Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 09:25, 13/12/2023

Nông dân được hưởng lợi đầu tiên khi sản xuất chè hữu cơ

THÁI NGUYÊN Cùng với giá chè được nâng lên, sức khỏe, môi trường sống của bà con khi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ cũng được cải thiện rõ rệt.

Giúp nông dân nắm rõ khái niệm hữu cơ và theo hướng hữu cơ

Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên, hướng đến xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-6:2018 với quy mô 110ha, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam trên diện tích 40ha.

Vùng chè hữu cơ tại HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Quang Linh.

Vùng chè hữu cơ tại HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Ảnh: Quang Linh.

Trong đó, 7ha được thực hiện tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng mô hình đã tạo sự lan tỏa lớn tới bà con về phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. 

Các hộ dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Chè trong vùng sản xuất chủ yếu là giống LDP1, Long Vân... đang trong giai đoạn thu hoạch, chủ yếu từ 6 đến 12 tuổi.

Việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ được hỗ trợ giúp cây chè khỏe hơn, lá chè dày, búp mập và non lâu, khi chế biến có độ dính cao. Khi pha màu nước xanh trong, nước chè sánh, ánh bóng, vị ngọt hậu. Tình hình sâu bệnh hại chè (chủ yếu là rầy xanh, bọ cánh tơ) ở mức trung bình.

Thời điểm cuối năm, điều kiện thời tiết thuận lợi cho bọ xít muỗi phát sinh và gây hại. Tuy nhiên qua theo dõi, các hộ đều tuân thủ phun phòng bằng chế phẩm sinh học thảo mộc nên không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm chè.

Sau thời gian canh tác theo quy trình hữu cơ, hệ sinh thái nương chè bắt đầu có sự thay đổi, môi trường được cải thiện, mặc dù năng suất chè giai đoạn đầu có tụt giảm 300 - 400kg/ha so với sản xuất thông thường song chất lượng sản phẩm chè bước đầu được cải thiện.

Tới thăm vùng chè hữu cơ tại HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh, huyện Đại Từ), ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên chia sẻ: “Khi sử dụng thuốc hóa học bừa bãi, nông dân tham gia sản xuất sẽ là người đầu tiên gánh chịu ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh hưởng tiêu cực sẽ diễn ra âm thầm trong suốt quá trình từ chăm sóc, hái búp, sao chè cho tới đóng gói sản phẩm. Do đó, việc chuyển đổi theo hướng sản xuất an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ chính bà con sẽ là người đầu tiên hưởng lợi”.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên (bên trái) kiểm tra vùng chè hữu cơ của HTX chè Nhật Thức. Ảnh: Quang Linh.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên (bên trái) kiểm tra vùng chè hữu cơ của HTX chè Nhật Thức. Ảnh: Quang Linh.

Trong quá trình thực hiện, ông Tuấn cho rằng, bà con cần phân biệt và hiểu rõ hai khái niệm “theo hướng hữu cơ” và “theo tiêu chuẩn hữu cơ”.

“Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, bà con phải thực hiện toàn bộ yêu cầu của chứng nhận hữu cơ, còn theo hướng hữu cơ thì chỉ thực hiện một số yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng có chữ "hữu cơ", nhưng giá trị sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ sẽ cao hơn rất nhiều sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ”, ông Tuấn giải thích.

Do đó, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên mong muốn bà con hoàn thiện các điều kiện, công đoạn chăm sóc để chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ, qua đó tăng mạnh giá trị đặc sản địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy, giá chè hữu cơ tại xã Phục Linh được HTX và thương lái thua mua cao hơn 30% so với chè sản xuất truyền thống.

Với giá bán 35.000 đồng/kg, mỗi ha canh tác hữu cơ cho sản lượng 13.000kg chè búp tươi, người dân thu về 455 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 148 triệu đồng/ha.

Động viên nông dân trong giai đoạn đầu sản xuất hữu cơ

Là cầu nối giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên với các hộ tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Phục Linh, HTX chè Nhật Thức luôn đồng hành và tạo điều kiện tối đa để bà con chuyển đổi phương thức sản xuất.

Bà Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức cho biết, việc vận động thành viên HTX chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ gặp nhiều khó khăn.

Tuy năng suất chè giai đoạn đầu chuyển sang canh tác hữu cơ giảm nhưng chất lượng lại cao hơn hẳn so với phương thức truyền thống. Ảnh: Quang Linh.

Tuy năng suất chè giai đoạn đầu chuyển sang canh tác hữu cơ giảm nhưng chất lượng lại cao hơn hẳn so với phương thức truyền thống. Ảnh: Quang Linh.

“Để nông dân hiểu, cảm nhận được những giá trị khi chuyển đổi sang làm chè hữu cơ, đặc biệt là những lợi ích về sức khỏe và môi trường thì không hề đơn giản bởi bà con lâu nay thường chỉ quan tâm tới những giá trị nhãn tiền. Do đó, HTX cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên luôn đồng hành cùng nông dân, hàng tuần đều tới vùng chè để hỗ trợ kỹ thuật và động viên bà con”, bà Thức cho hay.

Để xây dựng thành công vùng sản xuất chè hữu cơ, Giám đốc HTX chè Nhật Thức cho rằng, các HTX cần chú ý tới giai đoạn chuyển đổi. “Chè hữu cơ và sản phẩm sản xuất thông thường có thị trường hoàn toàn khác biệt. Bà con trong giai đoạn chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn khi sản lượng không cao mà chất lượng chưa ổn định do thiếu kinh nghiệm canh tác. Do đó, cần động viên nông dân về những lợi ích dài hơi và có sự hỗ trợ kịp thời”, bà Thức chia sẻ thêm.

Nhiều nông dân tại xã Phục Linh đã gắn bó cả cuộc đời với cây chè, họ chính là những người cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi về sức khỏe và môi trường sau thời gian chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ.

Bà Đặng Thị Tính chuyển sang sản xuất chè hữu cơ từ năm 2019, hiện đang canh tác 3.600m2 chè hữu cơ cho biết: “Nhà tôi gần đồi chè, trước đây dùng phân hóa học, nhất là thuốc trừ sâu hóa học khiến người lúc nào cũng khó chịu, mệt mỏi, cá trong ao dưới đồi chè cũng không dám ăn. Nhưng những năm trở lại đây, khi không dùng chất hóa học nữa mà chuyển sang hữu cơ, thấy sức khỏe tốt hơn. Giờ mọi người làm chè phấn khởi, an tâm sản xuất mà không phải lo lắng độc hại nữa”.

Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng 3.000m2 chè hữu cơ, chị Nông Thị Dung bộc bạch, trước kia người làm chè ai cũng dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Vì thế, trong người lúc nào cũng mệt mỏi, khó chịu, cả với người tiếp xúc trực tiếp hoặc sinh sống quanh những đồi chè cũng vậy.

Chị Nông Thị Dung (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) luôn tự hào vì vùng chè hữu cơ do bản thân tự tay chăm sóc. Ảnh: Quang Linh.

Chị Nông Thị Dung (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) luôn tự hào vì vùng chè hữu cơ do bản thân tự tay chăm sóc. Ảnh: Quang Linh.

"Khi chuyển sang phương pháp hữu cơ, bà con ai nấy đều phấn khởi, an tâm sản xuất mà không lo độc hại nữa. Người sử dụng chè lại càng yên tâm, bởi cây chè được nâng niu, chăm sóc trong môi trường an toàn. Đó là lợi ích tuyệt vời mà chè hữu cơ mang lại", chị Dung bộc bạch.

Ông Trần Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phục Linh cho biết, địa phương xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn và làm giàu chủ yếu của địa phương. Đảng ủy và chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con chuyển đổi và chăm sóc cây chè theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.

Với chủ trương về phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo ông Linh, rất cần sự quan tâm, hợp tác từ phía người dân để xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất chè an toàn, hữu cơ, có lợi cho người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo việc phát triển nông nghiệp bền vững, giúp thương hiệu chè xã Phục Linh được khách hàng tin dùng, thị trường rộng mở.

Để duy trì và nâng cao chất lượng vùng chè hữu cơ của huyện Đại Từ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đề nghị người dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Trong đó, phải cập nhật đầy đủ và liên tục thông tin sản xuất vào sổ tay canh tác, bảo vệ vùng đệm cách ly...

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên sẽ siếp tục triển khai thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Qua đó, giúp người dân có phương thức sản xuất nông nghiệp mới thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Quang Linh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm