Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:35 GMT +7
Ngày 25/3, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM trao khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho Tổ chức Seed to Table để triển khai dự án “Phát triển cộng đồng bền vững thông qua đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh” (gọi tắt là Dự án) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, từ năm 2020 - 2023, Tổ chức Seed to Table (Tổ chức phi lợi nhuận) đã thực hiện “Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, cải thiện sinh kế cho hộ nông dân có quy mô nhỏ thông qua việc chế biến các nông sản hữu cơ và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu niên, cũng như phát triển địa phương gắn liền với việc gìn giữ môi trường” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Thông qua việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và phổ biến cách thức để đạt được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ đã góp phần cải thiện sinh kế cho bà con nông dân.
"Từ những thành quả này, vào năm 2023, Seed to Table tiếp tục triển khai “Dự án phát triển cộng đồng bền vững thông qua đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh” tại tỉnh Đồng Tháp", ông Ono Masuo nói và cho biết, năm nay là năm thứ hai dự án được tiếp tục viện trợ với tổng số vốn viện trợ là 195.277 USD.
Theo bà Ino Mayu, Trưởng Đại diện Tổ chức Seed to Table, nông nghiệp Việt Nam rất tiềm năng, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản và quản lý kinh doanh còn nhiều cái cần khắc phục.
“Dự án được triển khai tại Đồng Tháp tập trung trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản và quản lý kinh doanh. Trong đó, chúng tôi chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương. Để sau khi chúng tôi “rút đi” thì vẫn còn có nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có phương tiện để làm và phát triển nông nghiệp”, bà Ino Mayu.
Trong năm thứ nhất, dự án tổ chức các buổi tập huấn liên quan đến việc quản lý vệ sinh, các chính sách pháp luật có liên quan dành cho giáo viên, sinh viên của Trường Cao đẳng cộng đồng, cán bộ nhân viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn cùng với nhiều bà con nông dân của tỉnh Đồng Tháp.
Đồng thời, tất cả mọi người cùng nhau tham gia nghiên cứu chế biến tạo ra sản phẩm mới từ quả xoài - loại trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp như xoài sấy, kem xoài.
Trong năm thứ hai, dự án sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn về nông nghiệp hữu cơ, quản lý kinh doanh... Đồng thời, mở rộng nghiên cứu, chế biến tạo ra sản phẩm mới từ nhiều loại nông sản đặc trưng khác của tỉnh Đồng Tháp như sen, xoài... để cung ứng cho thị trường.
Đặc biệt, năm nay, dự án sẽ tổ chức cho những người đã tham gia tập huấn được đến Nhật Bản để tham quan, học tập về kinh nghiệm.
"Tôi hy vọng, các bạn đến Nhật Bản học tập và khi trở về, mỗi người sẽ tích lũy được thêm thật nhiều điều bổ ích về nông nghiệp của Nhật Bản cũng như những kinh nghiệm của chuyên gia trong việc phát triển cộng đồng dựa trên bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững dựa trên sản xuất - chế biến - kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống của địa phương. Từ đó ứng dụng vào cho sự phát triển nông nghiệp và quản lý kinh doanh của dự án tại tỉnh Đồng Tháp", ông Ono Masuo nói và cam kết, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa trong phạm vi có thể cho dự án của Tổ chức Seed to Table.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và Tổ chức Seed to Table đã hỗ trợ tỉnh từ năm 2019 cho đến nay.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, với sự giúp đỡ và hỗ trợ từ dự án do Tổ chức Seed to Table thực hiện, các vấn đề về nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân quy mô nhỏ được cải thiện đáng kể bằng việc nông dân, học sinh được tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ, được trang bị kiến thức phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững bằng cách tận dụng nguồn sẵn có tại địa phương. Đồng thời, từng bước tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
"Đây là nguồn động lực quý báu, là tiền đề quan trọng để nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp từng bước phát triển theo hướng an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.
“Vừa qua, chúng tôi đã mời được 11 chuyên gia Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản và quản lý kinh doanh để tập huấn tại Đồng Tháp. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển nông nghiệp của Đồng Tháp rất tốt và có thể phát triển được hơn nữa. Nhất là mở rộng thị trường đối với xoài cát chu. Nhiều chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ kết nối thị trường Nhật Bản, nếu Đồng Tháp sản xuất được xoài hữu cơ.
Vì vậy, trong 2 năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng để sản phẩm của Đồng Tháp nâng cao giá trị, chất lượng và có thể có mặt tại thị trường Nhật Bản”, bà Ino Mayu cho biết.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.