Thứ hai, 25/11/2024 | 22:58 GMT +7
Thị xã Vĩnh Châu vốn không phải là địa phương có diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng lớn của tỉnh Sóc Trăng. Thế nhưng nhiều năm qua, thương hiệu nhãn xuồng Vĩnh Châu lại nổi tiếng.
Trái nhãn xuồng Vĩnh Châu có đặc điểm phần thịt bên trong dày, hơi ngả màu vàng, vỏ mỏng, ít nước, vị ngọt thanh, mùi thơm đậm nên rất được thị trường ưa chuộng.
Vượt quãng đường gần 100km, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tìm đến thị xã Vĩnh Châu. Những ngày tháng 5 tuy có vài cơn mưa đầu mùa nhưng chưa đủ để xoa dịu cái nắng nóng gay gắt ở vùng đất cát này.
Chúng tôi quyết định ghé thăm vườn nhãn của ông Lý Hữu Thành ở khóm Biển Trên, phường Vĩnh Phước. Vườn nhãn có diện tích rộng nhưng bên dưới gốc tuyệt nhiên không có cỏ và lá nhãn rụng trên mặt đất. Toàn bộ khu vườn đã được chủ vườn dọn dẹp sạch nên nhìn rất thoáng mát.
Ông Thành tâm sự đã gắn bó với nghề trồng nhãn mấy chục năm. Trước đây, toàn bộ khu vườn 2ha này được ông trồng nhãn da bò, nhưng sản lượng trái không cao, giá bán lại thấp.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế chưa được như mong đợi, ông Thành quyết định chuyển đổi sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Sau hơn 15 năm cây nhãn xuồng cơm vàng bén rễ trên mảnh đất này, nguồn thu nhập của gia đình cũng tốt lên từng ngày.
Hàng năm, sản lượng trái thu hoạch đạt khoảng 40 tấn/vụ, với giá bán từ 25.000 – 65.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông có lợi nhuận hơn 400 triệu đồng.
Theo lời ông Thành, để trái nhãn đạt chất lượng tốt, ông lựa chọn phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, kết hợp xử lý cho trái nghịch vụ. Khoảng tháng 10 (âm lịch) năm trước, ông đã xử lý để nhãn ra hoa, đến tháng 2 năm sau nhãn bắt đầu vào vụ thu hoạch và kéo dài đến tận tháng 4. Thời điểm này, giá bán nhãn thường ở mức cao từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Mùa vụ nhãn năm 2024, ông Thành đang tiến hành chăm sóc vườn cây, xử lý ra hoa, trong đó một số cây trong vườn đã thu hoạch và có trái bán.
Hướng tới, ông Hữu Thành sẽ mở rộng thêm 1ha trồng nhãn theo hướng hữu cơ để tăng chất lượng trái, đồng thời đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cách khu vườn của ông Thành tầm 2km, ông Dương Văn Buối cũng rất nhiệt tình mời chúng tôi đến tham quan vườn nhãn phía sau nhà. Nhanh chân đi đến từng cây nhãn to đang trổ bông trắng xóa cả khu vườn, ông Buối vạch tìm những chùm nhãn chín để mời khách nếm thử độ ngon của trái nhãn trồng theo phương pháp hữu cơ.
Ông Buối kể, trước đây việc trồng nhãn truyền thống chưa mang lại chất lượng và hương vị riêng cho trái nhãn ở địa phương. Được sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, ông chuyển trồng nhãn theo quy trình VietGAP, rồi tiến tới hướng hữu cơ và hiện tại là trồng theo quy trình hữu cơ.
Chỉ với 1ha, vườn nhãn của gia đình ông cho sản lượng trái khoảng 20 tấn/năm. Với giá bán 30.000 – 65.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Buối đánh giá, so với nhiều cây trồng khác, cây nhãn có lợi nhuận cao và đầu ra ổn định hơn.
Hiện thị xã Vĩnh Châu có trên 300ha trồng nhãn, trong đó gần 290ha nhãn xuồng cơm vàng, tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Tân, Lai Hòa và phường Vĩnh Phước, phường 1, phường 2.
Ông Mã Chí Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu đánh giá, nhãn xuồng cơm vàng là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, vùng đất cát ven biển này tạo nhiều ưu thế cho cây nhãn phát triển. Đặc biệt, phương pháp trồng nhãn hữu cơ giúp nâng cao chất lượng và hình thức trái cũng trở nên đẹp mắt hơn.
“Thời gian tới, ngành chuyên môn Thị xã sẽ vận động bà con tăng thêm diện tích, củng cố, thành lập các tổ hợp tác, HTX nhãn. Đồng thời thực hiện mô hình trồng nhãn hữu cơ và nhân rộng đến các địa phương trên toàn Thị xã. Khuyến khích nhà vườn tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng trái, giúp cây nhãn phát triển tốt”, ông Thọ chia sẻ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, nhãn xuồng Vĩnh Châu hiện đã có thương hiệu nên giá bán cao hơn nhãn cùng loại của các địa phương khác từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ cho nhãn xuồng Vĩnh Châu phát triển, Chi cục đã hỗ trợ nhiều nhà vườn trên địa bàn cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng nhãn. Đồng thời hỗ trợ trồng mới vườn nhãn, xây dựng hệ thống tưới tự động, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và xử lý nhãn ra trái nghịch vụ.
Mặt khác, đơn vị cũng đang tiến hành hỗ trợ thị xã Vĩnh Châu xây dựng mã số vùng trồng trên cây nhãn, cùng với đó tìm kiếm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nhãn xuồng Vĩnh Châu.
Trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái của HTX Vạn Thành Phát (phường Hải Yên, TP Móng Cái) được cấp giấy chứng nhận hữu cơ đầu tiên ở tỉnh Quảng Ninh.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.