Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 06:30, 24/11/2023

Độc đáo vùng chè hữu cơ giáp biển duy nhất Việt Nam

HẢI PHÒNG Trên núi Ngọc giáp biển ở quận Đồ Sơn có một vùng chè cổ khoảng 8ha được người dân gìn giữ bảo vệ, canh tác hoàn toàn hữu cơ.

Tại núi Ngọc, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) - nơi có tháp Tường Long xây thời vua Lý Thánh Tông hiện nay vẫn còn giữ được 17 cây thị cổ thụ đã tồn tại được 700 - 800 năm, là Cây di sản Việt Nam đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chứng nhận.

Đáng nói, trên núi Ngọc còn có gần 10ha cây chè xanh xuất hiện ở đây đã hàng trăm năm. Được nuôi dưỡng bởi chất đất màu mỡ trên ngọn núi linh thiêng, ít ai động đến, cùng dòng nước ngầm của suối Rồng chưa bao giờ cạn nên dù không chăm bón nhưng đồi chè ở đây vẫn xanh tốt quanh năm.

Những cây chè cổ thụ trên núi Ngọc, quận Đồ Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Những cây chè cổ thụ trên núi Ngọc, quận Đồ Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Cùng với đó, với kinh nghiệm lâu năm, người dân địa phương chủ yếu sử dụng chè hoặc làm quà tặng, biếu người thân quen nên các khâu trong sản xuất, chế biến đều không sử dụng hóa chất, tạo ra giá trị rất riêng.

Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) cho biết, ở núi Ngọc hiện có khoảng 7 - 8ha chè xanh, diện tích này không tập trung mà phân tán theo từng hộ. Cây chè đã có mặt tại địa phương vài trăm năm nay. Do khí hậu, thổ nhưỡng và cách chăm sóc truyền thống, không dùng hóa chất nên sản phẩm làm ra thơm, ngon, được người dân và khách du lịch rất ưa thích.

Phát huy những giá trị này, chè trên núi Ngọc đã được chế biến thành sản phẩm OCOP, là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Địa phương cũng đang có những hành động cụ thể để bảo vệ diện tích cây chè, vừa phục vụ du lịch, vừa gìn giữ những giá trị mà trời đất ban tặng, đồng thời đảm bảo thu nhập cho người dân.

Người dân phải bắc thang để thu hoạch chè. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân phải bắc thang để thu hoạch chè. Ảnh: Đinh Mười.

“Núi Ngọc là vùng núi có cây chè cổ giáp biển duy nhất tại Việt Nam. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng rất đặc biệt nên trong quá trình sinh trưởng, rất khó khăn để cây chè tích nhựa nảy lộc trên mảnh đất đầy nắng gió, bão biển, sương muối và đặc biệt không được tưới nước, không chăm bón nhưng vẫn xanh tươi thơm ngon, giàu dinh dưỡng”, ông Thế Anh chia sẻ.

Là người khai thác giá trị của vùng chè này để tạo ra sản phẩm OCOP được xếp hạng cao nhất ở Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Bộ - Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Cộng đồng xanh cho biết, trong một lần đi thăm tháp Tường Long, thấy độc và lạ nên tháng 8/2020 chị bắt tay vào tìm hiểu từ chính quyền địa phương, người dân về nguồn gốc, quy trình chăm sóc cây chè để nghiên cứu tạo ra sản phẩm đặc trưng của Đồ Sơn.

Sau khi khảo sát và nhận thấy cây chè ở núi Ngọc được người dân canh tác hữu cơ, sản phẩm sạch, nơi đây là vùng núi ven biển khí hậu khắc nghiệt nhưng cây chè vẫn tốt tươi, lại có tuổi đời hàng trăm năm tại ngọn núi linh thiêng nên chị Ngọc đã quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP mang tên Trà Núi Ngọc.

Chị Nguyễn Thị Bộ đã đầu tư máy móc hiện đại để chế biến ra các sản phẩm độc đáo từ cây chè trên núi Ngọc. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Nguyễn Thị Bộ đã đầu tư máy móc hiện đại để chế biến ra các sản phẩm độc đáo từ cây chè trên núi Ngọc. Ảnh: Đinh Mười.

“Khi tôi tìm hiểu, hỏi những người già nhất ở Đồ Sơn cũng đều khẳng định lớn lên đã thấy cây chè và không biết có từ bao giờ. Chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân vay vốn để bảo tồn cây chè xanh trên Núi Ngọc. Đây là sản phẩm tự nhiên, đem lại giá trị sức khỏe cho người tiêu dùng”, chị Nguyễn Thị Bộ nhớ lại.

Cũng theo chị Bộ, các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, giữ nguyên được hương vị gốc của nguồn nguyên liệu, tươi, thơm. Để có được những sản phẩm này, doanh nghiệp đã đầu tư các thiết bị máy móc tốt nhất trên thị trường để đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao nhất.

Quá trình sản xuất, cất cả các sản phẩm đều được đưa mẫu đi kiểm nghiệm ở những đơn vị uy tín, có đánh giá chất lượng được công nhận toàn cầu. Trên thực tế, sản phẩm Trà Núi Ngọc đã chứng minh được giá trị và đã chinh phục thị trường trong nước cũng như quốc tế khi đã xuất sang Mỹ thành công từ tháng 9/2021 với số lượng 5.000 hộp/tháng.

Mỹ là thị trường khó tính, khi tiếp cận thị trường này, các sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác, phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000:2008 và buộc phải có giấy chứng nhận của FDA (Mỹ). Việc xuất khẩu được sang thị trường khó tính như Mỹ sẽ là cơ hội lớn để Trà Núi Ngọc khẳng định giá trị và tiếp cận thị trường khác.

Trà Núi Ngọc là sản phẩm hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu. Ảnh: Đinh Mười.

Trà Núi Ngọc là sản phẩm hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu. Ảnh: Đinh Mười.

Ngoài việc đưa sản phẩm Trà Núi Ngọc tới Mỹ, sau khi được chứng nhận OCOP, chị Bộ đã tiếp cận và phân phối cho 15 đại lý tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, sản phẩm Trà Núi Ngọc cũng đã tiếp cận hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa, bán tại các ki ốt ven bãi biển Đồ Sơn, phố đi bộ, các điểm du lịch để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước.

“Đây là sản phẩm hữu cơ, chúng tôi không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu. Vì lẽ đó nên hạn sử dụng của sản phẩm chỉ có 12 tháng. Đây là sự khác biệt so với nhiều sản phẩm trà khác trên thị trường. Trà núi Ngọc là sản phẩm của sự hoàn hảo và sẽ luôn là như vậy”, chị Bộ bộc bạch.

Đến năm 2023, Hải Phòng đã có 184 sản phẩm OCOP nhưng mới chỉ có 5 sản phẩm của Trà Núi Ngọc được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hải Phòng đánh giá đạt trên 90 điểm (tường đương với 5 sao) và đã đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương đánh giá xếp hạng.

Đinh Mười

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm