Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:24 GMT +7
Vùng đất giồng cát thuộc huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có đặc tính nghèo dinh dưỡng bởi giữ nước kém và khan hiếm nước tưới vào mùa khô. Do đó, nông dân ở đây chỉ trồng các loại cây ngắn ngày.
Khoảng hai năm trước, anh Trang Tấn Tài ở ấp Phiêu, xã Hiệp Hòa là người đầu tiên đưa giống na Thái về trồng trên diện tích 0,14ha với 180 cây giống ban đầu. Nhờ siêng năng chăm sóc và kỹ thuật canh tác bài bản, vườn na của anh cho trái 2 vụ/năm, đạt năng suất trung bình 20 tấn/ha và đang trở thành điểm đến để nông dân tại địa phương học hỏi kinh nghiệm.
Anh Tài chia sẻ, trước đây trồng nhiều loại rau màu như bầu, bí, khổ qua và dưa leo nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó anh bắt đầu tìm hiểu qua mạng xã hội về các loại cây ăn trái và bị thuyết phục bởi giống na Thái nên quyết định trồng thử nghiệm.
“Tôi thấy ở Đồng Tháp chỉ trồng từ 1,5 - 2 năm cây đã cho trái. Mỗi trái na nặng đến nửa ký nên tôi sang đó học hỏi kỹ thuật và mua giống về trồng. Giá cũng phải chăng, 50.000 đồng mỗi cây giống cao 2 gang tay tính từ bầu trở lên”, anh Tài kể.
Tuy nhiên, khởi đầu của anh không hề suôn sẻ. Mùa mưa đầu tiên, gần một nửa số cây trong vườn bị ngập úng, trong khi những cây còn lại phát triển còi cọc.
Theo anh Tài, na Thái tuy không kén đất nhưng để thành công đòi hỏi người trồng phải đam mê và nắm vững kỹ thuật. Không nản chí, anh tìm hiểu thêm về đặc tính của cây trồng này, nhận ra đây là cây chịu nước kém.
Anh cải tạo vườn bằng cách đắp mô cao khoảng 30cm so với mặt vườn và trồng lại với khoảng cách 3m mỗi cây, đồng thời tạo rãnh thoát nước để ngăn ngập úng. Vào mùa nắng, anh để cỏ giữ ẩm cho gốc cây và dọn vườn thông thoáng vào tháng mưa.
Anh Tài chia sẻ, so với các loại rau màu, việc chăm sóc na Thái ít tốn công hơn rất nhiều. Anh chỉ cần lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, mỗi ngày mở van tưới 2 lần, cung cấp đủ nước cho cây phát triển. Cây na 16 tháng tuổi có thể để trái theo ý của chủ vườn.
"Muốn cây ra bông, tôi bắt đầu siết nước và tỉa bớt các nhánh, lá nhằm giúp cây tập trung dinh dưỡng vào thân chính, sau đó bón phân và thúc nước để kích thích cây. Khi cây ra bông, tôi bẻ nhụy hoa đực úp qua hoa cái để giúp cây thụ phấn nhanh hơn. Na Thái có lợi thế tỷ lệ đậu trái gần như 100%, đạt trọng lượng 0,5kg mỗi trái. Người trồng cần chống cọc đỡ nhánh để tránh đổ ngã", anh Tài cho biết.
Anh Tài tiết lộ, chi phí vật tư trồng na Thái trung bình khoảng 1,5 triệu đồng cho mỗi công đất/năm (1 công = 1.000m2). Nhờ sử dụng phương pháp bao trái, anh tiết kiệm được 70% chi phí thuốc hóa học. Đồng thời anh chủ yếu sử dụng phân bò để bón nên cây luôn xanh tốt và trĩu quả.
"Hiện nay, một số hộ tăng cường muối vào khẩu phần ăn của bò để giúp chúng lớn nhanh, nhưng nếu bón phân từ nguồn này cho cây thì lại phản tác dụng. Vì vậy, tôi chỉ sử dụng phân chuồng từ trong xóm để bón cho vườn na. Phân được bón với liều lượng hợp lý, mỗi năm tôi bón khoảng 5 - 7kg/gốc hoặc điều chỉnh tùy theo tuổi cây và độ xanh của lá. Phân chuồng tuy tác dụng chậm nhưng lại giúp cây xanh lâu hơn và tiết kiệm khoảng 70% chi phí so với sử dụng phân hóa học", anh Tài lưu ý.
Năm nay, vườn na của anh Tài đạt năng suất ước khoảng 2 tấn mỗi công, với giá bán trung bình từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng màu trước đây.
Theo anh Tài, na Thái trồng trên đất giồng cát rất phù hợp, cho trái có vị ngọt thanh, vỏ mỏng và ít nước. Tuy nhiên, cây trồng này còn khá mới mẻ tại địa phương nên anh đang kết nối với Liên minh Hợp tác xã tỉnh để tìm đầu ra ổn định.
“Mỗi khi nghe về giống cây mới, tôi và vợ thường đi khắp các tỉnh ĐBSCL để học hỏi và mang về trồng thử nghiệm. Hiện tại, ngoài vườn na Thái, gia đình tôi còn trồng nhiều cây khác trên diện tích 1ha như táo, mận tím, mận xanh, siro và mít không hạt... Tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm trồng các giống cây mới, đặc biệt là theo hướng hữu cơ và nếu thấy hiệu quả sẽ nhân rộng cũng như sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho bà con”, anh Tài cho hay.
Theo ông Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, giống na Thái hay còn gọi là na Hoàng Hậu không phải là mới ở các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên tại ấp Phiêu, xã Hiệp Hòa, ông Tài là người đầu tiên đưa giống cây này về trồng theo hướng hữu cơ.
"Tại Trà Vinh vẫn chưa có đầu ra ổn định cho trái na Thái, chủ yếu phục vụ các bạn hàng để bán cho người ăn chơi. Thời gian tới, nếu sản lượng tăng lên, chúng tôi sẽ kết nối để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, đồng thời trồng thay thế các cây trồng kém hiệu quả khác", ông Tửng nói.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.