Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:50 GMT +7
Bưởi Diễn (Hà Nội) được người tiêu dùng biết tới với vị ngọt đặc trưng không nơi đâu có. Tuy nhiên, bưởi Diễn lại có một số nhược điểm về mẫu mã, chất lượng như trái không đồng đều, vỏ xấu, khó bóc, ướt tép, dễ bị nát…
Với hơn 15 năm gắn bó với trái bưởi Diễn, chị Nguyễn Thị Phương trú tại thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) luôn đau đáu đưa trái bưởi Diễn của xã Nam Phương Tiến tiến xa hơn nữa trên bản đồ trái cây của Việt Nam và hướng tới xuất khẩu.
Hiểu được tâm lý của người tiêu dùng ngày càng thay đổi khi các mặt hàng biếu, tặng lên ngôi, chị Phương đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai quy trình canh tác bưởi theo hướng hữu cơ với mô hình thực nghiệm quản lý tổng hợp sâu bệnh hại bưởi Diễn. Qua đó, tạo ra những trái bưởi Diễn kích thước lớn, vỏ vàng óng mà vẫn giữ được độ thơm ngon vốn có.
Với khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực đồi núi, tiếp giáp tỉnh Hòa Bình, nhiều năm trở lại đây, xã Nam Phương Tiến nổi lên như vùng trồng bưởi đặc sản của Hà Nội. Vườn bưởi Diễn nằm dưới chân núi của gia đình chị Nguyễn Thị Phương tại xã Nam Phương Tiến hiện có khoảng 600 cây, được canh tác theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 2ha, năng suất mỗi vụ khoảng 60.000 trái. Với giá bán trung bình khoảng 20.000 - 25.000 đồng/quả. Hiện nay, sản phẩm bưởi Diễn của gia đình được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội thành Hà Nội trong các siêu thị, cửa hàng trái cây, chợ truyền thống…
Là hộ sản xuất thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến, vườn bưởi Diễn của chị Phương hầu như không phải lo lắng về đầu ra khi được doanh nghiệp, HTX và thương lái tới tận vườn thu mua, thậm chí có đơn vị đặt trước mỗi vụ hàng vạn trái.
Để có được thành công như ngày hôm nay, chị Phương cho rằng, thay đổi tập quán canh tác là yếu tố quyết định sự “thay da đổi thịt” của trái bưởi Diễn, với sự hỗ trợ của Viện Bảo vệ thực vật.
TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, vườn bưởi của gia đình chị Phương là mô hình mà Viện Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ thực hiện về kỹ thuật trong 2 năm qua.
“2 năm trước, khi các chuyên gia của chúng tôi lần đầu tiên tới đây, vườn bưởi này có rất nhiều vấn đề. Vườn bưởi trồng với mật độ quá dày, cây yếu do chăm sóc kém nhưng vẫn để nhiều trái. Ngoài ra, do việc sử dụng phân bón, thoát nước, cắt tỉa cành không đúng kỹ thuật nên cây có hiện tượng vàng lá, héo, năng suất không đồng đều, mẫu mã xấu…
Để đưa ra các quy trình phù hợp với hiện trạng vườn, các chuyên gia từ Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện các phân tích về đất trồng, vi sinh vật, dinh dưỡng đất, bệnh hại trên cây… Từ đó đưa ra các giải pháp canh tác, cải tạo đất phù hợp, khắc phục những khiếm khuyết của vườn.
Theo đó, gia đình chị Nguyễn Thị Phương đã được các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật hướng dẫn ủ phân hữu cơ, sử dụng vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật phân giải hữu cơ và các chế phẩm sinh học.
Là cán bộ trực tiếp hưỡng dẫn chị Phương cùng gia đình canh tác theo hướng hữu cơ, ông Trần Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) cho biết, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện mô hình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra trái bưởi an toàn cho vùng bưởi Diễn của xã Nam Phương Tiến nói riêng và của toàn Hà Nội nói chung.
Mô hình đã thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm qua, dựa trên các quy trình kỹ thuật đã có và nghiên cứu mới với mục tiêu nâng cấp mẫu mã, hương vị của bưởi Diễn. Đối với quả bưởi Diễn, các loại bệnh hại rất da dạng như vàng lá, thối rễ… Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến thất thường cũng khiến bộ rễ của cây bưởi yếu đi nhanh chóng.
Với đặc thù thời gian chăm sóc dài ngày (lên tới 9 tháng/năm), nông dân cần có kế hoạch chăm bón cây phù hợp với thổ nhưỡng. Quy trình canh tác ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, vi sinh vật có lợi cho đất. Ngoài ra, nông dân cũng cần bổ sung phân bón theo lượng dinh dưỡng dựa trên việc phân tích sức khỏe đất (bón phân đúng thời điểm, không tràn lan). Qua đó, ức chế một cách tự nhiên đối với các loại sâu bệnh có hại trong đất và trên cây. Đặc biệt, các chuyên gia từ Viện Bảo vệ thực vật cũng tạo thói quen cho nông dân quản lý cành, tán.
“Tán cây không quá thấp, cũng không nên quá cao để bà con dễ thu hoạch, chăm sóc… cũng như giúp tận dụng ánh sáng để cây quang hợp hiệu quả tối đa. Khi tạo môi trường thông thoáng, có đủ ánh sáng, cũng sẽ giúp giảm các loại sâu bệnh, trái khỏe, vàng đẹp…”, ông Trần Văn Huy cho hay.
Nhờ các cải tiến trong quy trình canh tác, trái bưởi Diễn khi xuất bán có mẫu mã đẹp, vỏ màu vàng đồng, không bị đốm đen, múi thơm, có vị ngọt thanh, dễ tách vỏ và không bị nát.
Hà Nội hiện có trên 19.000ha cây ăn quả, trong đó cây bưởi chiếm khoảng 70% với xấp xỉ 10.000ha. Hiện có 10 giống bưởi đang được canh tác, trong đó bưởi Diễn là một trong những giống bưởi được đánh giá cao về chất lượng, được trồng khoảng 8.000ha.
Để phát triển mạnh hơn nữa các mô hình canh tác bưởi Diễn theo hướng hữu cơ, lãnh đạo HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến cho biết, hàng năm, HTX thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội, Viện Bảo vệ thực vật tổ chức các buổi tập huấn cho bà con các quy trình canh tác hữu cơ, quản lý dịch hại...
"Tôi rất mong các hộ dân canh tác bưởi trong HTX Nam Phương Tiến sẽ chuyển hướng dần sang canh tác bưởi hữu cơ với quy trình phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng an toàn. Qua đó, hướng đến xây dựng sản phẩm bưởi Diễn của Nam Phương Tiến an toàn, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng", chị Nguyễn Thị Phương cho hay.
Ông Lê Văn Lanh, Phó Chủ tịch xã Nam Phương Tiến cho biết, toàn xã hiện có khoảng 150ha bưởi, trong đó 50ha trồng tập trung và 90ha đã cho thu hoạch (cây trên 10 năm tuổi). Ngoài đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như VietGAP, bưởi Diễn của xã Nam Phương Tiến còn là sản phẩm OCOP cấp thành phố.
"Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp các cấp để cải tiến kỹ thuật canh tác, chất lượng trái, xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm..., qua đó tiến tới nâng hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố. Đặc biệt, địa phương cam kết quán triệt các nhà vườn canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất bảo vệ thực vật bị cấm nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng", ông Lê Văn Lanh cho biết.
Giống bưởi Diễn vừa có thể dùng để thờ, vừa có thể dùng để ăn được lâu nên được nhiều người chuộng, được coi là đặc sản của Thủ đô Hà Nội. Đặc điểm của loại bưởi này là để càng lâu ăn càng ngọt, mỗi quả có trọng lượng khoảng 7 lạng đến hơn một cân. Chính nhờ đặc tính thanh mát, dễ ăn và vị ngọt mà bưởi Diễn luôn là mặt hàng được nhiều người săn đón vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.