Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:00 GMT +7
Phấn khởi hơn khi đây là những lớp nông dân trẻ, hầu hết đều thuộc thế hệ 8X, 9X và bước đầu đạt được thành công trên con đường đã chọn. Họ có trình độ và mang trong mình nhiệt huyết về nông nghiệp sạch, hiện đại. Họ bỏ công việc tại các doanh nghiệp để trở về quê hương lập nghiệp, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Những nhân tố tích cực đó đang giúp nền nông nghiệp Đồng Tháp có thêm sức sống mới.
Điển hình có thể kể tới anh Nguyễn Minh Tuấn (33 tuổi) ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), thạc sĩ chuyên ngành bảo vệ thực vật. Anh Tuấn đã có nhiều năm làm cho nhiều công ty thuốc BVTV ở các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM nhưng với lòng yêu quê hương, anh đã trở về quê liên kết với 8 hộ nông dân khác trong xã với diện tích 20ha để sản xuất mô hình lúa - cá - vịt, trong đó gia đình anh Tuấn tham gia hơn 7ha.
Hiện anh Tuấn là người trực tiếp trông coi đồng áng của mô hình, hơn 1 năm nay đã mang lại kết quả tốt, giúp tăng thêm lợi nhuận từ 20 - 30% so với canh tác lúa truyền thống.
Anh Tuấn cho biết, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, nhờ áp dụng mô hình lúa - cá - vịt, anh đã giảm được khoảng 30% chi phí sản xuất lúa so với cách làm thông thường. Nhờ nắm được những thời điểm quan trọng của cây lúa nên anh đã chủ động trong quản lý sâu bệnh. Cùng với đó, sử dụng máy sạ cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 140 - 160kg/ha xuống còn 60 - 70kg/ha và làm theo hướng hữu cơ. Trên ruộng anh kết hợp thả vịt và trữ cá đồng, vừa đỡ tốn công và chi phí diệt sâu rầy, vừa tăng thu nhập.
Mô hình sản xuất lúa theo mô hình lúa - cá - vịt ở vụ đông xuân vừa qua của 8 hộ dân ở xã Phú Thành A đã cho năng suất từ 6,5 - 7 tấn/ha và được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Green Food đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường vài trăm đồng/kg trở lên. Bên cạnh đó, các hộ dân còn có thêm thu nhập từ việc nuôi vịt và cá hàng chục triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay, anh Nguyễn Minh Tuấn còn đứng ra thành lập Tổ hợp tác số 10 chuyên canh sản xuất mô hình lúa - cá - vịt, chỉ làm 2 vụ lúa/năm để cung cấp theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp về lúa hữu cơ.
Theo anh Tuấn, sắp tới, anh và các nông dân trong Tổ hợp tác số 10 sẽ mở rộng diện tích canh tác cho nhiều người trong xã tham gia vào mô hình, tiến tới xây dựng mô hình hữu cơ tuần hoàn. Ngoài thu nhập từ lúa, vịt và cá, Tổ hợp tác sẽ tận dụng rơm rạ sau mùa vụ để chất nấm rơm và lấy rơm sau khi chất nấm để làm phân hữu cơ bón lại cho cây trồng.
Mang đất đi phân tích, một nông dân tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã thành công với mô hình trồng sầu riêng trên vùng đất lâu nay vốn chỉ quen với cây lúa. Đó là Nguyễn Thanh Tâm (38 tuổi), là kỹ sư chuyên ngành bệnh học thủy sản và từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ.
Anh Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trước khi trồng sầu riêng trên nền đất lúa vốn nhiều phèn, anh phải mất 2 năm để cải tạo đất. Tháng 4/2018, anh Tâm bắt đầu trồng những cây sầu riêng đầu tiên với diện tích 1,2ha (215 gốc sầu riêng giống Ri 6 và Monthong). Hiện nay, vườn sầu riêng của anh Tâm trồng theo hướng hữu cơ và đang vào vụ thu hoạch với sản lượng 12 tấn trái, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về quyết định trồng loại trái cây đặc sản còn khá xa lạ với vùng đất Tam Nông, anh Tâm cho hay, đây không phải là sự liều lĩnh, mà hoàn toàn có cơ sở. Nhờ thân quen với các thầy cô trong Trường Đại học Cần Thơ, anh đã đem đất vườn nhà đang trồng sầu riêng để đi phân tích. Kết quả cho thấy, đây là vùng đất rất phù hợp để trồng cây ăn trái, nếu chỉ trồng lúa đơn thuần không thì quá uổng phí. Cộng với thông tin anh tìm hiểu được về kỹ thuật trồng cũng như giá trị kinh tế của cây sầu riêng ở vùng đất Ngũ Hiệp (Tiền Giang) đã thôi thúc anh trồng sầu riêng tại quê nhà Tam Nông.
Qua 2 đợt cho trái, theo anh Tâm, nhiều người đánh giá cao chất lượng trái sầu riêng anh trồng nhờ độ ngọt, múi khô và mịn. Vì vậy, anh càng phấn khởi khi mình đã đi đúng hướng.
Trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hiện có trên 100ha sầu riêng. Để chia sẻ kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng lẫn nhau, anh Tâm và 21 nông dân khác đã cùng tham gia Tổ nghề nghiệp trồng sầu riêng tại thị trấn Tràm Chim do anh Tâm làm Tổ phó. Tổ nghề hoạt động định kỳ hằng tháng và dự kiến phát triển thành hội quán về trồng sầu riêng.
Không chỉ trồng sầu riêng, nông dân Nguyễn Thanh Tâm đang ấp ủ dự định trồng cây dó bầu trên đất phèn Tam Nông để lấy trầm hương, với mong muốn khai thác lợi thế tài nguyên của vùng đất này, giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất quê nhà.
Chia sẻ về bước ngoặt trong lựa chọn con đường lập nghiệp, từ một giảng viên đến một nông dân ngày đêm gắn bó với ruộng vườn, anh Tâm cho hay, làm nông nghiệp chính là đam mê và vốn kiến thức từ giảng đường chính là nền tảng giúp anh tự tin hơn. Những nông dân có kinh nghiệm, kiến thức vững vàng sẽ nắm bắt, ứng phó tốt với rủi ro thiên tai, dịch bệnh và thị trường, đặc biệt sẽ phát hiện ra những điều mới mẻ để đưa nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.
Theo ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, Tam Nông là cái nôi sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt những năm gần đây, những trí thức trẻ tham gia làm nông nghiệp đang có xu hướng ngày càng tăng ở địa phương. Họ lựa chọn nông nghiệp không chỉ để lập nghiệp cho bản thân mà còn giúp bà con cùng vươn lên làm giàu, khai thác tiềm năng nông nghiệp của địa phương. Lực lượng trẻ ấy chính là nội lực mới, mạnh mẽ, giàu sức sống, hứa hẹn những thế hệ nông dân chuyên nghiệp cho đất sen hồng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần chia sẻ: Nghề nông hiện nay không thể làm theo quy luật thiên nhiên thuận hòa, “trông trời, trông đất, trông mây” nữa, vì nghiệp nông gia đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan như hiệu ứng nhà kính, suy giảm tài nguyên nước...
Để nâng cao vị thế của nông dân trong xã hội, nông dân phải thoát ra cách nghĩ chỉ biết “lấy cần cù bù thông minh”, mà phải tự tin phát triển, khẳng định bản thân, chủ động hòa nhập vào cộng đồng. Bên cạnh đó, cả hệ thống phải có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nông dân giai đoạn mới. Tư duy “mỗi huyện là một pháo đài”; “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” cần phải được thay đổi triệt để, vì chỉ khi liên kết với nhau, nông dân mới không còn rơi vào thế yếu.
“Bước đầu mọi sự thay đổi đều gặp khó khăn. Nhưng chúng ta thường cân nhắc quá nhiều tới cái giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường...", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.