Thứ sáu, 10/05/2024 | 01:47 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 09:35, 13/04/2023

'Cõng' nông nghiệp hữu cơ lên vùng cao Tây Bắc

Ngưỡng mộ người Dao đỏ kiên trì làm dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO

LÀO CAI Để khai thác chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch, người Dao đỏ ở Tả Phìn phải tuân thủ những quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.

Dày công thực hành theo tiêu chuẩn của WHO

Bài liên quan

Mỗi dịp cuối tuần, con đường nhỏ dẫn vào xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn bình thường. Các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước liên tục nối chân nhau vừa thong dong chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, vừa tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Họ cùng nhau tìm hiểu, khám phá những phong tục tập quán của cộng động các dân tộc và không quên trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc của đồng bào Dao đỏ nơi đây.

Theo chân một đoàn khách du lịch, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Dao đỏ ở thôn Tả Chải (xã Tả Phìn). Đây là một trong những HTX đi đầu trong việc sản xuất, chế biến dược liệu gắn liền với phát triển du lịch. Hương thơm nồng ấm của lá thuốc được đun sôi, sự thân thiện nhiệt tình của chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX khiến tất cả khách du lịch đang trong cơn “mê ngủ” vì mệt mỏi như được bừng tỉnh.

z4205678344528_d11a67d1a20724a04bab04fd75cf0d42

Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ đang cùng các thành viên HTX đẩy mạnh sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ảnh: Hải Đăng.

Bài liên quan

Chị Mẩy bảo, sản xuất dược liệu gắn với du lịch rất mệt nhưng lại rất vui. Mệt vì phải quán xuyến nhiều đầu việc, nhưng bù lại niềm vui được nhân lên gấp đôi khi vừa quảng bá được văn hóa của dân tộc mình, tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ, vừa tạo được chuỗi liên kết giúp công tác tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu thuận lợi hơn.

Cuộc sống của người Dao đỏ ở Tà Phìn, trong đó có gia đình chị Mẩy từ xa xưa đã gắn liền với núi rừng nên rất am hiểu về các loại cây thuốc trong tự nhiên. Từ chỗ chỉ biết khai thác nguồn lợi sẵn có, các hộ đã bảo nhau đưa cây thuốc về trồng trong rừng, trong vườn nhà. Cây dược liệu đã cùng người Dao đỏ nói riêng, các dân tộc khác nói chung cùng nhau đi qua nhiều cơn bĩ cực.

Bài liên quan

Tuy nhiên, dưới con mắt của một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cắt thuốc nam, chị Mẩy không ít lần xót xa trước cảnh những cây dược liệu quý người dân phải mang đi bán rong, bị ép giá rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua.

Từ thực tế đó, chị đã quyết định thành lập HTX Cộng đồng Dao đỏ với mục đích tập hợp các hộ cùng chí hướng phát triển sản xuất, thu hái, sơ chế, chế biến các loại dược liệu gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.

Từ 7 thành viên ban đầu, hiện HTX đã có 120 thành viên chính thức và 400 thành viên liên kết theo hình thức “đầu vào của HTX là đầu ra của các hộ dân”.

Hiện tổng diện tích khai thác dược liệu của HTX (bao gồm cả liên kết) lên tới vài trăm ha, chủ yếu là atiso, ngải cứu, chùa dù... Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” (GACP-WHO) là 75ha. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 2.500 tấn nguyên liệu tươi và các sản phẩm chế biến như nước tắm, nước ngâm chân, dầu gội đầu...

Chị Mẩy tâm sự, hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu để làm thuốc và bào chế thành các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập, các sản phẩm từ dược liệu của các nước trên thế giới sẽ đưa vào Việt Nam và ngược lại. Do đó, để những sản phẩm truyền thống giữ được thương hiệu và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, đồng thời đảm bảo được các tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch khi đến Sa Pa thì quá trình trồng trọt, thu hái nguyên liệu, chế biến, bảo quản… không thể coi nhẹ việc chuẩn hóa.

z4205678343299_e28a7e5de7d27827718b4c4a3c70fa1c

Các khâu trong quá trình sản xuất, thu hái, chế biến... đều được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Hải Đăng.

Trước những yêu cầu đó, HTX đã thống nhất với các thành viên áp dụng chung một quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GACP-WHO để từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững.

Với số lượng thành viên đông đảo, HTX phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho các hộ trồng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học. Bên cạnh đó, phân chia thành viên thành 15 nhóm nhỏ, bầu các tổ trưởng để đôn đốc, nhắc nhở các hộ thực hiện theo cam kết, có nhật ký ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc.

Ngoài ra, hàng năm, HTX tổ chức cuộc thi “sao sáng” để cổ vũ các hộ gia đình tích cực chăm lo cho vườn trồng của mình. Hộ gia đình nào thu được kết quả cao nhất về chất lượng khi thu hoạch sẽ được nhận phần thưởng của HTX. Đồng thời, sẽ có một phần thưởng riêng cho gia đình nào có sự tham gia của cả vợ và chồng nhằm tăng tình yêu thương, đoàn kết trong mỗi gia đình, giúp chị em phụ nữ đảm bảo công tác bình đẳng giới. Khi ý thức của mỗi cá nhân tăng lên, gia đình hòa thuận thì việc triển khai, thống nhất các quy trình sản xuất cũng trở nên thuận lợi hơn.

Với cách làm này, HTX luôn đảm bảo được nguồn nguyên liệu chất lượng. Việc tiêu thụ các sản phẩm được làm từ dược liệu cũng trở nên thuận lợi hơn. Chị Mẩy bật mí, trung bình hàng năm doanh thu của HTX khoảng 4 tỷ đồng (chưa trừ chi phí), các thành viên cũng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

“Để đạt được chứng nhận GACP-WHO không là việc dễ dàng. Bởi lẽ, tiêu chuẩn này có hai nội dung chính là thực hành tốt trồng cây thuốc (GAP) và thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã (GCP).

Mỗi quy trình có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có những tiêu chuẩn riêng cho từng loài cây thuốc cụ thể phụ thuộc vào điều kiện sinh thái, nguồn giống, đất trồng, biện pháp canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch, đóng gói, bảo quản dược liệu trong kho... Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này chỉ có thời hạn 3 năm, khi các cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá lại chỉ cần một tiêu chuẩn không đảm bảo sẽ bị thu hồi chứng nhận”, chị Mẩy cho biết.

“Bảo bối” níu chân khách du lịch

Cuộc trò chuyện của chúng tôi và chị Mẩy đang tới hồi rôm rả thì bị cắt ngang bởi tiếng kêu thất thanh của một vị khách đang trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc của HTX: “Chị Mẩy ơi, cho em nằm trong bồn tắm này tới tối nhé, sảng khoái vô cùng”. Vậy là mọi người trong đoàn được một tràng cười vui vẻ.

z4205681800524_6d8004223073c770d5e7dbaa41f1381e

Sản xuất dược liệu an toàn, hữu cơ đang giúp sản phẩm của HTX Cộng đồng Dao đỏ tiêu thụ thuận lợi. Các thành viên có thu nhập trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trung Quân.

Hỏi về bài thuốc tắm độc đáo này, chị Mẩy không ngần ngại chia sẻ: Trước đây, người Dao đỏ sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao nên hoạt động, làm việc hàng ngày đều tiêu tốn rất nhiều sức lực. Với sự am hiểu về những loại lá thuốc mọc trong tự nhiên, họ đã tạo cho mình thói quen sử dụng những loại lá này để tắm hàng ngày nhằm bồi bổ sức khỏe.

Khi hoạt động du lịch tại Sa Pa phát triển, những bài thuốc tắm của người Dao đỏ được phổ biến rộng hơn. Cùng với các sản phẩm tinh dầu được chiết xuất từ dược liệu, hoạt động trải nghiệm tắm lá thuốc cũng trở thành “đặc sản” thu hút được sự quan tâm rất lớn của khách du lịch và mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Mỗi bài thuốc tắm có tới cả chục loại thuốc được phối trộn với nhau theo một công thức nhất định, tùy vào đối tượng sử dụng. Yêu cầu đầu tiên với lá thuốc là phải an toàn về chất lượng. Khâu này sẽ do những người có kinh nghiệm, kiến thức cao nhất về lá thuốc lựa chọn. Sau đó, lá thuốc sẽ được đun nóng tới khi nào nước thuốc có màu đỏ thẫm giống như màu rượu vang, có mùi thơm đặc trưng của các loại thảo mộc mới có thể sử dụng...

Tiếp cận "du lịch sức khỏe"

Theo chị Mẩy, cách tiếp cận đối với dược liệu của bà con dân bản hiện nay đã khác. Trước đây, mọi người khi nhắc đến việc trồng dược liệu thường chỉ nghĩ đơn thuần là trồng cây thuốc, tạo ra sản phẩm bán cho thương lái, doanh nghiệp thu mua. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển dược liệu đã chuyển sang hình thức mới là phát triển kinh tế thảo dược. Dược liệu sẽ được đưa vào các chuỗi liên kết để giải quyết “nút thắt” lớn nhất là khâu tiêu thụ và tối ưu hóa giá trị. Nếu chỉ bán nguyên liệu thô thì HTX, người trồng sẽ luôn bị động, không có lãi, không thể duy trì được.

Danh-cho-dai-ly-1536x1020

Sử dụng dược liệu làm nước tắm cho khách du lịch mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người Dao đỏ. Ảnh: Trung Quân.

Những tỉnh miền núi nếu có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa thuận lợi đều có thể phát triển loại hình này. Bởi lẽ hiện nay, loại hình “du lịch sức khỏe” đang phát triển. Nghĩa là, ngoài tham quan phong cảnh, du khách luôn cần dịch vụ nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ luôn mong muốn trong một chuyến đi vừa có thể tham quan, trải nghiệm, vừa có thể chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc dân gian đặc trưng; ăn đồ ăn, thức uống được làm từ thảo dược...

Nếu kết hợp được hoạt động sản xuất, khai thác dược liệu với du lịch, sẽ giải quyết cùng lúc được nhiều vấn đề. Một là thu hút, giữ chân được khách du lịch. Hai là kích thích được sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc miền núi. Đồng thời, xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, thuận lợi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp...

Tuy nhiên, để làm được điều này, việc đầu tiên là phải thay đổi phương thúc canh tác truyền thống, phát triển sản xuất dược liệu theo hướng an toàn, hữu cơ. Từ đó, mới có nguồn nguyên liệu chất lượng để chế biến sản phẩm ở mức cao hơn, sử dụng cho nhiều mục đích.

 

TRUNG QUÂN - VÕ VIỆT

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

NGHỆ AN Nâng cao năng suất, chất lượng, cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái là những giá trị mà mô hình áp dụng IPHM mang lại.  

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

QUẢNG BÌNH Nhờ canh tác trồng bưởi theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỷ từ vùng đất gò đồi trước đây sản xuất kém hiệu quả.

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Việc xây dựng các chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Những người lăn vào làm chè sạch ở Long Cốc

Những người lăn vào làm chè sạch ở Long Cốc

PHÚ THỌ Mấy ai biết rằng những đồi chè ở Long Cốc (Thanh Sơn, Phú Thọ) đẹp mộng mơ trở nên sạch hơn, thơm hơn một phần nhờ những người tiên phong này…

Xem Thêm