Thứ năm, 21/11/2024 | 21:13 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 18:15, 11/05/2023

Nhận biết và quản lý bệnh vàng lá thối rễ, khô đầu múi trên quýt hồng

ĐỒNG THÁP GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ cách nhận biết và quản lý bệnh vàng lá thối rễ và khô đầu múi trái quýt hồng.

Nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá thối rễ

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, các nghiên cứu đều khẳng định bệnh vàng lá thối rễ chết xanh trên cây có múi do các tác nhân trong đất, đầu tiên là nấm Fusarium gây ra, kèm theo đó là các nấm khác như Phytophthora, tuyến trùng…

Đáng lưu ý, nấm Fusarium chỉ gây hại ở mức độ nhẹ, không làm chết cây. Nếu có thêm sự hỗ trợ của những tác nhân khác, mức độ gây hại sẽ nghiêm trọng hơn. Một trong những trường hợp có thể kể đến là trong điều kiện yếm khí, đất bị oi nước, rễ cây không hô hấp được bình thường, phải hô hấp yếm khí làm cho nấm bệnh tấn công mạnh hơn.

GS.TS Trần Văn Hâu chia sẻ về cách nhận biết, quản lý bệnh vàng lá thối rễ, khô đầu múi trên cây quýt hồng. Ảnh: Minh Đảm.

GS.TS Trần Văn Hâu chia sẻ về cách nhận biết, quản lý bệnh vàng lá thối rễ, khô đầu múi trên cây quýt hồng. Ảnh: Minh Đảm.

Tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), quýt hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con nông dân thâm canh quá mức, mật độ trồng dày, cộng thêm việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những tác nhân khiến cây quýt nhiễm bệnh nặng hơn, nhất là việc sử dụng thừa phân đạm.

Ngoài ra, bà con ở huyện Lai Vung có kỹ thuật kê đất từ ruộng mà không phải lên liếp để trồng mới cây quýt. Như đã biết đất ở ĐBSCL có nhiều sét, độ thông thoáng kém. Khi trồng đến 2 - 3 năm độ màu mỡ giảm xuống, bà con tiếp tục kê đất, đặc biệt rất dày, do đó đất rất bí, dễ bị oi nước, từ đó tạo điều kiện cho nấm bệnh, nhất là tuyến trùng phát triển rất mạnh.

Để nhận biết sớm bệnh vàng lá thối rễ, GS.TS Trần Văn Hâu chỉ ra, đối với cây có biểu hiện lá và gân lá vàng (không phải gân xanh như vàng lá greening) khi đào lên rễ bị thối, lớp da rễ bị tuột ra, cây quýt chết rất nhanh.

Thời gian qua, các chuyên gia từ Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành một quy trình tạm thời về quản lý hiện tượng vàng lá thối rễ chết xanh trên cây có múi nói chung và quýt hồng nói riêng. Trong quy trình này, GS.TS Trần Văn Hâu đã chia sẻ một số lưu ý trong quá trình trị bệnh, chủ yếu quản lý tác nhân chính là nấm bệnh trong đất và điều kiện hỗ trợ các nấm bệnh phát triển.

Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành quy trình tạm thời quản lý bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành quy trình tạm thời quản lý bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi. Ảnh: Kim Anh.

Đầu tiên, bà con cần xới cho đất tơi xốp, thông thoáng và tăng độ pH. Độ sâu cần xới từ 35 – 40cm. Bên cạnh đó, có thể bón vôi để tăng pH cho đất. Sau đó, bón tro trấu, phân hữu cơ hoai mục giúp đất thêm thông thoáng.

Công đoạn tiếp theo là bón thêm nấm Trichoderma đã xử lý để diệt nấm Phytophthora. Qua 3 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ nhận thấy có thể phục hồi lại vườn quýt hồng đã nhiễm bệnh. Những vườn cây bệnh nhẹ, không bị chết cành sẽ nhanh chóng được phục hồi và cho năng suất trở lại. Đối với những vườn quýt bị nhiễm bệnh nặng chết hoặc khô cành, cần có thời gian.

Nhận biết hiện tượng khô đầu múi trên trái quýt hồng

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, kỹ thuật kê đất ruộng để trồng quýt của bà con nông dân huyện Lai Vung đã gây ra những khó khăn trong việc bón phân. Từ tháng 2 - 3 là giai đoạn bà con bón phân để xử lý ra hoa, tuy nhiên do đất không thông thoáng nên thông thường nông dân không bón phân trong mùa mưa vào khoảng từ tháng 5, phải đến kết thúc mùa mưa vào tháng 10 mới bón phân trở lại.

Giải pháp khắc phục hiện tượng khô đầu múi trên quýt hồng chủ yếu là tập trung vào giải pháp bón phân và quản lý nước. Ảnh: Kim Anh.

Giải pháp khắc phục hiện tượng khô đầu múi trên quýt hồng chủ yếu là tập trung vào giải pháp bón phân và quản lý nước. Ảnh: Kim Anh.

Cách bón phân như thế được GS.TS Trần Văn Hâu chỉ ra là không phù hợp. Bởi từ sau khi đậu trái khoảng tháng 5, tháng 6, trong khi trái đang phát triển thì bà con không bón phân, tới tháng 10 khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là bắt đầu thu hoạch, bà con lại bón thúc với nhiều phân đạm, phân bón lá để kích thích cho trái to, mọng nước. Điều này khiến cây bị “ép”, gây ra hiện tượng khô đầu múi.

Trong thời gian cây quýt hồng phát triển, bà con nông dân chú ý, nếu việc quản lý nước hoặc phân bón không tốt, sẽ khiến cây dễ ra đọt dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng, gây ra hiện tượng khô đầu múi. Đặc biệt, hiện nay do biến đổi khí hậu, nắng mưa thất thường, mùa khô lại có mưa lớn, vườn cây thoát nước kém sẽ kích thích cây dễ ra đọt mới do ẩm độ trong đất cao. Nghiêm trọng hơn, nếu cây đang trong giai đoạn 2 tháng cuối chuẩn bị thu hoạch, rất dễ bị khô đầu múi. Do đó, giải pháp khắc phục hiện tượng khô đầu múi trên quýt hồng chủ yếu là tập trung vào giải pháp bón phân và quản lý nước.

Hồ Thảo - Kim Anh

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm