân loại.

“Để có hạt cà phê ngon thì canh tác sạch chưa đủ mà còn phải có quá trình sơ chế, phân loại thật kỹ nữa. Tiếp theo, quá trình rang xay là khâu rất quan trọng để có ly cà phê mang hương vị đặc trưng của thương hiệu”, anh Hoàng nói.

Hiện nay, ngoài chuỗi 8 cửa hàng, anh Hoàng còn có 15 quán nhượng quyền, hơn 100 đại lý trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm cà phê Enjoy hiện cũng có mặt ở các kênh bán hàng trực tuyến như Lazada, Tiki, Shopee. Ngoài ra, cà phê của Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông còn xuất khẩu thông qua một đối tác doanh nghiệp.

Năm 2020, anh Hoàng là 1 trong 56 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 15 và là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2021, anh Hoàng được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh là 1 trong 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc.

Hồng Thủy

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm