Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:10 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 16:58, 17/06/2024

Nông nghiệp hữu cơ đang phát triển nhanh ở ĐBSCL

ĐBSCL đang phát triển nhanh, đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần tạo vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) không chỉ tạo ra thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Xu hướng này đã và đang gia tăng liên tục những năm qua tại ĐBSCL và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Đặc biệt, ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, khẳng định quyết tâm phát triển NNHC của Việt Nam, tạo ra những sản phẩm được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn NNHC ở khu vực và thế giới.

HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa hữu cơ 30ha ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Kim Anh.

HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa hữu cơ 30ha ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Kim Anh.

PGS.TS Trần Thị Ba, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) đánh giá, từ Đề án này, sản xuất NNHC ở vùng ĐBSCL đã có sự chuyển mình nhanh chóng.

Điển hình, tại tỉnh Long An đã hình thành nhiều mô hình sản xuất được chứng nhận hữu cơ rất đa dạng như vùng lúa hữu cơ khoảng 25ha ở huyện Mộc Hóa; vùng rau an toàn ở huyện Cần Đước; nấm bào ngư ở huyện Tân Thạnh…

Tại Vĩnh Long, HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa hữu cơ 30ha đạt chứng nhận theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu quốc tế là USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada).

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre có trên 11.400ha trồng dừa được chứng nhận hữu cơ; 2ha xoài hữu cơ ở Đồng Tháp; huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ) có HTX rau ăn lá đã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS...

Cách đây hơn 10 năm, tại ĐBSCL cũng đã có 2 chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế cho củ hành tím ở Sóc Trăng và tiêu của Phú Quốc (Kiên Giang).

Với sự đồng hành của doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thêm trợ lực, thúc đẩy mở rộng vùng nguyên liệu, đầu ra sản phẩm thuận lợi. Ảnh: Kim Anh.

Với sự đồng hành của doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thêm trợ lực, thúc đẩy mở rộng vùng nguyên liệu, đầu ra sản phẩm thuận lợi. Ảnh: Kim Anh.

Với sự phát triển nhanh và đa dạng của NNHC, PGS.TS Trần Thị Ba khẳng định thời gian tới, NNHC là nhu cầu cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị và phát triển bền vững.

Để thúc đẩy phát triển NNHC, hiện nay nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã và đang chú trọng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ tiến tới chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Những cánh đồng sản xuất lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 quy mô 500ha do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí phối hợp với UBND thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) thực hiện đang nhận được sự quan tâm và hồ hởi tham gia của bà con nông dân. Từng thửa ruộng được canh tác theo quy trình tiên tiến, đảm bảo rút nước kịp thời, rơm rạ sau thu hoạch được nông sử dụng để trồng nấm, làm phân bón hữu cơ hay cuộn lại để bán.

Tại HTX lúa gạo Tân Long (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) đang canh tác lúa theo quy trình Ecocycle do Công ty BSB Nanotech và Net Zero carbon triển khai, ứng dụng kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ (AWD). Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lý bởi vệ tinh của Công ty Spiro Carbon. Mô hình hướng đến canh tác theo hướng hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính để nâng cao giá trị lúa gạo cho nông dân.

So với năm 2000, diện tích sản xuất theo mô hình lúa – tôm ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL đã tăng gấp 3 lần. Ảnh: Kim Anh.

So với năm 2000, diện tích sản xuất theo mô hình lúa – tôm ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL đã tăng gấp 3 lần. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm (lúa - tôm) ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL cũng đang phát triển mạnh. Số liệu thống kê đến năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 110.000ha; Bạc Liêu và Cà Mau mỗi tỉnh có khoảng 40.000ha sản xuất lúa - tôm hữu cơ. Các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh cũng đang phát triển mô hình lúa – tôm nhưng với diện tích nhỏ hơn.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình lúa - tôm là tạo môi trường tự nhiên để nông dân thả nuôi tôm sau khi thu hoạch lúa. Đặc biệt, hầu hết sản lượng lúa, tôm đều được doanh nghiệp ký kết bao tiêu với giá cao và ổn định. 

Thực tiễn chứng minh, các mô hình trên đã đi đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất. Bên cạnh đó, với sự đồng hành của doanh nghiệp, đã góp phần hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Kim Anh-Văn Vũ- Hồ Thảo-Kiều Trang

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm