Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:40 GMT +7
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vinamit là một doanh nhân có niềm say mê đặc biệt với nông nghiệp hữu cơ (organic).
Mỗi lần có dịp gặp ông, tôi lại nghe ông nói không biết chán về nông nghiệp hữu cơ, về tiềm năng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Nếu như phong trào sản xuất hữu cơ mới rộ lên trên cả nước trong mấy năm trở lại đây, thì ông Nguyễn Lâm Viên đã âm thầm đi theo hướng hữu cơ từ gần 30 năm trước.
Ông Viên điều khiển máy cày trong nông trại hữu cơ
Ngay từ khi mới thành lập Vinamit vào năm 1988, ông đã đi tìm các nông sản được sản xuất tự nhiên để chế biến XK vì cho rằng đó là những thực phẩm tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Những chuyến đi như thế đã giúp ông nhận thấy rằng ở nhiều địa phương, nông dân vẫn giữ phương thức sản xuất theo kiểu tự nhiên với nhiều loại cây trồng trên quy mô lớn, không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa chất.
Chẳng hạn, ở U Minh Thượng và U Minh Hạ (Cà Mau), có một cánh rừng chuối xiêm ước rộng 6.000-10.000 ha. Chuối ở đây được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất.
Không chỉ thu mua sản phẩm, tại những vùng còn sản xuất tự nhiên như thế, từ năm 2003 đến nay, ông Viên đã tổ chức liên kết với nông dân hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn, như vùng trồng chuối ở Cà Mau và Tuyên Quang, vùng trồng mít ở Đăk Lăk, Đăk Nông và Tây Ninh, vùng trồng khoai lang ở Đăk Nông ...
Nhờ liên kết với nông dân, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Vinamit đã lên tới gần 20.000 ha. Tất cả đều được sản xuất theo kiểu tự nhiên, hữu cơ, không sử dụng hóa chất.
Trong khâu chế biến thực phẩm, Vinamit từ lâu cũng đã đi theo hướng không sử dụng chất bảo quản để đảm bảo cho các sản phẩm của mình vẫn hoàn toàn hữu cơ. Có thể nói đây là một con đường chông gai và Vinamit đã 2 lần phải trả giá đắt do những sơ suất khiến không thể khống chế được sự phát triển của vi khuẩn làm hàng hóa bị hư hỏng.
Lần trả giá đầu tiên là năm 1996 với thiệt hại 500.000 USD. Lần thứ 2 là năm 2010 với thiệt hại tới gần 150 tỷ đồng. Tuy vậy, Vinamit vẫn tiếp tục kiên trì đi theo con đường này và nhờ đó đã đưa được sản phẩm vào nhiều thị trường khó tính.
Kiên trì đi theo hướng hữu cơ, ông Viên đã trở thành một doanh nhân có niềm đam mê đặc biệt và rất am tường nông nghiệp hữu cơ. Ông có thể nói vanh vách hàng giờ về việc phải chọn đất như thế nào, xử lý đất ra sao, cách nào để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nhất mà không phải dùng tới thuốc hóa học ...
Tất cả những kiến thức ấy ông tích lũy được từ chính thực tế làm hữu cơ của mình và học hỏi từ những lão nông tri điền vẫn làm nông theo kiểu truyền thống của ông bà xưa.
Với quan điểm hữu cơ là con đường tốt nhất để phát triển nông nghiệp Việt Nam, ông Viên luôn mong muốn lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào làm nông nghiệp hữu cơ, nhất là những người trẻ.
Tháng 12/2016, tại Diễn đàn “Thực phẩm sạch giành cho ai?”, ông đã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp hữu cơ với nhiều bạn trẻ bằng chính những thành công, thất bại trong quá trình làm hữu cơ của mình.
Nhiều ý kiến của ông có thể gây sốc cho những người mới bắt đầu hoặc đang có ý định tham gia làm nông nghiệp hữu cơ, nhưng lại là những bài học cần thiết để những người khởi nghiệp hữu cơ thấy cần phải thận trọng hơn, chuẩn bị tốt hơn ... trước khi tham gia vào con đường đầy gian nan, thử thách này.
Toàn cảnh nông trại hữu cơ của Vinamit ở Bình Dương
Với những người trẻ muốn làm hữu cơ một cách nghiêm túc, ông Viên sẵn sàng tham gia hợp tác, hỗ trợ. Ngay trong những ngày đầu tháng 1/2017 này, ông đã về Hồng Ngự (Đồng Tháp) trực tiếp khảo sát mô hình làm lúa sinh thái của chàng thanh niên Võ Văn Tiếng và đã quyết định hỗ trợ Tiếng 1,6 tỷ đồng để thuê 20 ha làm lúa hữu cơ trong 5 năm. Toàn bộ gạo hữu cơ trên diện tích ấy sẽ được Vinamit bao tiêu toàn bộ. |
Đó là phải cần vốn đầu tư ban đầu đủ lớn, vòng quay để lấy lại vốn phải là 6 năm; phải hiểu biết rõ về nông pháp hữu cơ, làm chủ canh tác hữu cơ; biết phát triển vi sinh vật khi sản xuất và ức chế vi sinh vật khi bảo quản; phải gắn kết sản xuất với chế biến. Bài nói chuyện của ông đang được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng.
Ngoài liên kết với nông dân, Vinamit của ông Viên cũng đã bắt tay vào xây dựng những nông trại hữu cơ quy mô lớn, áp dụng sản xuất đúng theo các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế một cách nghiêm ngặt.
Nông trại đầu tiên có tổng diện tích 200 ha, tọa lạc trên địa bàn huyện Phú Giáo (Bình Dương). Nông trại này trước đây thuộc một trường đại học, rất phù hợp với sản xuất hữu cơ do nằm ở vùng sâu và đầu nguồn nước, chưa bị tác động bởi hóa học.
7 năm trước, ông Viên quyết định mua lại nông trại trên. Nông trại khi ấy đã có sẵn cây ăn trái, nhưng cây nào cũng cao, không thể nào bao trái để bảo vệ khỏi sâu bệnh. Nếu muốn phòng trừ sâu bệnh, bắt buộc phải phun thuốc trừ sâu. Khi ấy, chắc chắn sẽ làm chết các vi sinh vật trong đất, và quan trọng hơn là sẽ không còn giữ được yếu tố hữu cơ.
Chính vì vậy, ông Viên đã quyết định cho cắt bỏ toàn bộ cây ăn trái trong vườn, rồi tiến hành làm đất, phơi đất thật kỹ càng. Ông phơi đất lâu tới mức xã đã từng phải thắc mắc rằng sao không thấy ông sản xuất gì cả.
Ông bảo phải làm kỹ như vậy để trừ nấm bệnh, vì đất bị nấm bệnh mà không xử lý đến nơi đến chốn, thì sẽ rất vất vả phòng trừ bệnh cho cây trồng sau này. Sau khi phơi đất xong thì lại làm công việc trả lại vi sinh vật cho đất, vì có vi sinh vật thì đất mới tơi xốp.
Sau đó, ông Viên cho triển khai trồng nhiều loại trái cây. Tổng cộng có 53 loại cây đã được trồng trong nông trại, tất cả đều áp dụng phương pháp hữu cơ. Trong đó, chủ lực là mít, xoài, chuối và sầu riêng. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến thực phẩm của Vinamit ở Bến Cát cũng áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chế biến, đóng gói hữu cơ.
Sau 3 năm thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hữu cơ, từ trồng trọt đến chế biến, đóng gói, vào tháng 12/2016, Vinamit đã được Chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU).
Những chứng nhận nói trên sẽ mở ra cánh cửa đưa các sản phẩm hữu cơ của Vinamit đến các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản ...
Ông Viên cho biết, ông sẽ mở thêm nhiều nông trại hữu cơ ở các tỉnh khác. Các nông trại sẽ tập trung trồng những loại cây ăn trái mà nông dân bên ngoài khó có thể làm hữu cơ như xoài, thanh long ... Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ ở nhiều địa phương. Không chỉ lấy chứng nhận hữu cơ cho các nông trại của mình, Vinamit cũng sẽ làm hồ sơ cho từng hộ nông dân liên kết để lấy các chứng nhận hữu cơ. |
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.