Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:58 GMT +7

  • Click để copy
Chủ nhật- 17:15, 27/11/2022

Những người còn trụ lại với nông nghiệp hữu cơ thực sự là những 'chiến binh'

Rất nhiều người từng khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ rồi bỏ cuộc khi hết dự án, hoặc là khi hết sự kiên nhẫn với hàng loạt khó khăn, thử thách...

“Trầy vi tróc vẩy” khi sản xuất hữu cơ

Bởi thế, 35 đại biểu nhận được Cúp vàng, Cúp bạc do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam trao nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập hôm 26/11 tại Hà Nội và cả ngàn người không được tham gia hội nghị cũng xứng đáng được tôn vinh bởi họ là những những “chiến binh” kiên cường nhất.

Chị Hoàng Bích Thùy, Trưởng nhóm Rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình kể: Năm 2014, khi chị cùng 6 chị em người Mường trong xóm xin đi học về rau hữu cơ, chẳng mấy ai được gia đình ủng hộ. “Mày làm chưa chắc đã nên mà làm nên chưa chắc đã bán được cho ai. Tao đã bảo mà cố tình không nghe, mày mà làm được tao xin đi đầu xuống đất”, chồng chị đã mắng như thế.

Suốt 3 tháng chị đi học về rau hữu cơ là 3 tháng vợ chồng đều tranh luận gay gắt về vấn đề này. Vậy nhưng khi bắt đầu có sản phẩm rau hữu cơ thì chính chồng chị Thùy là người mang hàng vượt mấy chục km đường từ huyện Lương Sơn về Hà Nội để giới thiệu, tiếp thị. Và suốt 3 năm liên tục, anh đóng vai trò là "shipper" trợ giúp cho nhóm Rau hữu cơ Gừa.

Bản thân chị Thùy vừa là người sản xuất trực tiếp, vừa làm trưởng nhóm để lo phần kết nối, tiêu thụ, cũng thường xuyên phải đi ship hàng như vậy, khổ nhất là giai đoạn dịch Covid-19, nhiều địa phương bị phong tỏa phải đi chui, đi lủi. Trong một lần đi chở rau như vậy, chị từng bị tai nạn giao thông gẫy tay, phải khâu nhiều mũi, giờ vẫn chằng chịt vết sẹo. Khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ đã đành, nhóm của chị Thùy còn  3 lần bị cửa hàng, đầu mối thu gom hàng quỵt nợ, số tiền lớn nhất có lần lên đến 60 triệu đồng.

Empty

Những phụ nữ trong trang phục Mường của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đang giới thiệu về sản phẩm rau hữu cơ của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ Kinh doanh Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) kể: Năm 2008, khi đơn vị bắt đầu triển khai với 10 hộ làm thí điểm trên diện tích đất 7.000 m2 thì xã hội còn rất ít người có khái niệm về rau hữu cơ. Dù cũng đang là những nông dân sản xuất rau đấy, nhưng cả 10 hộ không mấy ai tin rằng cắt hết phân hóa học, thuốc trừ sâu thì cây rau có sống được hay không. Bởi họ đang dùng rất nhiều loại thuốc, loại phân, nay chỉ dùng mỗi phân hữu cơ ủ mục để bón; dùng gừng, tỏi, ớt để chế thuốc trừ sâu. Trong quá trình thử nghiệm thấy rau phát triển tốt, mọi người mới bắt đầu tin và theo.

Đang sản xuất rau theo đại trà quen rồi nên bà con không biết chia từng loại cây ra để trồng mà cứ làm ồ ạt, tập trung vào một số thứ khiến sản lượng nhiều quá, có khi quá lứa phải nhổ bỏ mà ủ phân. Cũng trong năm 2008, địa phương gặp một trận lụt lịch sử đã tàn phá hết toàn bộ ruộng rau biết bao mồ hôi, công sức và hi vọng của cả nhóm. Những năm tiếp theo, vì trồng ở ngoài trời, vào mùa mưa những cây rau ăn lá bị mất trắng vẫn là điều thường xảy ra.

“Giai đoạn đầu, người tiêu dùng chưa có nhận thức về rau hữu cơ, phân biệt nó với rau sạch cũng không nổi nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Tôi phải cầm túi rau đến từng cửa hàng thực phẩm sạch để giới thiệu rồi gửi hàng để bán, nếu không bán được hôm sau lại phải đổi hàng mới cho người ta. Suốt 5 năm từ 2010 - 2015 như thế, ngày nào tôi cũng đi xe máy chở rau từ Bái Thượng đi sang nội thành để giới thiệu, giao hàng với khoảng cách từ 38 - 42 km tùy từng cửa hàng. Thời gian đầu có ít sản phẩm thì mình tôi đi, đến khi có nhiều thì 2 xe đi. Giờ tuy tôi không đi trực tiếp giao hàng nữa nhưng HTX vẫn phải có 3 xe máy để chạy luân chuyển, trung bình 2 xe/ngày rồi nghỉ thay phiên nhau cách 1 tuần.

Anh Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ Kinh doanh Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội)giới thiệu về sản phẩm rau củ hữu cơ của HTX . Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ Kinh doanh Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) giới thiệu về sản phẩm rau củ hữu cơ của HTX . Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện cửa hàng quỵt nợ vẫn thỉnh thoảng xảy ra với HTX, như giáp Tết nợ dồn 1,5 tháng đến sau Tết tìm đến thì cửa hàng đó bỗng mất tích luôn, số điện thoại cũng không thể liên lạc được nữa. Thái độ của người tiêu dùng giờ với sản phẩm hữu cơ đã khác rất nhiều, hàng của HTX đưa vào thị trường hiện đã không có đủ để cung cấp. Hiện HTX có 7 thành viên và 8.000m2 sản xuất, ngoài ra chúng tôi còn liên kết với 4 nhóm hữu cơ PGS của thôn, tổng diện tích là 3ha.

Trong sản xuất, chúng tôi phải làm thủ công hết các công đoạn, thu nhập của các thành viên HTX trung bình đạt 6 triệu/tháng. Thế nhưng thách thức nhất là thiếu lao động, thành viên hầu hết đã già, lớp trẻ thì đã đi làm công nhân nên không có người thay thế”, anh Hưng tâm sự.

Theo một số tổ, nhóm sản xuất hữu cơ thì giá giao sản phẩm đến tận các cửa hàng, siêu thị của Hà Nội chỉ trung bình 20 - 25.000đ/kg rau, củ nhưng khi đến tay người tiêu dùng đều khoảng 70 - 90.000đ/kg. Giá cao cũng là trở ngại lớn nhất khi người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm và là vật cản cho người sản xuất mở rộng diện tích. Bởi thế, rất nên tìm cách cắt bớt khâu trung gian, bán hàng đến tận tay người tiêu dùng qua các tổ, nhóm của khu dân cư. Khu dân cư ở chỗ tôi cũng bắt đầu mua sản phẩm trực tiếp từ nhóm Rau hữu cơ Gừa như vậy.

Người sản xuất hữu cơ không còn cô đơn

Nông nghiệp hữu cơ là hình thức sản xuất lâu đời nhất của loài người, tuy nhiên mấy chục năm trở lại đây, nó đã bị làn sóng nông nghiệp hóa chất trong các cuộc “cách mạng xanh” đánh bật với ưu thế về năng suất, sản lượng và ngắn ngày. Nông nghiệp hữu cơ được du nhập trở lại Việt Nam từ những thập niên 90 của thế kỷ trước, do các tổ chức quốc tế tài trợ mà sớm nhất là vào năm 1991 do CHIPSEE làm dự án tại tỉnh Thái Nguyên, tiếp sau đó, ADDA làm dự án 7 năm cho 7 tỉnh ở các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, thông thường các dự án nông nghiệp hữu cơ khi kết thúc, nông dân tham gia không tự đứng vững được khi không biết cách tổ chức liên kết sản xuất và đặc biệt là tìm được đầu ra cho sản phẩm trong khi các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh tật gia tăng do sử dụng thức ăn không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…

Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam được ra đời trong bối cảnh như vậy, theo Quyết định 1820 của Bộ Nội vụ ngày 31 tháng 10 năm 2011. Theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội, đây là một mái nhà chung cho các cá nhân, đơn vị, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp có tâm huyết sản xuất hữu cơ và là cầu nối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ với phương châm “Đi tắt, đón đầu, kết nối, hội nhập nông nghiệp hữu cơ thế giới”.

Empty

Nhóm Rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đang nhổ cỏ thủ công cho rau canh tác hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 châu Á và thứ 3 ASEAN về tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo thống kế, đến nay, số lượng tỉnh, thành cả nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ tăng từ 46 tỉnh năm 2018 lên 57 tỉnh trong năm 2021 (hiện nay là 62 tỉnh thành).

Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 174.351ha, tăng 47% so với năm 2016; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo, có khoảng 17.174 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến có khoảng 555 đơn vị; nhà xuất khẩu là 60 doanh nghiệp và nhà nhập khẩu 40 doanh nghiệp; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 – 2016 và rất đa dạng, gồm chè tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị....

Suốt 10 năm qua, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã quy tụ được nhiều nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, người sản xuất... Đồng thời, xây đắp được một nền tảng “cánh tay nối dài” để hệ thống hoạt động tích cực, hiệu quả, đa dạng, từng bước đưa ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhân…sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hội viên của Hiệp hội đã rải khắp cả nước.

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã được nâng lên. Sản phẩm hữu cơ được cộng đồng xã hội tin dùng và hưởng ứng ngày càng tăng cao. Một số sản phẩm hữu cơ như gạo, thủy sản, chè, sữa, gia vị, dừa… đã có chứng nhận quốc tế và xuất khẩu tới thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Người sản xuất hữu cơ đã không còn cô đơn vì có Hiệp hội, tuy nhiên chặng đường sắp tới để sản phẩm được chấp nhận đại trà vẫn còn là một con đường dài, đầy thử thách. 

Điển hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy mô lớn, bài bản theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng như Tập đoàn TH, Vinamit, Vinamilk, Quế Lâm, Vinasamex… Hàng năm, Hiệp hội đã tổ chức Khu gian hàng hữu cơ Quốc gia Việt Nam (Vietnam Organic) trong Hội chợ hữu cơ Quốc tế lớn nhất (BIOFACH) tại CHLB Đức.

 

Dương Đình Tường - Đinh Tùng

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Mạnh tay chi tiền tỷ, quyết tâm nâng tầm đặc sản địa phương

Mạnh tay chi tiền tỷ, quyết tâm nâng tầm đặc sản địa phương

QUẢNG NINH Nhận thấy giá trị của giống hàu đại dương, anh Nguyễn Văn Cường quyết tâm đầu tư hệ thống hiện đại để chế biến và bảo quản, từ đó nâng tầm đặc sản địa phương.

Xem Thêm