Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:57 GMT +7
Những năm qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ nhằm tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho nông dân.
Đến nay, tỉnh đã chứng nhận được 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn sản phẩm tại TP Uông Bí và Thị xã Quảng Yên. Năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn canh tác truyền thống khoảng 1 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn từ 10 - 15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10 - 30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Đặc biệt, việc sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV nên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Điển hình như tại Thị xã Đông Triều, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất đạt từ 58 - 60 tạ/ha. Ngoài tăng hiệu quả kinh tế 20 - 30%, sản xuất lúa hữu cơ đã giúp cho môi trường đất, nước được cải thiện, nguồn lợi thủy sản như cá, tôm, cua, ốc trong các ruộng lúa hữu cơ tăng cả về số lượng và chất lượng.
Tại huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên, một số vùng trồng cây quế hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu.
Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu với giá bán dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
Việc cây quế Quảng Ninh có mặt ở một trong những thị trường lớn nhất thế giới đã giúp sự thay đổi về tư duy của người dân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế.
Cụ thể, người dân chú trọng việc tăng cường độ phì nhiêu của đất, không sử dụng phân bón tổng hợp mà thay vào đó là sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thậm chí là tự tay phát, nhổ cỏ bằng phương pháp thủ công.
Lĩnh vực thủy sản hiện cũng đã ghi nhận mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 5ha tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí), cho thu hoạch được hơn 2 tấn rươi thương phẩm (tăng gần 1 tấn so với nuôi tự nhiên như trước), sản lượng lúa đạt 1,8 - 2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ mô hình này mang lại hơn 300 triệu đồng/ha.
Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, mặc dù hiệu quả từ sản xuất hữu cơ đã ngày càng được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rất manh mún, nhỏ lẻ. "Với quy mô như vậy, công tác quản lý, kiểm soát các điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ là rất khó", ông Thực khẳng định.
Đối với sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn rất cao khi phải đáp ứng một loạt các tiêu chí là không phân bón hóa học, không chất diệt cỏ, không thuốc BVTV, không chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và cần phải có thời gian để cải tạo chất đất, nguồn nước…
"Bên cạnh đó, tập quán canh tác cũng như nhận thức của người dân với nông nghiệp hữu cơ còn rất hạn chế. Đây cũng là một trong những khó khăn mà tỉnh Quảng Ninh cũng như một số địa phương đang gặp phải", ông Thực cho biết.
Bởi vậy, để nhân rộng sản xuất hữu cơ, việc kiên trì và bền bỉ được xác định là yếu tố hàng đầu. Ngoài ra, chi phí để có được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chi phí quảng bá, tiếp thị để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khiến cho không ít đơn vị e dè khi lựa chọn nâng cấp sản phẩm từ quy trình VietGAP lên sản xuất hữu cơ. Phần lớn các doanh nghiệp, người sản xuất đều cho rằng, nếu không được “tiếp sức”, việc duy trì các mô hình sản xuất hữu cơ cũng khó bền vững.
"Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí cao hơn so với sản xuất thông thường, nhưng đây lại là xu hướng tất yếu và đã được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Bởi phát triển theo hướng này sẽ tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cần thận trọng trong từng bước đi để tránh vỡ trận khi phát triển nông nghiệp hữu cơ", ông Thực nhấn mạnh.
Được biết, để phát triển sản xuất hữu cơ, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án này xác định quy mô và phân vùng phát triển sản phẩm, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Cụ thể, các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... Đề án cũng đã xây dựng danh mục các dự án ưu tiên, danh mục mô hình sản xuất hữu cơ thí điểm, kinh phí thực hiện.
Mục tiêu của Đề án đặt ra là trong thời gian tới, sẽ sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn giúp mở rộng thị trường sản phẩm không những trong và ngoài tỉnh mà có thể mở rộng ra thị trường ngoài nước, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh như trà hoa vàng, rau quả, thủy sản để nâng giá trị đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bao gồm 150ha lúa (Đông Triều), gần 80ha sản xuất rau (Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà…), trên 47ha chè (Hải Hà), 311ha na (Đông Triều), 395ha vải (Đông Triều, TP Uông Bí), 51ha cây có múi (Vân Đồn, Hải Hà…) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây chính là tiền đề để chuyển sang phương thức sản xuất hữu cơ trong tương lai.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.